Tin vui cho nhiều người là Chính phủ sẽ chính thức bỏ hình thức quản lý dân cư bằng 'sổ hộ khẩu', 'sổ tạm trú' và chứng minh nhân dân. Vậy thời điểm nào các loại giấy tờ trên sẽ chính thức được bãi bỏ?
Bỏ 'Sổ hộ khẩu', 'sổ tạm trú', chứng minh nhân dân
Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP của chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Theo đó, Chính phủ thông qua phương án của Bộ Công an về việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng 'sổ hộ khẩu' và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú; Nghị định số 31/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.
Tương tự, việc quản lý tạm trú cũng sẽ không còn 'sổ tạm trú' mà thay bằng việc cập nhật thông tin cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Về thủ tục đăng ký tạm trú tại Công an cấp xã, Chính phủ đồng ý bãi bỏ hình thức quản lý dân cư tạm trú bằng 'Sổ tạm trú' và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.
Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là 'Sổ tạm trú' và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú; Nghị định số 31/2014/NĐ-CP.
Cùng với đó, Chính phủ đồng ý bãi bỏ các nhóm thủ tục như tách sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp lại sổ hộ khẩu, xóa đăng ký thường trú, cấp đổi sổ tạm trú tại Công an cấp xã, cấp lại sổ tạm trú tại Công an cấp xã…
Chính phủ đồng ý bãi bỏ các nhóm thủ tục hành chính về cấp, quản lý chứng minh nhân dân quy định tại nhiều Nghị định và Thông tư.
Tương tự, với phương án được Chính phủ thông qua, các thủ tục cấp mới, cấp đổi và cấp lại giấy chứng minh nhân dân (9 số) đang được thực hiện tại công an cấp tỉnh, cấp huyện cũng sẽ được bãi bỏ.
Trích phương án bỏ giấy chứng minh nhân dân đã được Chính phủ thông qua
Thay đổi việc xuất trình giấy tờ, sổ hộ khẩu
Đặc biệt, cùng với việc bãi bỏ 'sổ hộ khẩu' và 'giấy chứng minh nhân dân', các thủ tục liên quan đến lĩnh vực xuất nhập cảnh, đăng ký xe, đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện… cũng sẽ bỏ việc yêu cầu người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân.
Thậm chí trong một số tờ khai về lý lịch cá nhân, người dân sẽ không còn phải cung cấp các thông tin như ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký thường trú.
Như vậy, sau khi bãi bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân, người dân sẽ sử dụng số định danh cá nhân khi thực hiện các thủ tục liên quan đến cá nhân.
Theo Nghị định 137/2015/NĐ-CP về hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật căn cước công dân, số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.
Khi nào mới bỏ 'sổ hộ khẩu', 'sổ tạm trú'?
Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ có hiệu lực ngay từ ngày ký ban hành 30-10-2017. Tuy nhiên, thời điểm để bỏ 'sổ hộ khẩu', 'sổ tạm trú' thì phải chờ thêm 3 năm nữa.
Theo Nghị quyết, việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân sẽ ban hành phù hợp với thời điểm vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trong khi đó, thời điểm vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư liên quan tới thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu có liên quan (Đề án 896).
Theo Đề án 896, từ năm 2016, thực hiện việc nhập thông tin cơ bản về công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân.
Đến hết năm 2020, thông tin cơ bản của tất cả công dân sẽ được nhập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mỗi công dân đều có số định danh cá nhân; các cơ quan hành chính nhà nước tại các cấp chính quyền khai thác, sử dụng thông tin trực tuyến tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính cho công dân.
Đến hết năm 2020 sẽ phát triển ứng dụng Thẻ công dân điện tử hoặc phương tiện điện tử khác để giảm giấy tờ công dân trong lĩnh vực quản lý hộ tịch, quản lý cư trú, quản lý trật tự xã hội và các lĩnh vực có liên quan như: Giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu và các giấy tờ khác có liên quan.
Như vậy, tới năm 2020 thì mới bỏ hình thức quản lý 'sổ hộ khẩu', 'sổ tạm trú' và chứng minh nhân dân.
Ngoài ra, từng bước kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phấn đấu đến cuối năm 2020, Chính phủ sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm các loại giấy tờ công dân khác như: Thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, thẻ mã số thuế cá nhân và các giấy tờ khác có liên quan.