Nhiều năm làm Chánh Văn, câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất luôn là: Tại sao bố mẹ không hiểu em? Bố mẹ đã từng làm con cái, bố mẹ phải hiểu chứ?
Khi Trà My hỏi bố: Bố ơi, tình dục là gì? Bố đã gần như ngay lập tức xua tay nhăn mặt như thể My vừa nói ra điều gì đó rất xấu xa.
Khi Gia Bách kể cho bố về việc ở lớp các bạn với Bách chế bài học trong sách giáo khoa thành những câu chữ hài hước. Bố đã nhăn mặt bảo: Cứ chế thế đến lúc vào bài thi là sẽ viết theo đấy!
Luôn luôn!
Phản ứng tự vệ của người cha dường như luôn bít mọi con đường đối thoại với con mình!
Là bởi khi yêu thương một ai đó, chúng ta luôn nhiều lo lắng và bị lo lắng bịt mắt mình!
Tôi đã từng nói: Bố mẹ chưa bao giờ hiểu ta- Bố mẹ yêu ta!
Có bố mẹ hiểu mình là một may mắn! Nhưng bố mẹ không hiểu mình không phải là thảm hoạ, bất hạnh. Bởi hầu hết, ở mọi thế hệ, điều đó vẫn xảy ra, thường xảy ra!
Nhiều năm làm Chánh Văn, câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất luôn là: Tại sao bố mẹ không hiểu em? Bố mẹ đã từng làm con cái, bố mẹ phải hiểu chứ?
Bố mẹ có thể hiểu em nhưng đôi khi yêu thương làm bố mẹ trở nên mù quáng!
Và đôi khi em sẽ chỉ được chọn 1: Yêu hay Hiểu?
Hiểu em cần giữ vóc dáng nhưng yêu em vẫn cứ muốn em ăn thật no! Hiểu em cần tình yêu nhưng yêu em nên sợ em bị lợi dụng, bị lừa dối, bị đau khổ! Hiểu em đang buồn nhưng yêu em nên muốn em đừng có buồn thế nữa!
Yêu thương em nên thường lo lắng trước, đau đớn trước khi em lo lắng, trước khi em đau đớn! Yêu thương em nên đòi hỏi em phải thế này hay thế kia! Yêu thương em nên không thể thờ ơ! Yêu thương em nên đôi lúc làm em đau!
Đặc biệt là nếu bố mẹ không nhiều hiểu biết hoặc trình độ hạn chế thì yêu thương vì thế mà thành kìm cặp, thành kiểm soát!
Em nhớ không tôi đã từng nói: Bố mẹ không cho ta điều ta muốn, họ cho em tất cả những gì họ có!
Mỗi khi em buồn vì bố mẹ không hiểu em thì hãy nghĩ về điều này!
Em có yêu bố mẹ mình không?
Hoàng Anh Tú