Hàng loạt những vụ hành hung giáo viên liên tiếp xảy ra khiến cho không ít giáo viên lo sợ và hoang mang trước sự an toàn của bản thân đang bị đe dọa từng ngày.
Phụ huynh đến tận trường ép cô giáo quỳ xin lỗi trước mặt đồng nghiệp và học sinh tới 40 phút, hay phụ huynh đến trường hành hung cô giáo tới mức nhập viện có nguy cơ sảy thai… là hai trong số nhiều sự việc sự an toàn của giáo viên bị đe dọa.
Điểm chung của những vụ việc ấy là giáo viên, những người làm công tác giảng dạy, uốn nắn học sinh lại bị chính cha mẹ của học sinh đánh đập.
Bàn về vấn đề này với Gia Đình Mới, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho hay: “Nhân phẩm, danh dự và sự an toàn của thầy, cô giáo hiện nay đang bị đe dọa, việc xâm hại giáo viên đang diễn ra quá mức và liên tục xảy ra.
Ở đây có một vấn đề là "tiếng nói" của pháp luật, của lực lượng bảo vệ nhà giáo chưa rõ ràng, chưa có giải pháp triệt để khiến cho việc hành hung giáo viên diễn ra ngày càng nhiều. Câu chuyện bảo vệ nhà giáo cần tiếng nói chung của các cơ quan chức năng chứ không riêng gì chỉ là Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Và cho đến giờ, tôi chưa thấy cơ quan chính quyền địa phương lên tiếng về các vụ việc hành hung giáo viên như hiện nay.
Sắp tới Quốc Hội sẽ thông qua Luật Giáo dục và Luật Nhà giáo sẽ có những quy định bảo vệ nhà giáo, tuy nhiên tôi chưa nói đến chuyện đó, cái mà tôi muốn đề cập ở đây là ý thức của người dân.
Phụ huynh học sinh đánh giáo viên thực tập tới mức nhập viện có nguy cơ sảy thai thì cơ quan chức năng cũng cần phải xử lý ngay chứ không phải đợi đến khi có Luật Giáo dục, Luật Nhà giáo bảo vệ nhà giáo ra đời mới xử lý.
Chúng ta phải theo luật pháp, phải làm ngay, xử lý ngay chứ không thể để chờ báo cáo, trình bày thì rất khó để ngăn chặn tình trạng này”.
Các thầy, cô giáo không chỉ bị áp lực trong việc uốn nắn, dạy dỗ trẻ mà giờ đây còn là cả phụ huynh. Bởi có lẽ nền kinh tế thị trường đã làm xóa nhòa mọi khoảng cách dạy dỗ giữa thầy và trò.
“Với những trẻ có bố mẹ phản ứng như vậy, vô hình chung sau này trẻ cũng sẵn sàng đối xử với người khác y như cách bố mẹ trẻ đối xử với cô giáo”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Không những vậy, khi phụ huynh hành hung giáo viên, không chỉ đe dọa đến tính mạng của thầy, cô giáo mà còn là tấm gương xấu để con trẻ học theo.
Cũng chia sẻ về vấn đề bạo lực với giáo viên, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) đánh giá: “Ở đây ta có thể thấy được rằng, dường như chúng ta đang chuyển sang nền kinh tế thị trường, các bậc phụ huynh thấy rằng họ trả tiền cho nhà trường và đã trả tiền thì họ có quyền đòi hỏi và sai khiến.
Cách nghĩ đó tôi chưa bàn đến đúng hay sai, nhưng rõ ràng nó đang xóa nhòa đi khoảng cách dạy dỗ con trẻ làm người hay giảng giải trong môi trường sư phạm", chia sẻ.
Đi sâu vào phân tích căn nguyên, đặc biệt là lý do xuất phát việc phụ huynh bắt cô giáo quỳ, Giáo sư Lê Thị Quý, Viện trưởng viện nghiên cứu Giới và Phát triển cho rằng, việc trừng phạt học sinh bằng bạo lực ngày nay đã mang tính phổ biến. Nó khiến cho không khí giáo dục căng thẳng và thiếu nhân văn.
Ở góc độ khác, Giáo sư Lê Thị Quý phân tích, phụ huynh học sinh là những người đóng tiền cho nhà trường để trả lương cho thầy cô giáo, họ có quyền yêu cầu con cái họ phải được học kiến thức, học điều hay, lẽ phải ở nhà trường chứ không phải bị hành hạ, sỉ nhục.
Do vậy, cần nghiêm túc nhìn nhận những sai sót của ngành giáo dục để sửa, đặc biệt trong cách ứng xử, quan hệ thày trò.
"Tình hình này khiến cho nhiều học sinh và phụ huynh không còn tin tưởng vào môi trường giáo dục của nhà trường và nguy hiểm hơn không còn tin tưởng vào chính sách giáo dục của Nhà nước ta. Theo tôi kiến nghị cần chấm dứt ngay các hành vi bạo lực mà khoa học đã gọi là “Bạo lực học đường”, Giáo sư Lê Thị Quý đưa ra giải pháp.