Thói quen ăn mặn với các loại gia vị như muối, mắm, mì chính… của người dân Việt chính là thủ phạm khiến bệnh tăng huyết áp ngày càng gia tăng.
'Thủ phạm' gây tăng huyết áp là gì?
ThS. BS Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, ở những nơi, những vùng có thói quen ăn mặn thì tỷ lệ người tăng huyết áp cao hơn so với những nơi có tập quán ăn nhạt.
Natri trong chế độ ăn hàng ngày có thể tạo ra từ 2 nguồn chính là phần cho thêm vào thức ăn (phần này phụ thuộc khẩu vị từng người) và nguồn có sẵn trong thực phẩm (Natri được cho thêm vào trong thực phẩm trong quá trình chế biến và nguồn có trong thực phẩm).
Trong các thực phẩm tự nhiên, natri có sẵn với một lượng nhất định, thường có nhiều ở thức ăn nguồn động vật như thuỷ, hải sản, thịt, sữa và các sản phẩm của sữa…
Ví như trong 100 g thực phẩm, lượng natri có như sau: cua bể (316 mg), cua đồng (453 mg), tôm đồng (418 mg).
Đối với sữa, hàm lượng Natri cũng gần tương đương với thuỷ, hải sản: trong 100 g sữa bò tươi chứa 380 mg, sữa bột toàn phần là 371 mg.
Những thực phẩm có nhiều natri là những loại thịt gia cầm đóng hộp, hun khói, sấy khô. Các loại cá và sản phẩm chế biến như: cá hun khói, đóng hộp, các món ăn cá chế biến sẵn; tất cả các loại rau quả đóng hộp, các loại mắm đóng chai, mì ăn liền...
Các loại thịt chứa lượng Natri thấp hơn, trong 100 g ăn được, thì lượng natri có như sau: thịt gà ta (70 mg), thịt lợn (76 mg) , thịt bò loại 1 (83 mg) …).
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh, dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong dự phòng và điều trị tăng huyết áp (THA), có mối liên quan chặt chẽ tác động đến huyết áp động mạch qua nhiều khâu, đặc biệt là lượng các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày như: Natri, kali, calci, tổng số chất béo và thành phần chất béo, tiêu thụ rượu…
- Ăn nhiều muối làm tăng tính thẩm thấu của màng tế bào đối với natri, ion Na+ sẽ được vận chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực của thành mạch, co mạch, tăng sức cản ngoại vi và THA. Ăn nhiều muối gây THA, vì thế uống lợi tiểu thải muối muối sẽ hạ huyết áp.
- Trong khẩu phần giàu kali, calci, magie có tác dụng hạ huyết áp đối với bệnh nhân THA; chế độ ăn ít natri và mì chính, giàu kali, calci, magie có tác dụng hạ huyết áp. Tác dụng hạ huyết áp của kali do tác dụng tăng thải natri. Kali được phân bố rộng rãi trong thực phẩm và lượng thay đổi khác nhau tùy nhóm thực phẩm: một khẩu phần ăn trung bình cung cấp khoảng 2,5-3,0 g kali/ngày. Nhóm rau quả cung cấp kali nhiều nhất như: khoai tây, su hào, bí đao, mưới, đậu đỗ. Sữa cũng nhiều kali, tiếp đến là thịt, trứng, sản phẩm ngũ cốc và các loại rau. Chế độ ăn giàu kali (4-5 g/ngày) có thể giảm huyết áp ở những người có tiền sử THA.
- Chế độ ăn nhiều chất béo có liên quan đến THA, chế độ ăn giảm chất béo tổng số từ 38 -40% năng lượng khẩu phần giảm xuống 20 - 25% hoặc tăng tỷ lệ giữa acid béo không no và acid béo no từ 0,2 lên 1 thì huyết áp giảm rõ rệt. Bữa ăn bổ sung cá, dầu cá có tác dụng giảm huyết áp, đó là do vai trò của các acid không no n-3 và n-6, ngoài ra chế độ có nhiều cholesterol cũng có liên quan tới THA.
- Những người nghiện rượu, uống rượu thường xuyên có liên quan đến THA. Ở người tăng huyết áp, bỏ rượu thì huyết áp giảm.
- Béo phì và tăng huyết áp: Tỷ lệ THA ở người béo phì cao hơn hẳn ở người không béo phì. Có mối liên quan trực tiếp giữa tăng cân và THA. Ở người thừa cân- béo phì nếu có chế độ ăn hợp lý kết hợp với luyện tập giảm được cân nặng, đồng thời huyết áp cũng giảm.
Do đó, để phòng và điều trị bệnh tăng huyết áp cần xây dựng một chế độ ăn giảm natri. Đó là chế độ ăn nhạt, nhiều rau xanh và hoa quả. Chế độ ăn này giàu kali, giàu vitamin, chất xơ và thấp natri và chất béo. Chế độ ăn “không thêm muối” đòi hỏi bệnh nhân không được ăn muối hoặc mì chính trong khi chế biến thực phẩm và không ăn muối hoặc mì chính tại bàn ăn, ngoài ra việc tiêu thụ những thực phẩm nhiều muối cũng nên hạn chế.