Cách phòng viêm tai giữa cho trẻ khi đi bơi trong ngày hè

Mùa hè nắng nóng khiến nhiều cha mẹ có nhu cầu cho con đi bơi, đi chơi ở biển, nhưng không ít người lo ngại trẻ bị mắc bệnh, nhất là bệnh viêm tai giữa do nước ứ đọng lại trong tai.

Xem thêm

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tai mũi họng, ThS.BS Nguyễn Xuân Đạt khẳng định, việc đi bơi không chỉ giúp trẻ giải nhiệt trong ngày hè nắng nóng, mà đây còn là môn thể thao giúp rèn luyện sức khỏe rất tốt.

Nhiều cha mẹ phàn nàn trẻ đi bơi về thường bị viêm tai giữa

Tuy nhiên, không ít cha mẹ than vãn cho con đi bơi xong trẻ hay bị viêm tai giữa. Điều này là không đúng. Vì bơi lội không phải là nguyên nhân gây bệnh viêm tai giữa ở trẻ. Thực tế là do nhiều bể bơi có chất lượng nước không đảm bảo dẫn đến trẻ bị bệnh viêm đường hô hấp như viêm mũi, viêm họng…

Các bệnh này không điều trị đúng, điều trị không triệt để sẽ gây viêm nhiễm các cơ quan khác trong hệ thống hô hấp, trong đó có viêm tai giữa.

Như vậy, “việc bơi lội ở các bể bơi có chất lượng nước không đảm bảo sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp ở trẻ, trong đó có bệnh viêm tai giữa. Chứ không có chuyện trẻ đi bơi về là bị viêm tai giữa do ứ đọng nước trong tai.

Cha mẹ phải hiểu đúng là tai có 3 bộ phận là tai ngoài, tai giữa, tai trong. Tai có cơ chế tự làm sạch, nước sẽ tự chảy ra ngoài. Hơn nữa, ống tai ngoài và khoang tai giữa không thông nhau, chúng được ngăn cách bởi màng nhĩ nên nước vào tai sẽ nằm ở tai ngoài, sau đó sẽ tự chảy ra ngoài sau một thời gian ngắn. Khi nước chảy ra có thể mang theo ráy tai nên có màu hơi vàng và điều này không ảnh hưởng gì đến tai của trẻ” – BS Đạt khẳng định.

Vậy nên, cách tốt nhất để phòng ngừa viêm tai giữa cho trẻ khi đi bơi là cha mẹ cần lựa chọn bể bơi có chất lượng nước đảm bảo an toàn, không chứa nhiều hóa chất độc hại cho hệ hô hấp của trẻ.

Với những trẻ có cơ địa dị ứng với các hóa chất, cha mẹ nên lựa chọn môn thể thao khác phù hợp với cơ địa của trẻ. Vì với cơ địa dị ứng với hóa chất, trẻ sẽ dễ bị viêm mũi, viêm họng và nếu không được điều trị sẽ dẫn đến viêm tai giữa.

Bên cạnh đó, khi trẻ mắc các bệnh đường hô hấp như viêm mũi, viêm họng, cha mẹ cần đưa con đi thăm khám và điều trị triệt để, tránh gây biến chứng và gây viêm nhiễm đến các bộ phận khác của đường hô hấp.

Thói quen lau chùi, lấy ráy tai cho con bằng dụng cụ cứng, không đảm bảo vệ sinh sẽ làm tăng nguy cơ viêm tai ở trẻ

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần lưu ý cách vệ sinh tai cho con sau khi bơi. Nhiều người có thói quen làm sạch, lau chùi, móc ráy tai trong ống tai cho trẻ sau khi bơi bằng các dụng cụ cứng, dụng cụ không đảm bảo vệ sinh. Điều này làm tăng nguy cơ bị viêm nhiễm ống tai, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.

Khi nước chẳng may vào tai do tắm hoặc đi bơi, cha mẹ chỉ cần dạy trẻ nghiêng đầu sang từng bên để nước chảy ra ngoài, có thể làm khô ống tai ngoài bằng cách sử dụng luồng hơi nóng từ máy sấy tóc ở cường độ thấp…

Những người có tiền sử bị viêm tai giữa, viêm xoang, tốt nhất là không đi bơi vì rất dễ tái phát bệnh. Nếu tai từng bị viêm, có một lỗ thủng hoặc đã có mổ tai thì nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi đi bơi.

Khi thấy tai có các biểu hiện như ngứa, khó chịu, chảy nước, dịch vàng, trắng, sờ vào thấy đau, đặc biệt là vùng sụn trước của tai thì nên đi khám. Bởi bệnh viêm tai giữa nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như thủng màng nhĩ, viêm xương chũm mãn tính, hoặc có thể dẫn đến bị điếc.

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan