Đề xuất Chính phủ sớm công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam đang tạo ra nhiều tranh luận.
Là một nhà ngoại giao thông thạo nhiều ngoại ngữ, am hiểu văn hoá thế giới, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal và Bhutan Phạm Sanh Châu đã chia sẻ quan điểm của ông về câu chuyện trên với Gia Đình Mới.
-Phóng viên: Vừa qua, có ý kiến đề xuất nên sớm công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam gây ra nhiều tranh cãi. Ông chia sẻ gì về đề xuất này?
-Nhà ngoại giao Phạm Sanh Châu: Theo cách hiểu của người nước ngoài và theo định nghĩa của từ điển Collins của Anh và Wikipedia thì “ngôn ngữ thứ hai” (a second language) là một ngôn ngữ mà “một đứa trẻ sẽ phải học sau khi học tiếng mẹ đẻ và sử dụng nó một cách thường xuyên và liên tục vì nó là ngôn ngữ chính thức được sử dụng trong giáo dục và trong mọi giao thiệp của chính quyền một quốc gia”.
Ngôn ngữ thứ hai cũng là ngôn ngữ được sử dụng một cách phổ thông nhất, nhiều nhất, dễ dàng nhất và nhiều khi thuận lợi hơn cả tiếng mẹ đẻ. Ấn Độ, Nigeria... là ví dụ điển hình.
-Như ông nói, Ấn Độ, Nigeria là hai quốc gia sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Vậy cách thức của họ là như thế nào? Vì sao là tiếng Anh chứ không phải một ngôn ngữ khác?
- Hiến pháp Ấn Độ công nhận 22 ngôn ngữ lớn và 2 ngôn ngữ chính thức là tiếng Hindi (với khoảng 470 triệu người nói) và tiếng Anh. Trước ngày Ấn Độ giành độc lập, nước Anh đã áp đặt tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của Ấn Độ. Sau khi giành độc lập, Ấn Độ đã kế thừa quyết định này của Anh đưa thêm tiếng Hindi làm tiếng chính thức.
Việc quyết định chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức xuất phát từ nhiều lý do. Một phần là do sự thúc đẩy của giới tinh hoa trong xã hội muốn hội nhập đất nước nhanh hơn với cộng đồng các nước tiên tiến mà chủ yếu là các nước châu Âu.
Một lý do kỹ thuật khác là đối với một số cộng đồng ngôn ngữ, tiếng Anh dễ học hơn các ngôn ngữ chính khác.
Một số nước có ngoại ngữ rất phát triển như ở Châu Âu là vì họ có mức độ giao thoa văn hoá rất là lớn; hôn nhân giữa các nước với nhau, bố là người Anh, mẹ người Pháp chẳng hạn. Ví dụ như người Thuỵ Sỹ nói được nhiều thứ tiếng vì cộng đồng của họ nói tiếng Ý, Đức, Pháp. Với bối cảnh như vậy rõ ràng việc học ngôn ngữ dễ hơn rất nhiều so với Việt Nam.
Tại những nước này họ có thể nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ nhưng khi vào công việc họ lại chuyển sang tiếng Anh.
-Điểm mấu chốt để quyết định tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2, theo ông là gì?
-Việc lựa chọn một ngôn ngữ làm ngôn ngữ chính mặc dù ngôn ngữ này không phải là ngôn ngữ quốc gia vẫn cần được qui định trong Hiến pháp và điều này thuộc thẩm quyền của Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước.
Theo tôi là hợp lý nhất đó là coi tiếng Anh là tiếng nước ngoài đầu tiên phải học (First Foreign Language).
Tôi hiểu và chia sẻ với đề xuất đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2, vì muốn đất nước hội nhập nhanh hơn để phát triển thì một trong các phương tiện đó chính là tiếng Anh.
-Thưa ông, tiếng Anh hiện nay đang thành một công cụ quan trọng để giúp thế giới “phẳng”, nhất là khi phong trào khởi nghiệp đang trở thành một xu hướng. Vậy làm thế nào để tiếng Anh thực sự trở thành tiếng nước ngoài đầu tiên phải học?
-Theo tôi cần có biện pháp đột phá về chính sách để tiếng Anh được giới trẻ quan tâm, học và sử dụng. Nếu chúng ta có một thế hệ công dân giỏi tiếng Anh thì con đường hội nhập sẽ nhanh hơn và việc phát triển đất nước thuận lợi hơn nhiều.
Vấn đề đặt ra là điều đó có khả thi không trong bối cảnh ngôn ngữ tiếng Việt thuộc hệ đơn âm, người Việt không phải vốn có khiếu về ngôn ngữ.
Quan trọng hơn là phải đầu tư dạy và sử dụng tiếng Anh thế nào cho thiết thực và hiệu quả phù hợp với mặt bằng dân trí, trình độ kiến thức và khả năng ngôn ngữ của người Việt.
-Vậy thách thức để Việt Nam có thể biến tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 là gì, thưa ông?
-Ngoại ngữ là sinh ngữ học vào đã khó bảo toàn nó và phát huy sử dụng nó khó hơn nhiều.
Con người không phải là ngân hàng và ngoại ngữ không phải là dòng tiền mình kiếm được khi cho vào ngân hàng nó sẽ sinh sôi nảy nở hoặc chí ít vẫn còn nguyên. Trái lại ngoại ngữ học hàng chục năm công sức cho vào ngân hàng cất đi không dùng thì chỉ ít bữa sau là trắng tay biến mất sạch.
Cũng cần lưu ý rằng có nhiều nước ở châu Phi, Nam Á và kể cả trong ASEAN nói tiếng Anh rất phổ biến, hay nhưng không phải lúc nào cũng thành công trong phát triển và hội nhập trong khi có những nước như Hàn quốc tiếng Anh không phải là ngôn ngữ thứ hai nhưng phát triển rất thần kỳ.
-Hàn Quốc gặp khó khăn tương tự như Việt Nam về học tiếng Anh. Tuy không học tiếng Anh tràn lan nhưng những người Hàn Quốc biết tiếng Anh thì lại nói khá tốt. Ông lý giải sao về thành công trong việc học tiếng Anh của người Hàn Quốc? Có thể ứng dụng được điều gì từ Hàn Quốc vào cho Việt Nam?
-Hàn Quốc học tiếng Anh khó khăn như người Việt Nam. Họ cũng bắt buộc học sinh học tiếng Anh.
Nhưng bạn sẽ nhìn thấy ở các đường phố Hàn Quốc ít bảng quảng cáo Tiếng Anh, đại đa số vẫn sử dụng tiếng Hàn và ra ngoài đường rất khó giao tiếp bằng tiếng Anh.
Cách của Hàn Quốc là họ dạy tiếng Anh rất phổ thông nhưng khi cần phải đầu tư tăng cường thì họ đầu tư rất nhiều, có trọng điểm trong việc học tiếng Anh. Bởi thế, giới tinh hoa của họ nói tiếng Anh rất hay.
Ở Việt Nam cũng vậy, khi cần đầu tư tiếng Anh cho ai thì cần xác định họ đáng được đầu tư chứ tránh đầu tư tràn lan.
-Kinh nghiệm bản thân của ông đối với việc học ngoại ngữ có gì đặc biệt? Ông có thể kể qua về quá trình học ngoại ngữ của mình không?
-Khi tôi sinh ra, Má tôi nói tiếng Việt với tôi nhưng bà vú là người Miến và thỉnh thoảng Má nói vài câu tiếng Miến. Đến khi tôi đi nhà trẻ ba tôi làm Đại sứ tại Bungari.
Rồi tôi nằm viện hàng tháng trời thì ngôn ngữ của tôi là các loại thuốc với các bài hát ru ngủ của Bun. Khi tôi đi học thì thế giới của tôi là Thủ đô Đa mát của Si ri a với nền văn hoá Ả Rập đa màu sắc, món ăn đậm gia vị và giọng nói Ả Rập rung ở cổ.
Trong 10 năm đầu đời tôi đã học và nói 3 ngôn ngữ khác nhau. Khi về Việt Nam tôi gặp khó khăn trong giao tiếp và thời gian dài văn không vượt quá điểm 3/10. Khi vào cấp 3 tôi học tiếng Anh. Lên đại học tôi học chuyên tiếng Pháp.
Ra đi làm học tiếng Nga để thi Học viện Ngoại giao Nga. Học cao học tại Hà lan bằng tiếng Anh. Đi học phiên dịch cao cấp ở Bỉ bằng tiếng Anh-Pháp. Đi nhiệm kỳ 2 lần Đại sứ ở 2 nước nói tiếng Pháp và giờ đang làm Đại sứ ở nước nói tiếng Anh kiểu Ấn độ.
Và suốt trong một thời gian dài gần 10 năm tôi vừa là Trưởng phòng Phiên dịch Bộ Ngoại giao (nay là Trung tâm Phiên Biên dịch, BNG) vừa làm phiên dịch cấp cao cho 10 lãnh tụ của Việt Nam đi gần 100 nước.
Tôi chỉ bắt đầu học tiếng Anh lúc 15 tuổi và thực sự học ở tuổi 27 sau hai lần thất bại trong sự nghiệp của mình khi không dùng ngôn ngữ mà mình học chính thống là tiếng Pháp và tiếng Nga để tạo dựng sự nghiệp.
Điều đó khẳng định một điều quan trọng nhất là học ngoại ngữ phải có động lực hoặc môi trường giao tiếp như hay tiếp xúc với tivi, phim, truyện, bài hát... và nhất là bạn bè quốc tế. Thiếu đi hai yếu tố này thì không nên học ngoại ngữ vì đó sẽ là sự đầu tư lãng phí về vật chất và thời gian.
Với trải nghiệm cá nhân như vậy có lẽ tôi là một trong số ít người thích hợp để chia sẻ suy nghĩ và kinh nghiệm nước ta nên đào tạo tiếng Anh cho thế hệ tương lai như thế nào.
- Ông nhìn nhận ra sao về vai trò của tiếng Anh trong cuộc sống của người Việt Nam hiện tại?
-Đầu tiên phải thống nhất quan điểm rằng tiếng Anh rất quan trọng trong thế giới ngày nay nhất là khi nền kinh tế của chúng ta mở gần 200%. Tuy nhiên tiếng Anh không phải là chìa khoá thần kỳ mang lại mọi giải pháp cho tất cả các vấn đề hội nhập của quốc gia. Nó chỉ là phương tiện. Chiếc xe mới, tốt thì đi nhanh và an toàn hơn!
Vậy có nên bắt tất cả mọi người đều học lái xe không ? Nếu ai cũng biết lái xe thì tốt quá nhưng có thực sự cần thiết không vì có đủ xe để lái không mà có đủ rồi thì lái đi đâu?
Gần như ở nước nào cũng đưa việc dạy ngoại ngữ vào bậc học trung học. Tuy nhiên nó cũng chỉ là màn giới thiệu làm quen. Số kiến thức ngoại ngữ đó sẽ nhanh chóng trôi sạch nếu không ai dùng đến nó thường xuyên.
Đối với môi trường ngôn ngữ và năng lực ngôn ngữ của Việt Nam thì việc quên ngoại ngữ sau khi học nhanh hơn so với một số nước khác.
- Giả sử tiếng Anh được coi là ngôn ngữ thứ 2 hoặc là tiếng nước ngoài đầu tiên cần phải học thì người Việt Nam cần phải làm gì để đón nhận, thích nghi và phát huy giá trị của nó, thưa ông?
-Ý kiến đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 tại Việt Nam rất đáng được ủng hộ nhưng làm thế nào để triển khai?
Vậy thế hệ sắp tới của người Việt Nam phải học tiếng Anh là ai? Trước tiên là những người làm đối ngoại hoặc tất cả những ai hoạt động trên các lĩnh vực thường xuyên và liên tục giao lưu quốc tế.
Cần quy định bắt buộc rằng giới tinh hoa và lãnh đạo tương lai của Việt Nam phải biết tiếng Anh. Hiện nay đã có qui định này nhưng rất hình thức không thực chất.
Tôi rất thích đề án xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược của Việt Nam do Ban Tổ chức TƯ tuyên bố trong đó qui định lộ trình mà đội ngũ cán bộ chiến lược trong tương lại phải có khả năng giao tiếp trong môi trường quốc tế.
Trong bản kiểm điểm của nhiều vị lãnh đạo đã tự thừa nhận khuyết điểm lớn nhất của tôi là “học ngoại ngữ mãi mà không vào”!
-Hiện nhiều mẹ không yên tâm với hệ thống trong trường học mà tin vào các trung tâm tiếng Anh bên ngoài. Làm thế nào để biến nó thành một nguồn lực?
-Trong thời buổi hiện nay, việc gửi con ra hệ thống trung tâm tiếng Anh bên ngoài do không còn sự lựa chọn nào khác. Vì đại đa số các thầy cô giáo trong trường học của Việt Nam không phải được đào tạo ở nước ngoài về.
Thách thức của Việt Nam là hệ thống giáo viên tiếng Anh vừa không đủ về số lượng vừa chưa chuẩn về chất lượng. Nếu giáo viên không chuẩn thì hỏng luôn tiếng Anh của một thế hệ.
-Nhiều người cho con học tiếng Anh từ bé nhưng kết quả là đứa trẻ lớn lên không thể sử dụng tiếng Anh như một công cụ giao tiếp. Liệu có phải nguyên nhân là do thiếu động lực và môi trường giao tiếp như ông nói hay việc dạy và học tiếng Anh tràn lan và không có quy chuẩn như hiện nay làm cho học sinh và phụ huynh mất phương hướng?
-Ở Việt Nam những người nói tiếng Anh cứ nhờ nhờ, không chuẩn. Cho nên những người học tiếng Anh phải có động lực và họ cần có môi trường đào tạo ngay từ đầu.
Người dân phải nhận thức được một điều rằng, nếu như người ta muốn đầu tư tiếng Anh cho con thì cái đích cuối cùng đứa con mình đi sẽ là gì? Việc đầu tư phải là để cho con đi đến đích của con đường đó.
Những người không có kinh nghiệm cứ cho con đi học để cảm thấy mình có trách nhiệm vì đã cho con cơ hội. Nhưng phải tính toán để đảm bảo rằng khi đầu tư cho con tiếng Anh từ sớm sau này suốt đời nó sẽ sử dụng tiếng Anh, nếu không thì mọi đầu tư sẽ lãng phí.
Cảm giác bố mẹ chỉ cố làm tròn trách nhiệm của mình, trong khi lẽ ra đích đến của con mới là quan trọng. Nếu chỉ học theo phong trào thì không nên học.
-Hiện nay người dân đặc biệt quan tâm việc cho con học tiếng Anh. Họ đầu tư không tiếc tiền và công sức để con họ có thể sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ 2. Ông có lời khuyên gì đối với các gia đình?
-Theo tôi, các gia đình có điều kiện kinh tế nên cho con sớm tiếp cận ở môi trường đa ngôn ngữ. Biết được thêm một ngoại ngữ là biết thêm một thế giới mới và nền văn hoá mới.
Rõ ràng những ai có điều kiện đi học ở nước ngoài về khả năng tư duy, nhìn nhận và tiếp cận vấn đề rất khác, có đóng góp thực sự cho sự phát triển của đất nước.
Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng thời điểm học ngoại ngữ tốt nhất là sau khi thành thạo tiếng mẹ đẻ (nếu như còn muốn giữ tiếng mẹ đẻ, còn muốn biến ngôn ngữ hai thành thạo hơn tiếng mẹ đẻ thì là chuyện khác).
Gia đình nào có các video phim trẻ em cho các cháu xem là cách tiếp cận tốt nhất để đảm bảo phát âm chuẩn và dùng từ đúng ngữ cảnh. Nhưng nói chuẩn và nói hay có tính thuyết phục là cả một chặng đường dài phải đầu tư rất nhiều.
Quan trọng hơn là phải tạo ra một môi trường giao tiếp, làm việc để năng lực của mỗi cá nhân phát huy hết sở trường của mình.
- Xin chân thành cảm ơn ông về những chia sẻ hữu ích này!
Hồng Hải (thực hiện)
Theo WikiPedia, Phạm Sanh Châu (SN1961) là một nhà ngoại giao và là một nhà giáo dục người Việt Nam.
Ông hiện đang là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal và Bhutan. Ông là nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về các vấn đề UNESCO, Tổng Thư ký, Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam.
Đại sứ Phạm Sanh Châu từng là ứng cử viên đại diện cho Việt Nam tranh cử chức Tổng giám đốc UNESCO năm 2017.