Ngày 21/2/2018, Nguyệt Vy ngồi sau xe của bố, thích thú được ra đường.
Nhưng thay vì khoác lên mình bộ đồng phục, tới trường tham gia ngày học đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018 thì Vy lại mặc quần áo bình thường, tới bệnh viện. Trước đó, Vy có một kỳ nghỉ lễ tràn đầy niềm vui.
Kết quả xét nghiệm thể hiện sự bất thường trong máu Vy được Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã khẳng định cô bé 7 tuổi bị bệnh bạch cầu cấp, dòng Lympho thể L2 sau triệu chứngđau chân dữ dội.
Bố của Vy đã không thể cầm lái được. Trong 1 tiếng dừng xe để lấy lại bình tĩnh đó, anh gọi điện cho mẹ, vừa nói vừa khóc.
Khi về nhà, chạm mặt vợ, anh đã không nói năng gì, chỉ cúi gầm mặt bước đi.
Hai vợ chồng chị Nguyệt ra ngoài ban công nói chuyện. Cả hai cùng oà khóc.
Ở phía trong, Vy dõi theo bố mẹ qua cách cánh cửa kính, mắt Vy cũng đang ngấn lệ. Vy không biết mình bị bệnh gì, cô bé khóc là nhìn thấy bố mẹ như vậy.
Chưa bao giờ chị Nguyệt thấy Vy buồn bã đến vậy.
"Suốt cuộc đời này mẹ sẽ không quên ngày 21/2/2018 - ngày tôi nhận tin dữ con bị ung thư máu. Tất cả mọi thứ quay cuồng, chao đảo và sụp đổ. Trong mơ tôi cũng không nghĩ căn bệnh quái ác này lại xảy đến với con”, chị Nguyệt nhớ lại khoảnh khắc đó.
Ngày hôm ấy, Vy nhập Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương điều trị, phải tạm rời xa cuộc sống thường ngày, xa trường lớp, thầy cô, bạn bè, sách vở.
Bắt đầu nhịp sống tại bệnh viện
“Cái con virus vô duyên nào đó đang làm con mệt mỏi, đau chân, đau bụng, làm con chảy máu rồi làm cho tóc con rụng không còn sợi nào”, Vy thỏ thẻ với bố mẹ.
Những ngày đầu nằm viện, Vy sợ bị tiêm, sợ phải lấy máu, sợ bị chọc tủy nên mỗi lần nhìn thấy bóng dáng các y bác sĩ, cô bé lại trùm chăn kín mít để trốn. Nhiều lần Vy vùng vẫy, khóc lóc, đòi về nhà…
Nhưng rồi con cũng phải dần quen với việc xa dần sách vở, bạn bè, trường lớp.
Sau 3 tháng tình hình không khả quan, tác dụng phụ của hoá chất khiến con bị thêm bệnh nấm phổi, thể trạng suy kiệt.
Sau 3 tháng điều trị tại đây, tình trạng của Vy không khá hơn.
Buổi chiều đầu tháng 5, bác sĩ hẹn gặp riêng vợ chồng chị Nguyệt để thông báo tình trạng của Vy thuộc dạng tiên lượng rất xấu, không đáp ứng với hóa trị, truyền hóa chất tối đa đến lần thứ 4 thì cơ thể sẽ không tiếp nhận được nữa.
Điều này có nghĩa Vy không thể ghép tủy, cơ hội chữa khỏi bệnh tại Việt Nam rất mong manh. Cách duy nhất có thể cứu con, là phải đưa con sang nước ngoài điều trị và ghép tủy.
Ngày sau đó, chị Nguyệt lên mạng tìm kiếm thông bằng các từ khoá lên quan tới bệnh ung thư máu. Chị lần lượt vào đọc các chỉ dẫn hiện ra.
Rồi chị biết tới một vị giáo sư Hàn Quốc từng ghép tuỷ thành công cho hai bệnh nhân đến từ Việt Nam. Ngay lập tức, chị kết nối để củng cố chút hy vọng mong manh.
Tròn 4 tháng sau ngày phát hiện bệnh, 21/6, vợ chồng chị và bé Vy đã có mặt tại Hàn Quốc – nơi gia đình chị nuôi tiếp ước mong manh của mình.
Trên chuyến bay kéo dài vài tiếng đồng hồ, chị nói với Vy rằng, sang đây mấy tháng chữa bệnh cho khỏi hẳn rồi về đi học cùng các bạn.
Đến Hàn Quốc, Vy được nhập viện Incheon Medical Center - nơi giáo sư Chul Soo Kim làm viện trưởng.
Khi xét nghiệm cho ra kết quả rụng rời là tỉ lệ tế bào ác tính trong tủy bé sinh sôi tới hơn 50%, giáo sư chuyển Vy sang bệnh viện Đại học Inha, là nơi trước đây ông đã chữa lành bệnh ung thư máu cho 2 bệnh nhân Việt, rồi lại chuyển tiếp Vy sang bệnh viện Samsung Medical Center tìm hướng điều trị mới.
Đây là bệnh viện hàng đầu tại Hàn Quốc về chữa trị ung thư nhưng chi phí cực kỳ đắt đỏ.
Vợ chồng chị Nguyệt choáng váng khi nghe người phiên dịch thông báo tổng số tiền phải có, là khoảng 7,6 tỷ đồng.
Khoản tiền này lớn gấp 3 lần số tiền vợ chồng chị Nguyệt gom góp bán hết tài sản mang theo.
Chị Nguyệt chia sẻ, bác sĩ mới thông báo đã tìm được tủy phù hợp, có thể thực hiện ca phẫu thuật ghép tủy cho con vào tháng 11/2018.
Bác sĩ Kim Chul Soo, người tiếp nhận bệnh nhi Nguyệt Vy sang điều trị tại Hàn Quốc, nhận định trường hợp của bé là bệnh ung thư máu dạng hiếm, phải được ghép tủy.
Bác sĩ Yoo trực tiếp điều trị cho Vy tại bệnh viện Samsung Medical Center cho biết trong ba tháng chữa bệnh tại đây, bé đáp ứng tốt phác đồ điều trị và có được kết quả như ý.
Hiện tại, Vy được tăng cường sức khỏe và chuẩn bị các khâu cuối trước khi bước vào ca ghép tủy với tỷ lệ thành công khoảng 70%.
“Mẹ sợ một ngày nào đó thức dậy mà không có con bên cạnh”
Những ngày ở Hàn Quốc, cuộc sống của chị Nguyệt chỉ xoay quanh Nguyệt Vy: canh giờ cho con ăn, uống thuốc; giúp bé đi vệ sinh; làm việc qua laptop.
Hôm nào Vy đỡ mệt, bé hồn nhiên nhảy chân sáo ở hành lang hay vòng tay lên thành hình trái tim cho mẹ chụp ảnh. Đợt nào truyền hóa chất, bé mệt mỏi, bỏ ăn, ngủ kém, sốt khiến mẹ lo lắng đến phờ phạc
8 tháng kể từ ngày điều trị căn bệnh ung thư quái ác, Vy không hề biết về căn bệnh thực sự mình đang mang. Cô bé vẫn nghĩ chỉ cần điều trị thì sẽ khỏi bệnh.
Vy thèm được đi học tới mức thi thoảng mơ hồ soạn sách vở, đồ dùng học tập, đeo lên vai, chào bố mẹ tới trường.
“Khi nào con khỏi bệnh mẹ cho con nghỉ thêm 3 tháng nữa đợi tóc dài ra thì đi học cho các bạn đỡ trêu…” ''Mẹ ơi mẹ dựa lưng vào lưng con! Mẹ cho con mượn mái tóc của mẹ 1 chút nhé''
“Lớn lên con không lấy chồng. Con chỉ thích ở với bố mẹ để sau này bố mẹ già con chăm sóc bố mẹ…”
Giữa những đợt truyền hoá chất, tiêm chọc của phác đồ điều trị, Vy vẫn nhí nhảnh trò chuyện cùng bố mẹ ước ao của mình khi khỏi bệnh, và cả câu chuyện của “sau này lớn lên, con sẽ…”
Nghe Vy lạc quan vậy, vợ chồng chị Nguyệt gắng gượng cười rồi động viên con, cả nhà mình cố gắng chữa cho khỏi hẳn bệnh. Điều an ủi vợ chồng chị Nguyệt là Vy dần thích ứng với phác đồ điều trị.
Chị Nguyệt tâm sự, đến các bác sĩ cũng phải ngạc nhiên trước sức chống chọi và thể trạng rất tốt của con. Có đợt truyền hóa chất cực mạnh, bác sĩ thông báo trước rằng con sẽ rất mệt và đau.
Con đã cáu gắt, mệt nhọc, nôn mửa, không muốn ăn gì với nhiều mảng da bị cháy sém do hóa chất. Nhưng chỉ 3 ngày sau, con hồi phục và tươi tỉnh trở lại.
Chặng đường gian nan này chưa biết khi nào sẽ kết thúc, chị Nguyệt chẳng dám hứa bao giờ Vy có thể về Việt Nam, đi học cùng các bạn.
Mới đó thôi, hình ảnh cuối cùng của Vy trong bộ đồng phục trường đã đi qua được gần 9 tháng. Ngày cuối cùng đi học của năm cũ đó, Vy tung tăng cầm cái bánh chưng được phát, cười đùa vui vẻ, chào tạm biệt và hẹn gặp lại thầy cô, các bạn…
Mọi sự giúp đỡ xin quý độc giả gửi về:
Chị Nguyễn Thị Nguyệt (Mẹ của Nguyệt Vy)
Số tài khoản: 19022122054017 tại ngân hàng Techcombank chi nhánh Thăng Long, Hà Nội
Hành trình chữa bệnh của bé Nguyệt Vy được chị Nguyệt chia sẻ tại Facebook Bé Nguyệt Vy chống lại bệnh ung thư máu.
Tú Anh - Ảnh:NVCCBạn đang xem bài viết Ước mơ của Vy - cô bé 7 tuổi bị ung thư máu tại chuyên mục Chiến thắng Ung thư của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].