Bị chó nhà nuôi cắn vào tay, người đàn ông không đi tiêm phòng, dẫn đến xuất hiện các triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, phát dại nói nhảm, chui vào gầm giường.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương mới thông báo kết quả xét nghiệm trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn T. ở xã Kim Xuyên, Kim Thành, Hải Dương, dương tính với virus dại.
Theo điều tra dịch tễ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương, ngày 20/6 gia đình anh T. mua một con chó con ở Sơn La khoảng 3kg mang về nuôi. Ngày 5/9, con chó cắn vào chân anh Hoàng Thái Q., 39 tuổi bạn anh T.
Ngày 6/9 con chó tiếp tục cắn con trai 21 tuổi của anh T. Thấy vậy anh T. liền ra đánh và cũng bị chó cắn vào tay.
Ngày 7/9, con chó chết và được gia đình đã vứt xác con chó ra sông gần nhà. Cả 3 người sau khi bị con chó cắn đều không đi tiêm phòng bệnh dại.
Ngày 17/10, anh T xuất hiện các triệu chứng đau đầu, mệt mỏi đã đi khám tại phòng khám Tuấn Hưng trên địa bàn huyện.
Ngày 21/10, anh T được đưa lên BV Tâm thần Hải Dương khám và đầu giờ chiều được chuyển sang BV Đa khoa tỉnh Hải Dương.
Anh T. có biểu hiện sợ gió, sợ ánh sáng, sợ nước, nói lảm nhảm, chui gầm gường. Biểu hiện của bệnh ngày càng nặng nên đã được chuyển sang khoa hồi sức cấp cứu trong tình trạng hôn mê phải thở máy.
Đến 11 giờ 35 phút ngày 22/10 gia đình anh T đã xin đưa anh về nhà và buổi chiều đã tử vong.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương, Chi cục thú y tỉnh và Trung tâm y tế huyện Kim Thành đã làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh xã Kim Xuyên về công tác phòng chống bệnh dại.
Đề nghị với địa phương rà soát tất cả số lượng chó đang nuôi trên địa bàn của xã Kim Xuyên đặc biệt những con chưa được tiêm phòng dại để có biện pháp xử lý.
Đối với 2 trường hợp bị chó cắn còn lại, cơ quan chức năng đã tư vấn lên BV Nhiệt đới Trung ương khám và theo dõi sức khỏe. Rà soát tất cả những trường hợp tiếp xúc gần đặc biệt những người chăm sóc anh T. để được tư vấn sức khỏe.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính và có nguy cơ tử vong cao. Khi bệnh nhân đã lên cơn thì tỷ lệ tử vong lên tới 100%.
Để phòng tránh bệnh dại người dân cần nâng cao nhận thức phòng bệnh, khi bị chó mèo cắn cần ngay đến cơ sở y tế để được tư vấn và hướng dẫn cách phòng trách.
Khi bị động vật cắn cách duy nhất để phòng ngừa là tiêm ngay vắc-xin phòng dại. Đối với những gia đình nuôi chó cần phải tiêm phòng dại theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khi phát bệnh dại có 2 thể bệnh chính. Thể thứ nhất là Thể viêm não. Với thể này người bệnh khởi đầu có cảm giác dị cảm nơi cắn, mất ngủ, bồn chồn. Sau đó xuất hiện kích thích, sợ nước, sợ gió.
Bệnh tiến triển tăng dần đến mức không thể uống nước, có những cơn co thắt hầu họng khi uống nước, khi thấy gió hoặc thậm chí chỉ nghe thấy tiếng nước chảy, gió thổi.
Bên cạnh đó, bệnh nhân có tăng tiết nước bọt và không nuốt được nên thường xuyên khạc nhổ. Đồng tử giãn nên nhìn mắt bệnh nhân sáng long sòng sọc. Sau đó xuất hiện co thắt hầu họng tự nhiên, cường dương, xuất tinh tự nhiên và thường tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh.
Thể bệnh thứ 2 là thể liệt. Người bệnh sẽ liệt lan dần từ chân đến liệt cơ tròn làm rối loạn tiểu, đại tiện liệt, lan lên liệt tay đến khi lan lên liệt cơ hô hấp thì bệnh nhân sẽ tử vong.
Khi bị chó dại cắn, không phải 100% số người bị cắn phát bệnh dại mà có người bị, có người không. Nguy cơ bệnh nhiễm bệnh dại tùy thuộc lượng virus trong nước bọt chó nhiều hay ít, vết thương sâu hay không làm rách da.
Tuy nhiên không thể dự đoán được người nào có thể bị phát dại hay không, và khi đã phát bệnh dại nhìn chung sẽ tử vong nên tất cả những người bị chó dại cắn đều được khuyến cáo tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.
Ngoài chó, có thể có mèo, dơi (dơi quỷ hút máu), chồn, cáo... cũng có thể truyền bệnh dại.
Các biện pháp thử bằng mẹo, điều trị bằng thuốc nam đến nay chưa có biện pháp nào khẳng định được hiệu quả trong phòng, chữa bệnh dại. Trái lại hàng năm ở nước ta vẫn có hàng chục bệnh nhân chết oan vì tin lời thầy lang thử bảo không phải dại, hoặc cho thuốc chữa và bỏ không đi tiêm vắc-xin.