Cafe sáng: Dám nói lời yêu

Cưới nhau được 10 năm, vẫn cô gái đó hỏi cùng 1 câu: 'Anh có yêu em không?', chàng trai kia bảo: 'Cô bị dở hơi à?'. Vì sao lời yêu khó nói?

Hôm rồi em đi ăn với đứa bạn, nó tâm sự: "Tao lo lắm, lão chồng tao tự nhiên dạo này nhắn tin yêu đương sến sẩm. Hay là làm gì có lỗi với tao mày nhỉ?"

Em nói không phải thì nó nhất quyết không tin. Nó bảo, đàn ông vô duyên vô cớ nói yêu vợ chỉ có hai trường hợp: một là SẮP CHẾT, hai là CẶP BỒ. 

Hoang mang quá đỗi, em đem câu hỏi của nó tham khảo một số chị em khác, thì hoa mắt chóng mặt vì 7/10 câu trả lời giống đáp án của người ra đề.

Hóa ra bạn em nó không nghĩ khác người, chỉ là nó và 7 chị em khác có chung một cái lý: Đàn ông Việt từ xưa tới nay ít khi thổ lộ tình cảm với người mình yêu thương. Có khi càng yêu thương, gần gũi thì lời yêu càng thưa thớt, câm lặng. 

Thế mới có câu chuyện hài: Lúc yêu nhau, cô gái hỏi: "Anh có yêu em không?", chàng trai bảo: "Anh yêu em nhiều lắm". Cưới nhau được 10 năm, vẫn cô gái đó hỏi cùng 1 câu: "Anh có yêu em không?", chàng trai kia bảo: "Cô bị dở hơi à?".

Đúng là lời yêu lâu không nói sẽ trở nên sượng sùng, không thể bật ra một cách tự nhiên nữa, nói nôm na là “ngượng mồm”.

"Ngượng mồm" không phải vì nói lời dối gian, không đúng lòng mình, "ngượng mồm" chỉ vì đã quá lâu rồi không còn quen bày tỏ yêu thương bằng câu chữ.

Nhiều người bao biện, sống với nhau, chung giường chung chăn, yêu hay không có thể cảm nhận được qua hành động, cần gì một câu nói trót lưỡi đầu môi.

Nhưng xét cho cùng, đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, còn cái miệng mới là cửa chính. Cánh cửa chính cứ đóng im ỉm, ai dám mở cửa sổ nhảy đại vào? Điều cần nói không nói ra, rồi lại bắt người kia phải tự hiểu, tự cảm nhận, chẳng phải là dùng việc khó để thử thách nhau hay sao?

Tuy vậy, đôi lúc em vẫn thắc mắc: Có vấn đề gì ở mình không “phải đạo”? Nói lời yêu đương với người đàn ông của cuộc đời mình là không đúng sao? Hay lời yêu không được dùng nơi công cộng?

Chẳng phải ở chốn công sở, ngoài xã hội... người ta nói với nhau những câu từ yêu thương dễ dãi mà có đến quá bán là giả dối. Trên mạng xã hội, người ta vẫn nhắn qua lại với những người “xa lạ” đầy thân mật, nồng thắm cơ mà.

Rõ ràng, người ta chẳng tiết kiệm gì lời hay ý đẹp với người ngoài. Nhưng không hiểu sao lại keo kiệt lời yêu với chính người đầu ấp tay gối.

Khoa học hiện đại cho rằng, đàn ông hay phụ nữ đều có một điểm G khác nằm ở sau tai. Điểm G này khiến họ có cảm giác đê mê, khoan khoái khi được đối phương thì thầm những lời âu yếm.

Như đọc thư tình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ thấy luôn mở đầu bằng "Anh nhớ thương của riêng em" và kết thúc bằng "Hôn em rất lâu", "Hôn em thật nhiều"... toàn những lời say đắm ngay cả lúc họ mới cưới hay đã sống bên nhau gần 2 thập kỷ. Chắc hẳn họ phải hạnh phúc lắm chứ ai mà “làm màu” mãi được!?

Em không nghĩ LỜI NÓI là phương tiện duy nhất để thể hiện tình yêu. Có người thích chăm sóc, có người muốn quan tâm, có người thực tế thì đưa nhau cục tiền... Nhưng nếu trong lòng muốn nói lời yêu và mong được đáp lại thì e rằng chỉ có cách mạnh dạn NÓI LỜI YÊU THƯƠNG mỗi ngày.

Thôi thì nói theo cách tuổi teen: Thanh xuân như một ly trà, yêu không dám nói... hết bà thanh xuân! 

MC Đan Lê 


Tin liên quan