Người Việt yêu con bậc nhất nhưng nhiều khi cái yêu ấy là thứ tình yêu quái dị, yêu con kiểu cho con vào cái hộp để ngắm nghía thích thú chứ chẳng phải là yêu nữa.
Những đứa trẻ luôn chậm trưởng thành bởi tình yêu của bố mẹ chúng đã ngăn cản sự trưởng thành của chúng.
Tôi biết có nhiều đứa trẻ được sống trong lồng. Cái lồng ấy có khi là sự lo lắng quá độ của các bậc cha mẹ.
Từ chuyện mua sữa cho con cũng phải chọn loại sữa xịn nhất. Tới chuyện không cho con chơi nghịch bẩn.
Đứa trẻ cứ lớn lên trong 1 cái lồng được các bậc cha mẹ khử trùng tuyệt đối. Nâng niu. Gìn giữ.
Những đứa trẻ được đưa vào lồng, cha mẹ chúng "khử trùng" cho chúng bằng tất cả những gì họ có.
Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái nhiều khi chẳng khác nào một cái lồng bàn khổng lồ. Nó chụp xuống đầu con cái và áp đặt đứa trẻ đó phải sống theo những gì cha mẹ chúng cho là tốt nhất.
Và đã có nhiều vụ trẻ tự tử. Lúc đó, bố mẹ thường than: Không hiểu nổi con mình!
Nếu bậc cha mẹ nào bảo không hiểu nổi con mình thì tất cả là do họ chỉ biết đứng ở vị trí làm cha, làm mẹ mà quên cách làm bạn với con mình.
Làm bạn với con có nghĩa là hãy san bằng vị trí của mình đi, chấp nhận sự đúng sai trên lý luận và đối thoại chứ không phải trên cương vị cha mẹ với con cái.
Làm bạn với con có nghĩa là bình đẳng, dân chủ và minh bạch với con mình.
Làm bạn với con có nghĩa là dùng sự chân thành, tin tưởng chứ không phải bằng sự hy sinh, yêu thương hay bảo ban, dạy dỗ.
Làm bạn với con có nghĩa là đừng sợ hãi, đừng tá hoả lên, đừng giận dữ, đừng bực bội… Hãy thoải mái và chơi đẹp.
Làm bạn với con có nghĩa là đừng sợ bẩn quần áo, đừng sợ mình từng này tuổi rồi mà còn thế này thế kia… Đừng ngại ngần, hãy chịu chơi. (Cùng lắm là chơi chịu, hẹn con lần khác sẽ trả nợ)
Hãy luôn tin rằng, thêm một người cha, người mẹ tốt sẽ có thêm những đứa con văn minh.
Nhà văn Hoàng Anh Tú
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Bố mẹ cần làm gì để làm bạn với con? tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].