Bị táo bón, đừng cố 'rặn' hãy áp dụng 5 bước này để ‘đi ngoài’ như thường

Khi bị táo bón, nhiều người có xu hướng rặn tạo áp lực đẩy phân ra khỏi thành ruột tuy nhiên hành động này ẩn chứa rất nhiều biến chứng.

Lâu dần, táo bón và “gắng sức đi ngoài” có thể dẫn tới bệnh lý đường tiêu hoá, trĩ…

Cố "rặn" khi táo bón có thể dẫn tới rất nhiều biến chứng nguy hiểm

Táo bón là căn bệnh dễ gặp và hầu như ai cũng có thể mắc phải. Chứng bệnh này không chỉ gây khó chịu cho người mắc mà lâu dài, nó có thể tiến triển thành một số bệnh lý nguy hiểm. 

Tuy nhiên, không nhiều người biết cách xử lý khi mắc bệnh, vô tình khiến cho bệnh thêm nặng nề, kéo dài hoặc rất dễ tái phát.

Theo TS. BS Nguyễn Trọng Hưng - Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng & tiết chế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nguyên nhân của táo bón thường gặp là do dùng thuốc, bệnh lý đường tiêu hóa, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ít vận động, yếu tố tâm lý…

Bác sĩ Hưng cũng chia sẻ, trên thực tế, khi mắc táo bón, điều đầu tiên mọi người nghĩ tới là cố gắng dùng áp lực đẩy phân ra ngoài. Thế nhưng, rất nhiều người bị rách hậu môn, tổn thương trực tràng khiến cho táo bón chưa khỏi mà lại còn mắc bệnh đi ngoài ra máu. “Nếu trực tràng, hậu môn liên tục bị tổn thương, lâu dần có thể viêm loét, nhiễm trùng, nếu tế bào phát triển dị thường có thể là yếu tố nguy cơ cao dẫn tới bệnh ung thư”, TS Hưng cho biết.

Vì lẽ đó, bác sĩ Hưng cho biết, thay bằng “rặn”, người bệnh cần nằm lòng một số nguyên tắc khoa học hạn chế tình trạng táo bón.

Trong đó phải kể đến, người bệnh cần nắm rõ nguyên tắc đi đại tiện đúng giờ. Theo bác sĩ, mọi người có thể đi đại tiện vào giờ mà mình cảm thấy thích hợp, phù hợp với cuộc sống, lao động thường ngày. Tuy nhiên, theo khuyến cáo, đi đại tiện vào buổi sáng vẫn tốt hơn hết, đặc biệt, nên đi ngoài sau khi ngủ dậy 30 phút. Việc này có tác dụng tập luyện phản xạ đi ngoài, tránh hiện tượng phân bị mất nước, ứ động phân trong lòng đại tràng quá lâu gây táo bón.

“Để hình thành thói quen, mọi người nên ngồi vào bồn cầu đúng giờ quy định, lâu dài, não và ruột sẽ có sự kích thích đẩy phân ra ngoài. Với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể sử dụng thụt hậu môn kích thích bé đi ngoài khoảng 1 - 2 lần, bé sẽ tập thành thói quen đi đại tiện đúng giờ”, TS. Nguyễn Trọng Hưng chia sẻ.

Bên cạnh đó, khi bị táo bón, người bệnh cần uống thật nhiều nước trước khi đi đại tiện. Theo bác sĩ, uống nhiều nước có tác dụng làm mềm phân và giảm ma sát giữa niêm mạc ống tiêu hóa với khối phân khi phân di chuyển theo chiều nhu động và trọng lực.

Ngoài ra, việc tập nhún nhảy, ngồi xuống đứng lên trước khi đi ngoài hay hít sâu và “ép bụng" làm tăng áp lực ổ bụng khi đi ngoài cũng là biện pháp hiệu quả giải quyết thế “bí”. Những hành động này sẽ giúp cơ thể dự trữ được nhiều oxi, nhịn thở lâu khi "rặn" và tăng giữ áp lực ổ bụng khi đi đại tiển làm cho khả năng đẩy phân ra khỏi lòng trực tràng được tăng cao. Tránh hiện tượng mệt mỏi khi đi đại tiện.

Bác sĩ cũng chia sẻ, mọi người có thể sử dụng vòi hoa sen trong nhà vệ sinh, vặn nước ấm áp lực nhỏ để xả nước vào hậu môn. Vì việc nàycó tác dụng làm mềm phân và giảm đau ở hậu môn.

Đặc biệt, như kể trên, bác sĩ khuyến cáo không cố sức "rặn" nếu cảm thấy khối phân rắn chắc không đẩy được ra ngoài. Ở một số tình huống bất đắc dĩ, với trẻ em, người cao tuổi, chúng ta phải hỗ trợ, dùng tay lấy phân từ trong hậu môn ra. Bác sĩ khuyến cáo, để hạn chế tối đa nguy cơ bị táo bón, tái diễn táo bón, mọi người nên uống nhiều nước, ăn nhiều chất xơ tinh bột, không ăn mặn, tích cực thể dục thể thao, hạn chế ngồi, nằm lâu, lười vận động.

H.N/giadinhmoi.vn

Tin liên quan