Thời gian gần đây xuất hiện hàng loạt các vụ trẻ nhỏ bị chó, mèo tấn công với thương tật rất nặng. Đó như một lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh khi nuôi động vật trong nhà, đặc biệt với người có đam mê nuôi thú dữ, thú lạ làm cảnh.
Sáng 11/1, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. HCM) cho biết đang điều trị cho 2 cháu bé bị chó cắn rất nguy kịch.
Cả 2 cháu nhỏ đều nhập viện trong đầu tháng 11. Trong đó, bé L.N.T.L (sinh năm 2016, quê Đắc Lắc) bị chó cắn rách mặt, đứt rời mũi. Và bé N.T.Đ (sinh năm 2013, quê Đồng Nai) bị chó cắt một vết thương chí mạng cùng cổ gây thủng khí quản.
Trước đó không lâu, ngày 8/1, tại Hà Nội, các bác sĩ Khoa tạo hình – thẩm mý (BV Đa khoa Đức Giang – Hà Nội) đã phẫu thuật thẩm mỹ vành tai cho bé trai B.N ( 5 tuổi, ở Hà Nội) sau khi bị chó cắn.
Không chỉ dừng lại ở việc bị thương tật nặng nề, nguy hiểm tới tính mạng, trước đây, ngành y đã chứng kiến không ít cái chết đau lòng của trẻ nhỏ chỉ vì chơi đùa với thú cưng.
Trong đó có bệnh dại, giữa năm 2017, Thanh Hóa xảy ra trường hợp em L.V.X (11 tuổi, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) bị chó cắn làm xước da chảy máu. Tuy nhiên, em đã bị tử vong thương tâm vì chó chưa được tiêm phòng dại.
Thực tế cho thấy, ngoài nuôi thú cưng đơn thuần, nhiều gia đình đang có xu hướng nuôi các dòng chó dữ, động vật lạ để làm cảnh. Điển hình như thời gian gần đây, không ít người săn lùng cá sấu, rắn, nhện, thú bạch tạng… để nuôi làm thú cưng trong nhà.
Ngoài việc không kiểm soát được nguồn gốc động vật, nhiều người chưa có ý thức trong tiêm phòng các loại dịch bệnh cho thú cưng, nhất là tiêm phòng dại cho chó mèo.
Vì vậy, ngoài nguy cơ gây ra tai nạn, động vật là một trong những nguyên nhân có thể gây ra nhiều bệnh truyền nhiễm, nhất là với trẻ nhỏ.
Chia sẻ về vấn đề này, Ths. BS Hoàng Thị Phương Lan (Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) chia sẻ, để phòng tránh nguy cơ này, các bậc phụ huynh không nên cho trẻ tiếp xúc với vật nuôi như chó, mèo…
Trong trường hợp chẳng may bị động vật cắn nên rửa sạch phần tổn thương bị đứt rời, cho vào túi nilon sạch, đặt vào túi nước đá và mang ngay đến bệnh viện để cấp cứu’.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế luôn khuyến cáo người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
Đặc biệt, không thả rông chó, mèo, chó ra đường phải được đeo rọ mõm và không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.