“Tiêm chủng là trách nhiệm của cha mẹ, để xảy ra sởi ở con là trách nhiệm của cha mẹ. Đưa con đi chích ngừa sởi đầy đủ là phương pháp duy nhất để phòng ngừa bệnh” – Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay
Trước tình hình đáng ngại về gia tăng sởi trong cộng đồng, ngày 9/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã có buổi giám sát, kiểm tra công tác phòng chống bệnh sởi tại TPHCM.
Báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: Từ năm 2018 đến hết tháng 2/2019, thành phố ghi nhận 4.327ca sởi, trong đó riêng 2 tháng đầu năm 2019 có đến hơn 2.600 ca.
Dù hiện nay số ca sởi đang có xu hướng giảm nhưng vẫn còn rất cao so với những năm trước. Bệnh sởi xuất hiện 24/24 quận, huyện với 89% phường xã có ca bệnh, trong đó các quận, huyện giáp ranh các tỉnh và có khu công nghiệp thì số ca mắc sởi tăng cao.
Qua phân tích tình hình, Sở Y tế TPHCM ghi nhận 97% trường hợp mắc sởi không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ.
Tổng số trẻ cần tiêm ngừa sau khi điều tra trên địa bàn TP.HCM là 295.637 trẻ. Trong đó trẻ được tiêm vaccine là 156, 632 trẻ (chiếm 53%), số trẻ được không tiêm là 139,005 (chiếm 47%).
Ngoài ra, có 96,893 trẻ đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng bệnh trước chiến dịch tiêm chủng.
Điều đó cho thấy độ bao phủ phòng bệnh sởi của đối tượng cần tiêm trên toàn TP chỉ đạt 85.5%, không đạt mục tiêu 95% miễn dịch phòng bệnh trong cộng đồng.
Một trong những khó khăn hiện nay là các địa phương vẫn chưa thể quản lý được tình trạng tiêm chủng của trẻ trong cộng đồng, nhất là những trẻ không đến trường, ở nhà ông bà giữ hoặc gửi người quen… Đây chính là những “lỗ hổng” khiến cho bệnh sởi gia tăng nhanh trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, mặc dù ngành y tế dự phòng đã truyền thông rất nhiều, vận động và phối hợp cùng nhà trường, cùng ngành giáo dục nhưng trong cộng đồng vẫn có một số đối tượng rất khó để họ đưa trẻ đi tiêm, mà việc chế tài lại chưa có nên cũng không có biện pháp nào ngoài truyền thông vận động.
Chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo Sở Y tế TPHCM phối hợp với ngành giáo dục, UBND các quận, huyện tích cực triển khai các biện pháp đẩy mạnh điều tra tình trạng tiêm chủng trong cộng đồng, nhất là nhóm trẻ dưới 5 tuổi để vận động phụ huynh tiêm chủng cho trẻ đầy đủ.
Trong đó, công tác tuyền thông trực tiếp tại những khu vực đông dân nhập cư, nhà trọ công nhân cần được chú trọng để người dân hiểu đúng về tiêm chủng vắc-xin, đồng thời kết hợp với tuyên truyền về phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu các trạm y tế cần nâng số ngày tiêm chủng từ 1 ngày như hiện nay lên thành 2-3 ngày, thậm chí là 4 ngày trong 1 tháng để tạo thuận lợi hơn cho người dân khi đưa trẻ ra tiêm chủng.
Trung tâm y tế Dự phòng TPHCM cần lập các đội tiêm chủng lưu động, tìm mọi cách "vá lỗ hổng” đang tồn tại trong tiêm chủng, sớm ngăn chặn bệnh sởi lây lan ra cộng đồng.
“Tiêm chủng là trách nhiệm của cha mẹ, để xảy ra sởi ở con là trách nhiệm của cha mẹ. Đưa con đi chích ngừa sởi đầy đủ là phương pháp duy nhất để phòng ngừa bệnh” – Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-BYT về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sởi.
Chỉ thị nêu rõ, trong năm 2018 và đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh sởi diễn biến phức tạp, gia tăng tại nhiều quốc gia, trong đó xảy ra ở một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi (Uraina, Đức, Nga, Hoa Kỳ …). Khu vực châu Á dịch xảy ra ở nhiều quốc gia (Trung Quốc, Malaysia ...), đặc biệt tại Philippines trong năm 2019 đã ghi nhận 12.736 trường hợp mắc sởi và 203 trường hợp tử vong.
Tại Việt Nam, bệnh sởi bắt đầu gia tăng từ tháng 10 năm 2018, tính đến nay ghi nhận 18.078 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 2.924 trường hợp mắc sởi dương tính được xác định tại 56 tỉnh, thành phố, hiện số mắc vẫn chưa có xu hướng giảm.
Các trường hợp mắc bệnh tập trung chủ yếu tại vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số sinh sống và tại các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, mật độ dân cư cao, giao lưu đi lại lớn.
Nguyên nhân chủ yếu là do tiêm vắc xin phòng bệnh sởi chưa được thực hiện đầy đủ cùng với chu kỳ bùng phát bệnh sởi thường xảy ra sau 4 đến 5 năm.
Để chủ động ngăn chặn không để dịch bệnh sởi lan rộng, bùng phát mạnh, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu với UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp huy động lực lượng phối hợp với y tế địa phương thống kê đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng (tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chiến dịch) để triển khai tiêm đủ mũi vắc xin phòng sởi cho trẻ đạt tỷ lệ ít nhất 95% theo quy mô xã, phường.
Với các cơ sở y tế, Bộ trưởng đề nghị cần thực hiện tốt việc khám sàng lọc, phân luồng khám bệnh, thu dung, cách ly bệnh nhân, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Phát hiện sớm và điều trị tích cực các trường hợp diễn biến nặng, chú ý các đối tượng có bệnh nền, giảm tối đa các trường hợp tử vong do mắc bệnh sởi.
"Các địa phương đảm bảo kinh phí cho các hoạt động tiêm chủng gồm tiêm chủng thường xuyên, tiêm chủng chiến dịch phòng chống dịch sởi cũng như kinh phí mua vắc xin tiêm phòng sởi cho các đối tượng nguy cơ cao ngoài độ tuổi thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng", chỉ thị nêu rõ.