Chúng ta đã nâng niu, bao bọc con quá nhiều, thất bại không chạm được vào cuộc sống của trẻ. Và đó là một vấn đề.
Ở các trường đại học Mỹ, các học giả nhắc tới khái niệm những sinh viên "bị tước đoạt sự thất bại" - những đứa trẻ luôn cố hoàn hảo và không mắc lỗi. Được vây quanh bởi những lời khen ngợi, động viên của cha mẹ, trẻ dễ dàng đạt được những tấm huy chương, các danh hiệu.
Chúng ta đã nâng niu, bao bọc con quá nhiều, thất bại không chạm được vào cuộc sống của trẻ. Và đó là một vấn đề. Những đứa trẻ này sẽ dễ bị đánh gục bởi những chướng ngại nhỏ nhất sau này.
Không vào được trường đại học mình muốn, không được chọn làm trưởng đội bóng, nhóm kịch... đều khiến trẻ, lo âu, khóc lóc, trầm cảm. Những sinh viên thực tập có thành tích cao rất sợ làm sai, và họ chọn chẳng làm gì cả. Những cây viết trẻ tài năng nhưng ngại khó khăn nên họ sản xuất ra các câu chuyện nhạt nhẽo thay vì những tác phẩm táo bạo.
Chúng ta cần có những người trẻ can đảm hơn và sự can đảm đó đến từ việc đã trải qua khó khăn và thất bại.
Vốn là vậy, không có sự trưởng thành nào mà không phải trải qua đôi ba lần đau đớn. Như sự lột xác của loài sâu ngài để thành bướm, như những con nòng nọc phải dứt đuôi để lớn khôn thành ếch, nhái, cóc.
Lũ trẻ của chúng ta cũng vậy, dù cho chúng ta nỗ lực thế nào thì cũng chỉ giúp chúng trưởng thành bớt đau đớn hơn thôi. Chúng ta không thể và càng không nên sợ hãi trước những đau đớn mà con chúng ta buộc phải trải qua. Và nỗi đau từ những thất bại, thua cuộc ấy chính là một phần trong sự “tiến hoá” của các con bạn vậy.
Học cách đối diện và xử lý những cảm xúc tiêu cực từ thất bại, thua cuộc là cách duy nhất để chúng ta cùng con trưởng thành. Để chiến thắng chính bản thân mình, chính những cảm xúc tiêu cực trong lòng con.
Hãy nhớ, khi con bạn vấp ngã, đừng đánh chừa đất, đừng đánh chừa bất cứ ai, hãy cùng con học hiểu về việc vì sao con bị ngã để học cách đứng lên. Mỗi lần ngã ấy chính là một trải nghiệm cho chân cứng đá mềm, cho việc thu thập dữ liệu để trở thành người lớn.
Hoàng Anh Tú