Chàng trai Sài Gòn mất một chân chăm sóc cụ già neo đơn

Tai nạn 2 năm trước đã khiến chàng thanh niên 24 tuổi bị mất đi một bên chân. Thế nhưng, thay vì ngồi đó than trách số phận nghiệt ngã, cậu đã mang trái tim nhân hậu của mình để giúp đỡ người khác.

“23 tuổi tôi bắt đầu ước mơ của bản thân mình, ngay vào thời điểm ấy tôi đã không may mắn bị tai nạn và mất đi chân trái của mình”, Lưu Nguyễn (sinh năm 1994) tâm sự. 

“Mẹ ơi chân con đâu rồi?” 

2 năm trước, Lưu bị một chiếc ô tô 7 chỗ đâm phải. Giữa phố xá đông đúc. Hàng trăm ánh mắt hiếu kỳ dừng lại trên cơ thể đang bị bao quanh bởi máu của cậu nhưng không ai đưa tay giúp đỡ. Cơn đau kéo đến, càng lúc càng dữ dội. Cậu vẫn chờ ai đó tốt bụng đưa mình tới bệnh viện. Nhưng cuối cùng chẳng có ai cả.

15 phút sau, cậu tự bắt taxi tới bệnh viện. 

Lưu nhập viện trong tình trạng nguy kịch, mất máu cấp. Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật gấp để cắt bỏ phần chân trái đã bị cán nát. Đó là một quyết định khó khăn với chàng thanh niên 22 tuổi khi đó. Nhưng nếu không cưa chân, tính mạng của cậu có thể chẳng giữ nổi.

Vậy là, sau vài tiếng nằm trong phòng phẫu thuật, tỉnh dây, Lưu đã vình viễn mất đi một bên chân. Cậu oà khóc một mình, tự hỏi: “Mình sẽ đi đâu, về đâu?”

Lưu từng an ủi bản thân bằng lý lẽ: “Mất chân vậy là nghiệp duyên tạo ra từ kiếp trước, có đau khổ cũng không thay đổi được gì, phải học cách chấp nhận và đối diện sự thật” để bước qua nỗi đau một cách nhẹ nhàng hơn. Sự mặc cảm cứ đeo bám cậu, đến mức cậu đong đếm từng giờ, từng ngày, từng tháng, biết bao giờ mới thoát ra khỏi nỗi đau tinh thần đang mang. 

Những đêm đau chẳng ngủ nổi, nỗi sợ vây lấy Lưu. Cậu sợ ngủ dậy nhìn xuống không còn thấy chân nữa, sợ người ta sẽ gọi cậu là một thằng què, sợ nhìn thấy ánh mắt của ba mẹ, sợ mất công việc vì chân cẳng thế này chẳng ai thuê, sợ tương lai của cậu không biết đi về đâu, đường đời cậu coi như chấm hết…

Có lần, đang thiêm thiếp ngủ, Lưu bật dậy. Cậu nhớ lại giấc mơ vừa trải qua. Ở đó, cậu không thể bước xuống giường vì không thấy chân đâu hết, em liền hỏi mẹ, mẹ ơi chân con đâu rồi, mẹ ơi tại sao con không thấy chân của mình nữa? Mẹ cậu không trả lời, chỉ đứng nhìn cậu mà nói trong nước mắt: "Mẹ xin lỗi con trai yêu của mẹ…"

Lưu từng có thời gian đắm chìm vào những tháng ngày cố gắng tự thoát ra khỏi nỗi đau về tinh thần. Nhiều lúc, cậu chỉ muốn nói với mẹ: Mẹ ơi, con mệt mỏi quá rồi, con kiệt sức rồi. Con muốn về nhà tôi mẹ ơi!

“Có thể người ta nói tôi yếu đuối, nhưng lúc này đây tôi thật sự yếu đuối. Chỉ có khóc và cười thôi cũng làm cho cả đời người loay hoay mệt nhoài với nó. Không thêm, không bớt, không có sự khởi đầu và phải chăng không có sự kết thúc…”, Lưu tâm sự. 

Rồi Lưu tự nhủ mình phải bước tiếp. Hiển hiện trên khuôn mặt cậu lúc nào cũng là sự lạc quan. Vui cũng cười, buồn cũng cười, cậu cười trong bình tĩnh, cười trong đớn đau và giờ đây cậu phải học cách cười với số phận của chính mình, cười để vết thương bớt đau, cười để mọi người xung quanh cảm thấy bình yên. 

"Mình tự nhủ bản thân phải nỗ lực cố gắng vươn lên trong cuộc sống đen tối để bố mẹ và gia đình không thấy mình phải buồn vì chuyện mất cái chân ấy. Trong 2 năm qua, mình đã cố gắng làm hết tất cả mọi chuyện để bản thân không là gánh nặng của bố mẹ và gia đình”, Lưu thổ lộ.

Cách đây hơn 1 năm, bạn bè và người thân quyên góp mua tặng Lưu đôi chân giả. Lưu đùa, cái chân đó sắp hết hạn rồi, nhiều khi đi đường bất thình ngã cắm đầu xuống đất là chuyện bình thường. 

Chăm sóc cụ già neo đơn 

"Thanh xuân của người ta thì dành để yêu ai đó, còn mình đơn giản chỉ dành cho những chuyến đi”. Vậy là, mặc cho số phận nghiệt ngã như thế nào, Lưu vẫn đi muôn nơi với tinh thần lạc quan và ham học hỏi. 

Khi đi học nghề tại Vĩnh Phúc, Lưu tình cờ gặp và giúp đỡ cụ ông không có gia đình, người thân. Hình ảnh người đàn ông già, nghèo đói, cằn cỗi, không vợ con, nằm giữa không gian rác thải. Lưu nghĩ, không biết liệu mai này cậu có rơi vào hoàn cảnh xót xa như vậy không.  

"Mình đã khóc khi nhìn thấy ông và chợt nghĩ ngay về bản thân mình: cô đơn, mất một chân, nằm một chỗ với đống phân nước tiểu ấy. Hai đêm rồi mình nằm buồn và khóc, suy nghĩ đến bản thân, cảm giác giống như lúc vừa bị cưa chân được đẩy ra khỏi phòng mổ và nằm khóc một mình. Tối tăm không biết đi đâu, về đâu và làm gì sống như thế nào?", Lưu tâm sự. 

Hiện tại nhà cụ ông không có đường dây điện, nhà vệ sinh bị hư 4 năm nay không sử dụng được. Mọi việc tiểu tiện cụ ông vệ sinh ngay tại chỗ nên căn nhà bốc mùi khó chịu. Không ngại ngần, một mình Lưu dọn sạch sẽ, mong ông có nơi ở chất lượng hơn.

Lưu tắm cho ông, sắm cho ông vài bộ quần áo mới, thêm bộ chăn ga gối đệm chuẩn bị cho mùa đông sắp tới. 

20 ngày nữa, Lưu sẽ kết thúc khóa học nghề phun xăm và điêu khắc chân mày. Cậu sẽ rời xa Vĩnh Phúc và chưa biết khi nào có thể quay lại giúp đỡ ông như lúc này. 

Lưu nghiệm ra: “Khi giúp được một ai đó, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và ý nghĩa của cuộc sống này… Cuộc sống là chuỗi ngày của mỗi con người tự hoàn thiện mình, mỗi ngày là một bài học vô giá ta nhận được từ cuộc sống. Quá trình hoàn thiện mình, chính là gạt bỏ đi từng cái xấu và vun đắp thêm từng cái tốt dù rất nhỏ". 

Tú Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan