Khi trẻ bị người lớn sử dụng các hành vi bạo lực, giáo dục hà khắc đối với bản thân mình thì đứa trẻ đó sẽ có xu hướng sử dụng hành vi bạo lực của mình đối với những người xung quanh.
Những ngày qua mạng xã hội xôn xao về hình ảnh một nam sinh lớp 9 ở Thường Tín, Hà Nội bị cô giáo bắt phạt quỳ ngay giữa giờ học.
Hình ảnh nam sinh lớp 9 bị cô giáo phạt quỳ gối làm nảy sinh những ý kiến trái chiều về phương pháp giáo dục học sinh.
Có quan điểm cho rằng, thầy cô bị áp lực không hề nhẹ khi lên lớp và với những học sinh cá biệt, học sinh hư cần phải "thương cho roi cho vọt", cần phải có hình phạt để các em nhận ra lỗi lầm của mình, sửa sai và trưởng thành hơn.
Tuy nhiên, chuyên gia giáo dục tâm lý, kỹ năng sống Vũ Việt Anh cho rằng, việc phạt quỳ đối với học sinh là hành vi phản cảm, phản giáo dục. Hơn nữa, cách làm này còn làm ảnh hưởng và tổn thương đến tâm lý của học sinh.
Trong những hành vi xâm hại đối với học sinh thì có 4 nhóm hành vi gồm xâm hại về tinh thần, xâm hại về thể chất, xâm hại về tình dục, xâm hại về sao nhãng.
Việc phạt trẻ quỳ vừa là xâm hại về tinh thần, làm tổn thương tinh thần của người khác, đồng thời cũng vừa xâm hại về mặt thể xác.
Hành vi này có thể gây tổn thương rất lớn cho trẻ em. Bởi trẻ em ở tuổi dậy thì việc phát triển tâm sinh lý rất nhạy cảm, chưa có định hình về nhân cách, tính cách, nên rất nhiều trẻ chỉ cần bị một lời xúc phạm, một điểm kém, một lời trách mắng… là các em cũng bị tổn thương trầm trọng đến thân thể, tinh thần.
Vì vậy, trong việc xử lý vi phạm đối với học sinh phải hết sức tế nhị và khôn khéo, tránh việc tổn thương đến tinh thần, nhân cách. Bởi ở độ tuổi dậy thì trẻ rất dễ định hình nhân cách.
Vị chuyên gia tâm lý này cũng chia sẻ thêm: “Chúng ta thường hay nghe thấy câu “Children see, Children do”, có nghĩa là trẻ con nhìn thấy cái gì thì trẻ con sẽ làm cái đó”.
Vậy nên, khi trẻ bị người lớn sử dụng các hành vi bạo lực đối với bản thân mình thì đứa trẻ đó sẽ có xu hướng sử dụng hành vi bạo lực của mình đối với những người xung quanh.
Ngoài ra, theo những thống kê khoa học thì người ta thấy được rằng những đứa trẻ bị giáo dục bằng phương pháp hà khắc thì thường đối xử tồi tệ với bạn bè của mình, thậm chí đánh đập cả con mình sau này”.
Vì vậy, chuyên gia giáo dục tâm lý Vũ Việt Anh khuyến cáo, thay vì sử dụng các biện pháp giáo dục hà khắc, chúng ta cần thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục để các hành vi vi phạm như vậy không xảy ra.
Đối với các thầy cô giáo, chúng ta nên đưa ra những quy định, nội quy ở trong lớp, sau đó cùng trao đổi với học sinh để tìm ra biện pháp xử lý chung.
Và khi chúng ta đồng thuận về phương pháp xử lý thì đấy là quy định chung của chúng ta, của lớp chúng ta và tất cả học sinh trong lớp phải tuân theo.
Khi đã có quy định thì lúc đó 1 người phải tuân thủ theo vì mọi người và mọi người sẽ cùng nhau giám sát người phạm lỗi.