Hãy dành một chút sự quan tâm dành cho cha mẹ của bạn, bởi họ đã dành cả cuộc đời để chăm sóc và nuôi dưỡng bạn.
Câu chuyện của cha, con và chim sẻ
Vào một buổi chiều yên tĩnh, cậu con trai đang ngồi trên chiếc ghế dài trong vườn đọc báo. Người cha liền đến bên, lặng lẽ ngồi cạnh con.
Đột nhiên, một con chim sẻ sà xuống đậu trên bãi cỏ trước mặt. Người cha lẩm bẩm: “Con gì vậy?”. Cậu con trai nghe thấy liền nhìn lên bãi cỏ trả lời một cách nhẹ nhàng: “Một con chim sẻ cha à”. Nói xong, cậu lại hướng cặp mắt nhìn chăm chăm vào tờ báo.
Người cha gật đầu một cái rồi trầm ngâm nhìn con chim sẻ run rẩy trên cỏ và lại hỏi: “Con gì vậy?”. Con trai miễn cưỡng ngẩng đầu lên nhìn cha rồi cau mày nói: “Bố ơi, con đã nói với bố đó là con chim sẻ rồi mà”. Nói xong, cậu nắm chặt tờ báo một cái rồi lại giở tiếp trang báo khác và đọc.
Một lúc sau, con chim sẻ bay lên rồi lại đậu xuống bãi cỏ cách chỗ cũ không xa. Người cha tỏ ra kinh ngạc, ông khom khom lưng xuống để vươn người ra phía trước nhìn con chim rồi hỏi tiếp: “Con gì vậy”. Cậu con trai không kiên nhẫn được nữa liền gấp tờ báo lại nói với cha: “Một con chim sẻ, cha, đó là một con chim sẻ”. Cậu vừa nói vừa chỉ tay về hướng con chim, miệng rít lên: “Chim…sẻ…” Sau đó, cậu quay lại nhìn chằm chằm vào cha mình với bộ dạng tức giận.
Lúc này, người cha không nhìn con trai. Ông vẫn không ngần ngại nhìn con chim rồi cố hỏi: “Con gì vậy?”.
Lần này, câu hỏi của người cha khiến cậu con trai bực mình, cậu làm động tác tay tỏ vẻ khó chịu rồi hướng về phía cha nói: “Cha thực sự muốn cái gì thế? Con đã nói với cha nhiều lần rằng đó là một con chim sẻ. Cha nghe vẫn chưa hiểu sao?”.
Người cha đứng dậy rời đi mà không nói lời nào. Điều này khiến cậu con trai cảm thấy khó hiểu liền hỏi: “Cha đi đâu thế?”. Người cha giơ tay và ra hiệu rằng cậu con trai không cần phải đi theo ông rồi tự mình bước vào nhà.
Con chim sẻ bay đi, cậu con trai ném tờ báo xuống ghế tỏ ra thất vọng rồi thở dài một mình.
Một lúc sau, người cha trở lại cùng với cuốn sổ nhỏ cầm trên tay. Ông ngồi xuống lật trang nhật ký rồi đưa cho con trai và nói: “Con hãy đọc đi”.
Cậu con trai dựa theo hàng chữ trong nhật ký và đọc: “Hôm nay, tôi ngồi trên ghế băng trong công viên cùng cậu con trai 3 tuổi. Bỗng một con chim sẻ bay tới đậu trước mặt. Con trai đã hỏi tôi 21 lần: “Con gì vậy cha?”. Tôi đã trả lời con 21 lần rằng đó là một con chim sẻ. Mỗi lần con hỏi tôi lại ôm con vào lòng mà không cảm thấy phiền toái gì cả. Tôi nghĩ con trai thật dễ thương…”
Đôi mắt người cha ánh lên nụ cười, dường như ông đang nhìn thấy cảnh tượng trong quá khứ. Sau khi đọc xong, cậu con trai gấp quyển sổ lại, hai hàng nước mắt lăn dài trên má, câu mở rộng vòng tay ôm chặt lấy cha mình.
Hóa ra người cha không phải là ông lão đãng trí, mà là vì khi nhìn thấy con chim, ông nhớ lại cảm giác thân mật của hai cha con trước kia nên đã cố tình hỏi nhiều lần. Đứa trẻ đáng yêu trong cuốn nhật ký giờ đã lớn, không chạy theo cha để hỏi “Đó là gì?”, cậu chỉ chăm chú đọc báo mà không buồn quan tâm đến người xung quanh.
Nhớ lại ngày tháng ấm áp đã qua, cậu con trai cảm thấy có lỗi, cha mới hỏi 4 lần đã không nhịn được mà nổi nóng.
***
Câu chuyện không dài nhưng cũng đủ để bậc làm con phải suy ngẫm: “Nếu có thể đo được tình yêu, thì con dành tình cảm cho cha mẹ so với cha mẹ dành tình cảm cho con chênh lệch bao nhiêu?”.
Hầu hết con cái có thể làm giúp công việc cho cha mẹ, mỗi kỳ lễ tết đều mang quà đến hỏi thăm, nhưng lại rất khó có thể kiên nhẫn lắng nghe cha mẹ nói đi nói lại nhiều lần. Thế nhưng, thái độ nhẹ nhàng những lúc như thế này mới thể hiện được đầy đủ lòng hiếu thảo của con đối với bậc sinh thành.
Cuối cùng, chúng ta cùng xem lời của ca khúc: “Khi bạn già rồi”.
Khi bạn già, mái tóc bạc phơ và tinh thần kém minh mẫn
Khi bạn già, khó đi lại và thường ngồi bên lò sưởi với đôi mắt lim dim
Nhớ lại tuổi thanh xuân với bao kỷ niệm yêu thương
Ngưỡng mộ bạn xinh đẹp có thật có giả
Chỉ có một người vẫn yêu thương bạn mãi không đổi
Yêu cả những nếp nhăn trên gương mặt của bạn.
Khi bạn già, lông mày ủ rũ giống như ngọn đèn sáng leo lắt
Nhờ cơn gió gửi đến bạn lời hát từ trong tim
Khi già rồi, ta thật sự hy vọng lời bài hát này thực sự hát cho bạn.
Khi đọc câu chuyện trên, cư dân mạng đã vô cùng xúc động và viết lại thành một bài thơ bình dị và gần gũi sau:
Trên băng ghế người thanh niên đọc báo
Cạnh cha già dưới bóng mát cây xanh
Chú sẻ con bay đến hót trên cành
Cha liền hỏi: “Đó là con gì thế?”
Con vội đáp “Ấy là con chim sẻ”
Nhìn chú chim, cha lại hỏi người con
Nén bực mình, âm giọng khó chịu hơn
“Tôi đã bảo với cha là chim sẻ!”
Nghe tiếng động, chim bay cao thật lẹ
Hướng theo chim, tay che mắt nhìn xa
Giọng trầm trầm cha lại hỏi lần ba
Cũng như trước “Đó là con gì thế?”
“Con chim sẻ, ba à, con chim sẻ!”
Nhìn cha già, với đôi mắt đứng tròng
Và tuôn ra những bực bội trong lòng
Dằn từng chữ, hét to “CON… CHIM… SẺ”
Cha lại hỏi lần thứ tư “Gì thế?”
Con hét lên nghe lớn tiếng nặng lời“
Ông đang làm gì vậy? Hả Ông ơi !”
“Tôi đã nói bao nhiêu lần rồi nhé”
“Là chim sẻ, đó là con chim sẻ”
“Có biết không? Sao cứ muốn hỏi hoài?”
Cha đứng lên ra dấu chờ chút thôi rồi cất bước.
Con hỏi: “Đi đâu thế?”
Vào nhà lấy đem ra trang nhật ký
Trao vào tay, bảo đọc lớn nghe con!
Nghe lời cha, cất giọng đọc trầm buồn
Từng câu chữ từng cảm thương vời vợi!
“Vài ngày nữa con trai đầy ba tuổi
Hai cha con ngồi ghế đá công viên
Một chú chim đang nhảy nhót cạnh bên
Con lên tiếng hỏi tôi “Con gì thế?”
Nghe con hỏi, tôi trả lời “Chim sẻ”
Hăm mốt lần, con vẫn hỏi một câu
Hăm mốt lần, “là chim sẻ” giống nhau
Tôi ôm nó mỗi lần nghe con hỏi
Cứ như thế, bên trả lời bên hỏi
Cứ lập đi lập lại mãi không ngừng
Niềm yêu thương thay vì phải nổi khùng
Với đứa bé đầy vô tư tuổi nhỏ".
Tình phụ tử vẫn cao như thế đó
Mới biết đời nước mắt vẫn chảy xuôi
Trả cho cha, cao lắm bốn lần thôi
Lòng hậm hực, đã buông lời bất mãn
Công nuôi dưỡng, cha cho con vô hạn
Hăm mốt lần, lòng tràn ngập thương yêu
Cho thì nhiều, khi nhận chẳng bao nhiêu
Cũng vui vẻ! Ôi lòng cha cao quý!
Vòng tay siết, ôm cha mắt ngấn lệ
Đôi môi này xin gửi một nụ hôn
Trong thâm tâm lòng cảm xúc vô vàn
Nay đã hiểu lòng cha như núi Thái
Con xin nguyện nhớ ơn cha mãi mãi!
Theo DKN