Có rất nhiều việc cha mẹ tưởng là chăm sóc con cái nhưng lại có tác dụng ngược lại. Cùng điểm qua 9 việc như vậy nhé!
Với các vấn đề sức khỏe của con, bác sĩ luôn là người hợp lý để đưa ra lời khuyên. Nhưng, khi đến gặp bác sĩ, các vị phụ huynh hoặc do căng thẳng quá, do vội vã quá hoặc e ngại lại không hỏi để có câu trả lời đầy đủ.
Sau đây là những gì bác sĩ Bill Bush, chuyên gia Nhi khoa tại bệnh viện nhi Helen DeVos (Hoa Kỳ) khuyên bạn nên ngừng ngay lập tức.
1. Ngừng tìm kiếm các lời khuyên về y khoa từ ‘Bác sĩ’ Google
Khi bạn đang bối rối về những triệu chứng của con, nơi đầu tiên bạn tìm đến hỏi ý kiến hóa ra lại thường là ‘Bác sĩ’ Google.
Mặc dù có nhiều website rất đáng tin cậy, bạn có thể có nhiều thông tin hữu ích từ đó, nhưng chẳng bao giờ internet có thể chẩn đoán bệnh cho con bạn.
Thay vào đó, cha mẹ hãy đưa con đến khám bác sĩ.
‘Tôi đã từng bị nhiều bậc cha mẹ đưa cho một số website để xem xét, vì họ tin chắc rằng bọn trẻ đang bị các bệnh X, Y, Z nào đó, theo như website thông tin.
Tôi rất vui vẻ xem, nhưng sau đó đưa ra chẩn đoán theo đánh giá về y khoa của chính mình’ – bác sĩ Bush nói.
2. Stop việc lo lắng quá mức
‘Con tôi quá dị ứng với thức ăn’, ‘Con tôi quá đau họng’, ‘Con tôi quá…’ – Đó là những gì cha mẹ thường than phiền với bác sĩ.
Hãy dừng thêm từ ‘quá’ vào tình trạng của con.
‘Trừ một số trường hợp tai nạn khẩn cấp, cha mẹ hãy gọi điện đến một bác sĩ/phòng khám quen. Dành thời gian nghe tư vấn, trong lúc đó trẻ sẽ trấn tĩnh hơn, còn bác sĩ có thể hướng dẫn bạn đánh giá tình hình’ – bác sĩ Bush đưa ra lời khuyên.
Sự bình tĩnh của cha mẹ luôn là chìa khóa quyết định với việc lựa chọn hướng khám chữa bệnh hợp lý cho con
3. Đừng yêu cầu sử dụng kháng sinh
Việc mong con nhanh khỏe thì cha mẹ nào cũng mong, nhưng bác sĩ Bush cho rằng kháng sinh không luôn luôn là lựa chọn đúng.
‘Khá nhiều trường hợp việc sử dụng kháng sinh là cần thiết, nhất là khi trẻ bị nhiễm trùng, nhưng trong các tình huống khác, bệnh nhi bị bệnh do virus thì lại không cần’ – bác sĩ nói – ‘Ví dụ cảm lạnh và ho thì không cần kháng sinh, trẻ chỉ cần thời gian để lành bệnh’.
Thêm nữa, sử dụng kháng sinh quá thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, khi đó các bệnh đơn giản của trẻ cũng trở nên khó hữa trị.
4. Ngừng việc ‘sợ’ tiêm vaccine và yêu cầu lịch tiêm chủng thay thế
Hài hước là, một số bậc cha mẹ quá hăng hái với sử dụng thuốc, các vị khác lại sợ vaccine.
Mặc dù đồng ý vaccine là cần thiết, nhiều cha mẹ lại nghĩ đến việc dùng nhiều vaccine một lần.
‘Nhiều bằng chứng đáng tin cậy được chỉ ra về việc hệ miễn dịch bảo vệ trẻ khỏi các căn bệnh gây suy nhược hay tử vong. Viện Thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ yêu cầu các vaccine kết hợp cần chứng minh tác dụng tương đương khi chúng được tiêm vào các ngày tách biệt. Như vậy chúng ta sẽ không làm hệ miễn dịch bị quá tải’ – Bác sĩ nhi khoa Bush chia sẻ.
Vấn đề của việc trì hoãn tiêm vaccine cũng rất nguy hiểm.
Một mặt việc này làm trẻ không được bảo vệ trước các căn bệnh lây truyền, mặt khác, cũng khiến các căn bệnh này có cơ hội lây lan rộng, khiến nhiều trẻ em khác đối mặt với dịch bệnh.
5. Ngừng việc cho trẻ thoải mái sử dụng thời gian trước màn hình
TV, smartphone, máy tính là một phần trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, bác sĩ nhi khoa khuyên bạn nên đảm bảo rằng con không quá lạm dụng các thiết bị điện tử.
Con trẻ cần ra ngoài trời để có hoạt động thể chất, giao lưu với trẻ khác. Việc này giúp bé tăng các tương tác, phát triển về thể chất cũng như tinh thần một cách toàn diện.
6. Đừng đổ lỗi trẻ bị cảm lạnh do ra ngoài trời
Có một ‘huyền thoại’ lâu nay là trẻ bị nhiễm lạnh do vui chơi ngoài trời.
Nhưng chắc chắn 10 giây đi bộ từ nhà ra xe ô tô mà không có áo khoác thì chắc chắn chẳng ảnh hưởng gì, thế mà con bạn vẫn cảm lạnh đấy thôi!
Hãy ngừng tranh luận về đề tài này. Trẻ con bị những bệnh lây nhiễm như cảm cúm chỉ đơn giản vì một số loại vi khuẩn – trẻ động chạm vào mọi thứ, sau đó tay nhiễm khuẩn và chạm vào mắt, mũi, miệng. Mầm bệnh từ đó tấn công cơ thể.
Chúng ta thường thấy bệnh cảm cúm lan truyền vào mùa đông vì mùa này trẻ thường tụ tập trong một không gian nhỏ trong suốt thời gian chúng ở trường.
7. Ngừng trì hoãn việc khám sức khỏe tổng thể
Cha mẹ thường rất bận rộn, nên việc khám sức khỏe tổng thể cho trẻ có nguy cơ bị bỏ qua.
Nhưng theo bác sĩ Bush, đó là một sai lầm lớn. Chúng ta sẽ chuyển từ việc ‘phòng bệnh’ đơn giản sang bắt buộc ‘chữa bệnh’ cho những căn bệnh phức tạp của trẻ.
Đó có thể là các bệnh về thính giác, thị giác, bệnh tim, huyết áp hoặc vẹo cột sống.
Việc khám sức khỏe tổng thể cho trẻ theo đúng lịch hẹn (6 tháng một lần) sẽ giúp cha mẹ thường xuyên kết nối với bác sĩ và có thêm nhiều hiểu biết, có thể trao đổi những lo lắng về sức khỏe của con trong tương lai.
8. Ngừng sử dụng tăm bông ngoáy tai cho trẻ
Bạn có thể nghĩ cách này là giữ vệ sinh cho bé, nhưng thực ra bạn đang đẩy chấ bẩn sâu hơn vào trong tai.
Trẻ đôi khi bị đau tai hoặc giảm thính lực, vì những gì bông ngoáy tai không lấy ra được, mà đẩy thêm vào trong tai.
Thay vào đó, hãy chấp nhận để một ít nước lọt vào tai trẻ trong lúc tắm, cơ chế dưỡng ẩm này sẽ giúp ráy tai tự đẩy ra ngoài.
9. Ngừng băn khoăn về nhiệt độ cơ thể bé
Khi bé bị sốt, trừ khi bé còn ở giai đoạn sơ sinh (dưới 6 tháng), còn lại đây không phải là vấn đề đáng ngại.
Con sốt cao trên 38,5 độ cha mẹ có thể cho con uống thuốc hạ sốt. Trừ khi con có tiền sử sốt cao hoặc có các bệnh liên quan nguy hiểm, cha mẹ không cần quá lo ngại.
‘Đó là triệu chứng giống như hắt xì, ho, đau… Sốt chỉ là một phần trong rất nhiều chỉ dấu giúp bác sĩ quyết định phương án chẩn đoán và điều trị. Các bác sĩ nhi khoa rất hiếm khi đánh giá sốt là một dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm’ – Bác sĩ Bush nói.