Mắc bệnh lý tim mạch phức tạp trong khi chỉ có 22 ngày tuổi, bé sơ sinh H.A.V luôn trong tình trạng tím tái, khó thở, độ bão hòa oxy trong máu rất thấp (chỉ đạt 46%), nguy hiểm tính mạng.
22 ngày tuổi, trái tim H.A.V không được hoàn chỉnh như những đứa trẻ thông thường khác. Trái tim với thất phải 2 đường ra kèm theo teo động mạch phổi.
Điều đó khiến em bé luôn trong tình trạng tím tái, khó thở, độ bão hòa oxy trong máu rất thấp (chỉ đạt 46%), nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh nhi khó giữ được tính mạng.
TS.BS Cao Việt Tùng - Trưởng khoa Hồi sức Ngoại tim mạch, Trung tâm tim mạch trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, theo nguyên lý thông thường, động mạch chủ xuất phát từ tâm thất trái (buồng tim bơm máu đỏ tươi cung cấp oxy cho cơ thể), động mạch phổi xuất phát từ tâm thất phải. Bệnh thất phải hai đường ra là một bệnh lý tim bẩm sinh trong đó hai động mạch lớn nói trên đều đi ra từ tâm thất phải.
Bệnh gồm nhiều thể bệnh khác nhau, các bệnh nhân này có thể mắc các khiếm khuyết về tim khác như chuyển gốc động mạch, hẹp eo động mạch chủ, hẹp hay teo động mạch phổi như trường hợp của cháu V. Teo động mạch phổi là tổn thương thực thể xuất hiện bẩm sinh khiến máu từ thất phải không lên được động mạch phổi.
Trẻ bị teo động mạch phổi sống được sau khi sinh nhờ ống động mạch, nếu không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời, ống động mạch sẽ đóng lại khiến trẻ mắc bệnh này tử vong.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức và chỉ định truyền thuốc để mở ống động mạch cho cháu V. Tuy nhiên, qua 2 ngày điều trị bằng thuốc, các bác sĩ nhận thấy tình trạng sức khỏe của bé V. vẫn không cải thiện.
Trước tình hình đó, có 2 phương án được các bác sĩ cân nhắc đưa ra là điều trị bằng phương pháp cổ điển là phẫu thuật làm cầu nối chủ phổi hoặc can thiệp đặt stent vào đống động mạch để mở ống động mạch ra.
Với phương án phẫu thuật cầu nối chủ phổi, các bác sĩ sẽ tiến hành mở ngực đặt một ống nối từ hệ thống động mạch chủ sang hệ thống động mạch phổi với mục đích đưa máu từ hệ thống động mạch chủ chuyển qua hệ thống động mạch phổi rồi lên phổi để được trao đổi oxy.
Nhờ đó, cơ thể sẽ có thêm 1 lượng máu được thêm oxy và sẽ trở nên hồng hơn. Tuy nhiên, qua quá trình khám và siêu âm, các bác sĩ nhận thấy có thể qua can thiệp đặt stent vào ống động mạch để mở ống động mạch ra cải thiện ô xy của cháu V.
Với phương pháp này, bệnh nhi không cần phẫu thuật vì thế giảm thiểu được một số nguy cơ như chảy máu, nhiễm trùng vết mổ qua đó rút ngắn thời gian điều trị bệnh.
Đây là một kỹ thuật khó do ống động mạch của cháu V nhỏ và có đường đi ngoằn ngoèo, dây dẫn hỗ trợ luồn qua ống động mạch cũng rất nhỏ, đòi hỏi bác sĩ làm can thiệp phải thực hiện thao tác chuẩn xác tránh ống động mạch co thắt đóng lại đột ngột khiến trẻ có thể tử vong khi đang làm can thiệp.
Quá trình can thiệp kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ đã cho kết quả thành công. Sau can thiệp, chỉ số bão hòa oxy của cháu ngay lập tức đã tăng lên 85-90%. Chỉ sau hơn 1 ngày, bệnh nhi đã cai được máy thở. Sau gần 1 tuần điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, với tình trạng sức khỏe ổn định, bé V được xuất viện.
Theo bác sĩ Cao Việt Tùng, nhóm bệnh lý teo động mạch phổi là bệnh tim bẩm sinh tím ngay sau đẻ. Tuy nhiên, do kiến thức về bệnh của các gia đình còn hạn chế nên ít trẻ được chẩn đoán và điều trị kịp thời.