Việc người bình thường làm mất 5 phút, họ mất nửa tiếng hoặc có khi cả ngày. Con tim muốn tìm đến bên nhau, nhưng lý trí lại cho rằng: Họ có nhiều khiếm khuyết vậy sao phù hợp với nhau được. Thế nhưng sau mọi thử thách của ông Trời, những nỗ lực tần tảo của cả hai đã kết trái ngọt.
Điền Hiểu sinh năm 1991. Được 6 tháng tuổi, mọi người phát hiện cô không thể lật người hay bò. Đưa đến viện kiểm tra, mọi người đau đớn phát hiện cô đã mắc hội chứng xơ cứng teo cơ một bên, sẽ tàn tật cả đời.
Vì căn bệnh nay, Điền Hiểu không thể đi học. 16 tuổi, ông ngoại mua cho cô một chiếc máy tính xách tay. Điền Hiểu qua đó tự học thiết kế ảnh, còn học dẫn chương trình, thường trò chuyện qua tổng đài điện thoại.
Cũng chính lúc làm việc qua tổng đài điện thoại, Điền Hiểu quen biết chồng mình sau này là Trương Vĩnh Phi.
“Năm 2006, khi rảnh, tôi lại thích trò truyện qua tổng đài điện thoại, thường xuyên nói chuyện với Điền Hiểu", Trương Vĩnh Phi nói.
Người bị khiếm thị bẩm sinh như anh từ nhỏ đã vô cùng tự lập, 10 tuổi đã tới trường dành cho trẻ khuyết tật học lớp đọc chữ nổi.
16 tuổi, anh dựa vào kiến thức học lúc tiểu học cùng với hàng ngày tích lũy qua đài phát thanh, may mắn thi đỗ vào lớp trung cấp dành cho người mù tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.
19 tuổi sau khi tốt nghiệp, anh bắt đầu làm việc tại cửa hàng mát-xa, tự nuôi chính mình.
Vào một ngày tháng 4 năm 2006, Điền Hiểu và Trương Vĩnh Phi trò chuyện với nhau nguyên 1 đêm. Khi biết Điền Hiểu bị liệt toàn thân, chỉ có một cánh tay có thể hoạt động, Trương Vĩnh Phi tỏ rõ thành ý muốn giúp Điền Hiểu mát-xa, giúp cô ấy cố gắng hồi phục.
Điền Hiểu cũng vui mừng nhận lời. “Tôi chỉ là dùng những gì mình đã học, hy vọng có thể giúp cô ấy”,Trương Vĩnh Phi vẫn nhớ rõ như mới ngày hôm qua, ngày 30/4/2006 đó, anh ngồi hơn 1 tiếng rưỡi trên xe bus, đến nhà Điền Hiểu, giúp cô ấy mát-xa toàn thân.
Thời điểm ấy, để giúp Điền Hiểu hồi phục, Trương Vĩnh Phi cách tuần lại đi xe bus, đi qua hơn nửa thành phố để đến được nhà Điền Hiểu giúp cô ấy mát-xa.
Cứ thế, hai người đã thành những người bạn thân thiết không có gì là không chia sẻ với nhau. Trương Vĩnh Phi trời sinh lạc quan, hay nói đùa vui. Nhờ sức ảnh hưởng của anh, Điền Hiểu cũng trở nên vui vẻ, linh hoạt, tự tin hơn.
Dần dần, giữa hai người nảy sinh tình cảm. Nhưng đó là con tim, còn lý trí cả hai hiểu rằng, họ có những khiếm khuyết như vậy, đâu phù hợp để ở bên nhau.
Nửa cuối năm 2007, Trương Vĩnh Phi rời Thái Nguyên đi sang tỉnh khác làm việc. Trong 3 năm sau đó, anh và Điền Hiểu vẫn giữ liên lạc thường xuyên.
Đến tháng 11/2010, tức là phải 3 năm sau, cả hai mới cảm thấy không thể để mất nhau. Sau đó, Trương Vĩnh Phi từ Giang Tô quay về thái Nguyên, hai người bàn kế hoạch lập nghiệp.
Trong 4 năm, họ đã tạo dựng một phòng thu, thành lập một xưởng phim hoạt hình nhỏ. Đến hôm nay, Điền Hiểu điều hành một studio chụp ảnh, Trương Vĩnh Phi làm chủ một phòng mát-xa có 6 người khiếm thị như anh.
Để tiết kiệm chi phí, Điền Hiểu Thường cố kéo cơ thể không chịu tuân theo sự điều khiển của mình ra làm lễ tân, rồi lại làm trợ lý hậu kỳ.
“Chúng tôi người tàn tật làm gì cũng không thuận tiện, nên cố chịu khó hơn người bình thường một chút. Người thường chỉ mất 5 phút để làm xong và tốt một việc. Chúng tôi phải mất nửa tiếng, thậm chí nhiều hơn” Trương Vĩ Phi nói.
Anh và vợ quen nhau đã 12 năm, vợ anh hôm nào cũng đi ngủ muộn dậy sớm, để có nhiều thời gian hơn làm một số việc. “Từ trước tới nay tôi chưa từng thấy ai làm việc nỗ lực, chăm chỉ và nghiêm túc hơn cô ấy.”
Để học được những khái niệm mới nhất trong chụp ảnh cưới, Trương Vĩnh Phi và Điền Hiểu đã đi tàu cao tốc đến Thượng Hải tham dự hội chợ đám cưới.
Trên khắp con đường, Điền Hiểu ngồi trên xe lăn đằng trước, Trương Vĩnh Phi bám vào xe lăn cẩn thận đi phía sau. “Em là mắt của anh, anh là chân tay của em” Hai người sống bên nhau luôn vì nhau, dựa vào nhau.
Đến ngày 10/10/2017, Trương Vĩnh Phi và Điền Hiểu đã kết thúc 10 năm tìm hiểu nhau, tiến đến hôn nhân. Trương Vĩnh Phi cho rằng ngày đó vô cùng hoàn mỹ.
Sau kết hôn, Điền Hiểu đã có mang, hai người vừa kinh ngạc, mừng rỡ vừa lo lắng. Hy vọng hạnh phúc con sẽ giống bao đứa trẻ bình thường khác, buồn là họ không thể tận tâm chăm sóc con. Lưỡng lự, đắn đo mãi cuối cùng hai vợ chồng vẫn quyết định giữ đứa trẻ.
Khi Điền Hiểu nhập viện, chứng vẹo cột sống của cô là một vấn đề lớn, rất khó khăn để tiến hành phẫu thuật. Đã có người khuyên Điền Hiểu từ bỏ, nhưng cô nhất định không đồng ý.
Điền Hiểu cho biết: “Con đã bất ngờ đến với mình, làm sao để con ra đi được, đó chính là tình mẫu tử”.
Cuối cùng, sau rất nhiều nỗ lực của bệnh viện, thiên thần bé nhỏ của hai vợ chồng đã ra đời vào lúc 9h40 phút ngày 3/5/2018. Gia đình đặt tên cho cậu bé là Mễ Đa, ý nói cuộc sống no ấm, không phải ưu lo.
Giờ cô và chồng sẽ càng cố gắng để tạo môi trường tốt nhất cho con, nuôi dưỡng con nên người. Có lẽ sau mọi thử thách, nỗ lực, ông trời đã mỉm cười với hai người.
Hội chứng xơ cứng teo cơ một bên (Amyotrophic Lateral Sclerosis hay ALS) là hội chứng trong đó bệnh nhân dần trở lên tê liệt do não không còn điều khiển được các cơ bắp vận động của cơ thể.
Theo thời gian, cơ sẽ teo dần và ngừng hoạt động, khiến người mắc ALS không thể đi, nói, ăn, nuốt và cuối cùng là không thể thở được nữa.
ALS không phải là bệnh lây lan và đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cách chữa bệnh này. Khoảng 80% bệnh nhân chết trong vòng 2-5 năm sau khi phát hiện bệnh.
ALS còn được gọi là bệnh Lou Gehrig, đặt theo tên huyền thoại bóng chày người Mỹ. Ông mắc ALS khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp và qua đời ở tuổi 39, chỉ 2 năm sau khi phát hiện.
Nhà vật lý Stephen Hawking đã qua đời sau hơn 50 năm chiến đấu với ALS. Ông là trường hợp hiếm, do căn bệnh không thuốc chữa này thường giết chết bệnh nhân trong vòng 2-5 năm.