Trước tình hình khan hiếm vắc xin phòng dại tại một số địa phương trên cả nước, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, trong năm 2018 sẽ nhập khoảng 2.193.000 liều vắc xin phòng dại, đặc biệt trong tháng 5 sẽ bổ sung 273.000 liều vắc xin phòng dại.
Theo ông Đông, hiện tại, có 5 vắc xin phòng dại được cấp giấy đăng ký lưu hành và đã được nhập khẩu hoặc có thể được nhập khẩu vào Việt Nam, bao gồm: Verorab (Pháp), Abhayrab, Indirab, Speeda, Rabipur ( Ấn Độ).
Ngay sau khi có thông tin phản ánh về tình trạng khan hiếm vắc xin phòng dại, Cục Quản lý Dược đã yêu cầu các đơn vị cung ứng vắc xin rà soát, báo cáo sớm.
Theo thống kê, mỗi năm nước ta sử dụng khoảng 1.300.000 liều vắc xin phòng dại. Năm 2017 nhập khẩu 1.467.000 liều vắc xin.
Theo đó năm 2018, các đơn vị dự kiến sẽ nhập khoảng 2.193.000 liều vắc xin phòng dại. Bao gồm: Vắc xin Verorab khoảng 493.000 liều; vắc xin Abhayrab khoảng 1.400.000 liều; vắc xin Indirab khoảng 300.000 liều; vắc xin Speeda 2.200 liều trong năm 2018. Nếu các cơ sở tiêm chủng có nhu cầu thì cơ sở tiếp tục nhập khẩu các lô tiếp theo.
“Chỉ tính riêng Veorab, Abhayrab và Speeda (chưa bao gồm Indirab) là 2.193.000 liều. Con số này cao gấp 149% so với tổng số lượng vắc xin phòng dại đã nhập khẩu trong năm 2017 và cao gấp 169% so với số lượng vắc xin phòng dại sử dụng trung bình mỗi năm”, ông Đông cho hay.
Cũng theo ông Đông, trước tình trạng thiếu vắc xin phòng dại, Cục Quản lý Dược đã có công văn yêu cầu các cơ sở sản xuất, đăng ký, nhập khẩu vắc xin có báo cáo kế hoạch cung ứng. Và sau khi tiếp nhận được thông tin vắc xin phòng dại có khả năng bị thiếu tại các cơ sở, Cục Quản lý Dược đã chủ động liên hệ với các đơn vị có liên quan để tìm hiểu nguyên nhân thiếu vắc xin, số lượng vắc xin có nguy cơ bị thiếu và đề nghị các đơn vị, địa phương chủ động liên hệ với các Công ty nhập khẩu, cung ứng vắc xin để liên hệ đặt hàng.
Đồng thời, Cục Quản lý Dược cũng chủ động liên hệ với các công ty đăng ký, nhập khẩu vắc xin phòng dại để đề nghị nhập khẩu, cung ứng vắc xin Verorab, Ahayrab, Indirab, Speeda, liên hệ và ưu tiên cung ứng vắc xin cho các đơn vị, địa phương thiếu vắc xin phòng dại.
Vì vậy, hiện 2.200 liều Speeda đã có thể xuất xưởng và đưa ra cung ứng cho các cơ sở tiêm chủng.
Để đảm bảo khả năng cung ứng vắc xin phòng dại cho người dân, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho hay: “Ngay trong tháng 5/2018 sẽ có thêm 273.000 liều vắc xin phòng dại, cụ thể: vắc xin Veroab: 100.000 liều, Ahayrab: 138.000 liều, Indirab: 25.000 liều và Speeda: 10.000 liều”.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý Dược cũng cho biết, vắc xin phòng dại được sản xuất bằng công nghệ sinh học với nhiều công đoạn phức tạp. Thời gian cần thiết trung bình cho sản xuất là từ 6 - 12 tháng. Hơn nữa, sau khi sản xuất xong, từng lô sản phẩm/nhập khẩu phải được kiểm định và chỉ được lưu hành khi có kết quả kiểm định đạt yêu cầu.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng vắc xin phòng dại phụ thuộc số lượng dân bị chó mèo cắn, do đó để dự báo nhu cầu vắc xin này là khó so với các loại vắc xin khác. Hợp đồng ký giữa các cơ sở cung ứng vắc xin với các đơn vị tiêm chủng đa phần là hợp đồng nguyên tắc, không có số lượng cụ thể nên khó khăn cho các cơ sở cung ứng trong việc cung cấp vắc xin, nhất là khi nhu cầu tăng.
Tại Việt Nam, người dân cũng như các cơ sở tiêm chủng thường có xu hướng ưu tiên sử dụng, thậm chí chỉ sử dụng vắc xin Verorab do vắc xin này được sản xuất tại Pháp, trong khi trên thị trường có nhiều loại vắc xin khác đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành trên cơ sở có đầy đủ dữ liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả (Ahayrab, Indirab, Speeda...).
Để đảm bảo cung ứng đủ vắc xin phòng dại cho nhu cầu tiêm chủng của nhân dân, Cục Quản lý Dược đề nghị các cơ sở nhập khẩu ưu tiên cung ứng vắc xin phòng dại cho các đơn vị, địa phương thiếu vắc xin theo đúng chỉ đạo của Cục Quản lý Dược; rà soát quy định cung ứng vắc xin trong nội bộ của đơn vị để đảm bảo rút ngắn thời gian đưa vắc xin ra lưu hành trên thị trường. Đề nghị các cơ sở tiêm chủng vắc xin chủ động dự trù, đặt hàng, ký hợp đồng cụ thể, kịp thời theo từng vắc xin đối với từng đơn vị cung ứng để tránh rủi ro khi một vắc xin bị thiếu hụt thì có vắc xin khác thay thế.