Nếu như trước đây, để tiến hành thực hiện thủ thuật làm đẹp cấy phấn, chị em phải vào các cơ sở thẩm mỹ và chi trả với giá vài triệu/lần. Còn bây giờ, chị em có thể ra hàng gội đầu, thậm chí là tự làm tại nhà mà không lường đến hậu quả xảy đến với làn da của mình.
Loạn giá, loạn tên
Chị Trần Ngọc T., (35 tuổi, TP.HCM) bị nám theo kiểu đốm, thông thường thì từng đốm sẽ khó điều trị hơn nám cả hai bên má. Chị T đã điều trị một thời gian ở một cơ sở chuyên khoa da liễu nhưng không giảm.
Chị chán nản và mong muốn được điều trị nhanh chóng hơn nên đã tìm đến một thẩm mỹ viện với lời quảng cáo dịch vụ cấy tế bào sẽ đánh bay vết nám.
Đổ bộ vào Việt Nam từ khoảng cuối năm 2016, cấy phấn cc (gọi tắt là cấy phấn) được rất nhiều trung tâm làm đẹp ưa chuộng. Với những lời quảng cáo như, chỉ sau 2 – 3 liệu trình, da mặt sáng mịn, trắng bóng như Hàn Quốc hay sau vài lần sử dụng, chị em không cần tốn tiền mỹ phẩm.
Thời điểm đầu, để thực hiện dịch vụ này, khách hàng phải chi trả khoảng 2 – 5 triệu đồng/lần tùy thuộc vào trung tâm thẩm mỹ. Từ đó trở lại đây, cấy phấn dần phổ biến hơn, kéo theo là giá thành rẻ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nó lại xảy ra tình trạng loạn giá khi nơi chỉ 200 nghìn/lần, nơi vẫn giữ mức 3 triệu đồng/lần. Tên gọi cũng được thay đổi khéo léo hơn bằng cách đổi sang tên cấy meso căng bóng da hay di điện huyết thanh…
Với mỗi tên gọi, người dùng sẽ được trải nghiệm theo từng phương pháp khác nhau. Nơi dùng máy vi kim thông thường đưa tinh chất vào da, nơi dùng máy công nghệ cao tần số, tần sóng khác nhau để đưa tinh chất, nơi lại dùng máy công nghệ cao kết hợp cấy tế bào gốc....
Bên cạnh đó, một số chủ kinh doanh cung cấp thêm mặt hàng "tế bào gốc, tinh chất" để người tiêu dùng tự sử dụng tại nhà. Chỉ với mức giá khoảng 1,3 – 1,6 triệu đồng, người tiêu dùng đã có chục tuýp tinh chất “tế bào gốc” và một loại kim chuyên dụng để cấy phấn.
Mặt hàng này khá “hot” trên thị trường nhưng hầu hết phát triển rầm rộ ở mạng xã hội với hình thức kinh doanh online. Đi kèm giá cả, nguồn gốc sản phẩm cũng đôi chút nhập nhèm, từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kong cho đến Ba Lan, Mỹ…
Theo các bác sĩ, dựa trên tổ chức da có 3 lớp là thượng bì, trung bì, hạ bì. Khi xăm sâu tinh chất qua khỏi lớp thượng bì để những hạt màu nằm trong lớp trung bì, khi đó những đại thực bào, tế bào của da sẽ “ngậm” những hạt màu đó, giữ màu tại vùng da đó được lâu dài.
Bản chất của cấy tế bào, phun, xăm hay cấy phấn đều giống nhau, nhằm đưa chất màu nhân tạo vào để che lấp các khuyết điểm da. Da có 3 lớp là thượng bì, trung bì, hạ bì. Khi xăm sâu qua khỏi lớp thượng bì để những hạt màu nằm trong lớp trung bì, khi đó những đại thực bào, tế bào của da sẽ “ngậm” những hạt màu đó, giữ màu tại vùng da đó được lâu dài.
Đối với cấy phấn cho da, chiều sâu của đầu kim được điều chỉnh xăm xuống da rất nông. Những hạt màu giống màu của da, màu phấn hoặc có thể lựa chọn bất kỳ màu nào khác như hồng tươi, màu nâu đen,…được đưa xuống lớp sừng, tại vị trí trên lớp màng đáy, trong lớp thượng bì. Những hạt màu nằm trong các lỗ li ti tại da. Vấn đề là tình trạng này chỉ giữ được khoảng 3 tháng, không tránh khỏi những tác dụng phụ không mong muốn như bít lỗ chân lông làm da dễ sinh mụn, hoặc về lâu dài da sẽ bị nám...
Tăng nguy cơ dị ứng cho da
Hiện nay, giới trẻ rầm rộ sử dụng dịch vụ cấy phấn cho da, theo quảng cáo là sử dụng máy chuyên dụng đưa “phấn” – tế bào gốc vào sâu trong da làm da trắng mịn lâu dài.
Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều bệnh nhân vô tình trở thành nạn nhân của cấy phấn. Như trường hợp chị Trần Ngọc T., sau điều trị, màu được cấy vào đốm nám không tiệp với màu da.
Theo bác sĩ, những sản phẩm tế bào gốc phải được bảo quản rất nghiêm ngặt và giá thành rất cao chứ không phải đủ loại giá như trên thị trường mỹ phẩm hiện nay. Công nghệ tạo ra tế bào, nuôi dưỡng và duy trì giúp cho nó sống rất khó khăn, chứ không phải để tế bào trong lọ trong suốt thời gian dài từ khi sản xuất đến lưu thông, chưng trong tủ kính rồi khi cần dùng thì lấy ra,…
Điều kiện bảo quản không đảm bảo như vậy thì không tế bào nào sống nổi. Đối với Peptide phải là những đoạn thật ngắn hoặc rất ngắn và phải được bào chế bởi những công nghệ tiên tiến thì cơ thể mới có thể sử dụng được.
Các chuyên gia cũng lưu ý đối với lứa tuổi dậy thì, 90% đối tượng bị mụn trứng cá thì càng không nên sử dụng dịch vụ cấy phấn. Đa số người Việt Nam thuộc loại da nhờn, da hỗn hợp (chỉ một số ít thuộc loại da thường, da khô). Những tuyến bã nhờn tăng tiết liên tục có nhiệm vụ nuôi dưỡng bề mặt da. Vì vậy, khi đưa hạt màu vào da có thể gây nên bít tắt lỗ chân lông, nguy cơ gây nhiễm trùng, nhiễm siêu vi,…
Khi thực hiện cấy phấn vào da bởi những kỹ thuật viên còn non kinh nghiệm, dùng chế độ kim xăm không phù hợp sẽ gây ra các tác hại lâu dài, phấn sẽ thấm sâu vào dưới da, thấy rõ sự khác biệt giữa màu nhân tạo và màu thật của da.
BS. Trần Thiên Tài, phòng khám Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng BV Đại học Y dược TP HCM cho biết, hiện nay phương pháp cấy phấn cho da đang là trào lưu trong các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, tuy nhiên về góc độ chuyên khoa Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, phương pháp này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì có thể gây ra tình trạng dị ứng cho bản thân người được cấy.
Vì thực tế, phấn cũng được coi như là một dị nguyên (yếu tố gây dị ứng), khi đưa phấn qua da nghĩa là chúng ta đang đưa một vật lạ vào cơ thể, khi vật lạ này vào da sẽ đóng vai trò là một dị nguyên, kích thích hình thành các chuỗi phản ứng của hệ miễn dịch (phản ứng quá mẫn), từ đó gây ra các biểu hiện dị ứng như viêm da dị ứng,…
Tất cả mọi người đều có nguy cơ xảy ra tình trạng dị ứng sau khi sử dụng phương pháp này. Tuy nhiên, những người có cơ địa dị ứng như viêm da dị ứng, dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn…thì cần phải đặc biệt lưu ý vì sẽ có khả năng bị dị ứng cao hơn so với người bình thường.