Chủ nhà trọ sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng nếu thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định.
Nội dung này được quy định tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP sửa đổi một số nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp, điện lực...
Theo đó, tại khoản 15 Điều 2 Nghị định 17 quy định, phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ để phục vụ mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Cùng với đó, người cho thuê thu lợi bất hợp pháp còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm cho cá nhân, tổ chức bị chiếm đoạt.
Trước đây, theo Nghị định 134/2013/NĐ-CP, mức phạt tiền tối đa với hành vi này là 15 triệu đồng.
So với quy định cũ, mức phạt với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định đã tăng gấp đôi.
Ngoài ra, Nghị định 17/2022 đã tăng nhiều lần mức xử phạt với các hành vi vi phạm về sử dụng điện so với quy định tại Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP, cụ thể:
- Phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng với hành vi cản trở người có thẩm quyền kiểm tra việc sử dụng điện. Trước đây, mức phạt với hành vi này là từ 500.000 - 01 triệu đồng.
- Phạt từ 03 - 05 triệu đồng đối với các hành vi:
+ Vô ý gây sự cố hệ thống điện của bên bán điện.
+ Tự ý cấp điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Trong khi trước đây, mức phạt với các hành vi này là từ 01 - 02 triệu đồng)
- Phạt từ 05 - 08 triệu đồng với hành vi tự ý lắp đặt, đóng, cắt, sửa chữa, di chuyển, thay thế các thiết bị điện và công trình điện của bên bán điện. Trước đây, mức phạt với hành vi này là từ 02 - 04 triệu đồng.
- Phạt tiền từ 08 - 10 triệu đồng đối với hành vi tự ý đóng điện dùng khi công trình sử dụng điện của bên mua điện chưa nghiệm thu, khi đang trong thời gian bị ngừng cấp điện do vi phạm quy định của pháp luật. Trước đây, mức phạt với hành vi này là từ 04 - 05 triệu đồng.
- Phạt tiền từ 10 - 14 triệu đồng với hành vi:
+ Gây hư hại, tự ý di chuyển hệ thống đo đếm điện (kể cả tủ bảo vệ công tơ, các niêm phong và sợ đồ đấu dây).
+ Sử dụng các thiết bị với mục đích gây nhiễu làm hư hại thiết bị truyền số liệu, đo lường, bảo vệ của hệ thống điện.
Trước đây, mức phạt với các hành vi này là từ 05 - 07 triệu đồng.
Trên đây là mức xử phạt áp dụng với cá nhân; trường hợp tổ chức vi phạm, mức xử phạt gấp 2 lần đối với cá nhân.
Nghị định 17/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 31/01/2022.