Đó là hành trình đến với tiếng Anh của cậu bé Nguyễn Thành Đạt, lớp trưởng lớp 2 trường Tiểu học và THCS Đồng Sơn (huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh).
Không giống như nhiều người vẫn biết về Quảng Ninh với bãi biển xanh, địa danh du lịch nổi tiếng, nhà của cậu bé Đạt ở cheo leo trên vùng cao của huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh, đó là xã Đồng Sơn.
Xung quanh nhà Đạt vẫn cơ man là rừng, núi, những con đường đất ngoằn nghèo, bé xíu chỉ đủ để 2 xe đạp tránh nhau. Hàng xóm, bạn bè của Đạt là đều là những con người dân tộc Dao ít nói, mộc mạc và nghèo.
Lớp Đạt cũng thế, 27 bạn nhưng chỉ duy nhất một mình Đạt là người Kinh, còn lại các bạn của Đạt đều là người dân tộc thiểu số. Ở trong lớp, Đạt là lớp trưởng bởi với dáng vẻ “to con” hơn chúng bạn, và cũng bởi, Đạt học giỏi nhất lớp.
Điều bất ngờ với cậu bé này là khi chuẩn bị vào lớp 1, Đạt chủ động nói với bố mẹ mong muốn được đi học tiếng Anh, được nói tiếng Anh sau khi xem các chương trình tiếng Anh trên ti vi. Đây là điều mà bản thân bố mẹ của Đạt cũng không hề nghĩ tới. Hai bố mẹ cũng bối rối trước đề nghị của cậu con trai.
Chị Lê Thị Năm, mẹ Đạt là cô giáo vùng cao xã Đồng Sơn kể, khối Tiểu học chưa có chương trình dạy ngoại ngữ. Trong khi ngôi trường Đạt theo học cũng thuộc diện khó khăn, mới thoát khỏi vùng 135 của huyện Hoành Bồ nên chỉ có các anh chị học từ lớp 6 đến lớp 9 mới được học tiếng Anh. Còn ở huyện chưa có trung tâm tiếng Anh, muốn đi học phải ra TP Hạ Long cách nhà tới hơn 80 cây số.
Nhiều đêm suy nghĩ, trằn trọc trước lời đề nghị và nghĩ tới ánh mắt thích thú của con trai khi nghe và xem tiếng Anh trên vô tuyến, cuối cùng chị Lê Năm quyết định đi tìm trung tâm tiếng Anh tốt để đáp ứng nguyện vọng của con trai. Apax English là một lựa chọn tốt nhất dành cho Đạt và cả nhà hạ quyết tâm vượt hơn 80 cây số để bắt đầu hành trình học tiếng Anh.
“Nhiều người cũng cản, bảo con còn nhỏ mà đi xa thế vất vả cả 2 mẹ con. Học phí lại đắt đỏ mà biết con có tiếp thu được không? Rồi cũng có người nói, Đạt chưa học sõi tiếng Việt sao học tiếng Anh sớm làm gì… Nhiều lắm nhưng cuối cùng thì vì Đạt thích, mình cũng thử xem con có theo được không?” – mẹ Đạt nhớ lại.
Thế là từ đầu năm Đạt học lớp 1, Đạt khi đó còn nhỏ xíu, ngồi đằng sau mẹ vẫn phải thắt đai địu để khỏi ngã, 2 mẹ con bắt đầu cuộc hành trình chinh phục tiếng Anh.
“Mỗi lần đèo con đi, vì đường rất xa, đi 2 tiếng rưỡi mới tới nơi, mình cũng luôn hình dung những rủi ro trên đường nên tự nhắc mình phải cẩn thận.
Trên quãng đường xa ấy, thấy những ngón tay còn rất nhỏ bám chặt vào áo mẹ, ôm eo mẹ thực sự mình rất xúc động, thương con và thêm động lực để đồng hành cùng con trên hành trình khám phá ngôn ngữ mới”.
Đạt lúc đầu chỉ là thích tiếng Anh, nhưng càng về sau đi học thì càng mê loại ngôn ngữ này. Trong tuần, Đạt luôn cố gắng sắp xếp để học những môn học trên lớp và dành thời gian cho học tiếng Anh.
Cứ tối thứ 6, Đạt luôn chuẩn bị sẵn sách vở, bài tập và nhắc mẹ: “Mẹ ơi đi ngủ lúc 9 giờ 30 để sáng mai còn dậy sớm”. Thế rồi sáng hôm sau, cậu bé dậy từ 6 giờ, đánh răng rửa mặt ăn sáng rồi 2 mẹ con chở nhau lên thành phố.
“Mỗi ca học của Đạt chỉ kéo dài hơn 1 tiếng nên mình ngồi đợi Đạt học xong rồi 2 mẹ con lại đèo nhau 80km trở về nhà. Sáng chủ nhật lại lên, chiều chủ nhật lại về. Đạt mê học tiếng Anh đến nỗi dù nắng gắt hay mưa dầm, mùa đông giá rét hay mùa hè cháy da cháy thịt thì Đạt vẫn rất hào hứng đi học”.
Mẹ Đạt kể, khi Đạt học được hơn 2 tháng thì không may bé bị tai nạn giao thông, phải mổ chân và bắt buộc phải nghỉ vài tháng thì em vẫn học qua điện thoại.
Đến khi quay trở lại lớp, do thời gian nghỉ nhiều nên thầy giáo dạy lo Đạt không bắt kịp chương trình học nên muốn cho Đạt học với các em 5 tuổi.
Nhưng Đạt khẳng định sẽ không làm thầy thất vọng, mong thầy cho theo học lớp của học sinh 6, 7 tuổi. Chỉ 3 ngày sau khi đi học trở lại, Đạt đã khiến thầy giáo ngạc nhiên và thừa nhận Đạt hiểu và nắm vững kiến thức.
Những ngày đầu tới lớp tiếng Anh, Đạt làm gì cũng muốn mẹ ở bên cạnh. Đạt còn không dám chủ động hỏi thầy giáo về bài học dù chưa hiểu, không mạnh dạn nói chuyện với thầy cô giáo, bạn bè.
Vậy mà sau 1 năm tham gia học tiếng Anh tại trung tâm, Đạt sôi nổi, mạnh dạn khi tới lớp, chủ động giao tiếp cùng thầy giáo và bạn bè để rèn luyện việc nói sao cho hay, cho dễ hiểu. Khi về nhà, Đạt biết bày tỏ suy nghĩ của mình theo cách phản ứng tự nhiên, bày tỏ ý kiến bản thân.
Chia sẻ với phóng viên Gia Đình Mới về quan điểm nên cho trẻ đi học tiếng Anh vào thời điểm nào là tốt, chị Lê Năm – mẹ Đạt cho rằng: “Từ thực tế mà Đạt trải qua, tôi thấy nếu trẻ càng được tiếp xúc với tiếng Anh sớm thì các con tiếp thu bài rất nhanh, đó thực sự là giai đoạn vàng của mỗi đứa trẻ”.
Bởi nếu như trước kia, môi trường của Đạt chỉ bó hẹp, ít giao tiếp, ít tiếp xúc với người lạ nên Đạt rất rụt rè, nhút nhát thì nay con đã tự tin hơn rất nhiều.
Chặng đường đi học tiếng Anh của Đạt xa xôi, Đạt phải chịu vất vả trên hành trình chinh phục ngôn ngữ mới. Nhưng đến giờ, khi tiếng Anh trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Đạt thì mình nhận thấy quyết định vượt mọi khó khăn cho con đi học tiếng Anh của 2 mẹ con là hoàn toàn đúng đắn.