Bài văn mẫu viết thư UPU lần thứ 48 năm 2019 độc đáo nhất về chủ đề: “Hãy viết một bức thư về người hùng của em”. Học sinh có thể tham khảo để hoàn thiện bài dự thi UPU của mình.
Đề tài cuộc thi viết thư UPU lần thứ 48 năm nay hướng về người hùng. Theo đánh giá chung, chủ đề cuộc thi viết thư Quốc tế UPU năm 2019 là đề bài mở giúp khơi gợi tư duy, sự sáng tạo và cảm xúc của thí sinh. Bởi trong mỗi con người, mỗi một bạn trẻ đều có sự hiện hữu, tình cảm yêu quý và ngưỡng mộ đối với một người hùng của riêng mình.
Chủ đề năm nay cho phép các em có thể lựa chọn viết về nhiều hình tượng là người hùng, là người nổi tiếng, một người dẫn đầu, ai đó thành công ở lĩnh vực nào đó mà mỗi học sinh được tự do chọn lựa.
Đề bài viết thư UPU lần thứ 48:
“Hãy viết một bức thư về người hùng của em” (Tiếng Anh: Write a letter about your hero).
Gửi người hùng của con!
Khi đặt bút viết lá thư này, con tự hỏi người hùng trong con là ai, và con chỉ có duy nhất một câu trả lời chính là mẹ.
Mẹ, người phụ nữ tần tảo nuôi dưỡng con suốt 14 năm qua. Mẹ là người phụ nữ nhiễm HIV, kể từ ngày con sinh ra đời cũng là ngày mà cả khu phố tất cả mọi người đều tránh xa hai mẹ con mình.
Trong mắt con chỉ có mẹ, bố là một ai đó vô cùng xa lạ. Con chỉ được nghe về bố từ bà ngoại. Bà kể, mẹ yêu bố nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khác biệt nên hai người không thể đến được với nhau một cách danh chính ngôn thuận.
Mẹ và bố vẫn yêu nhau cho tới khi bố biết mình bị nhiễm HIV. Dù giấu giếm nhưng mọi người xung quanh biết bố đã mắc phải căn bệnh thế kỉ ấy. Cái án bệnh HIV lại lan sang mẹ. Bà nói, những tháng ngày mẹ mang thai, cả xã tránh xa mẹ. Mẹ lên tận Bệnh viện tỉnh cách nhà 40 km để sinh ra con.
Con ra đời, cả xóm làng xa lánh, ông bà nội kiên quyết không đón nhận mẹ con mình. Bà ngoại còn nói chẳng ai bế con vì họ sợ lây nhiễm HIV. Đến năm con 3 tuổi, mẹ và bà mừng rơn vì con được thông báo không nhiễm HIV nhưng xóm làng có ai hiểu.
Rồi bố không may gặp tai nạn và qua đời. Bà cũng nói, khi còn sống bố là người có trách nhiệm, khi biết mẹ mang thai bố chuyển đến ở cùng hai mẹ con để tiện chăm sóc. Bố mất đi hai mẹ con mất đi chỗ dựa.
Con biết mẹ đã phải khổ cực thế nào để kiếm tiền nuôi con. Mẹ đã phải lăn lộn khắp nơi đi xin việc để có thể lo cho con một cuộc sống no đủ. Đã có lúc mẹ ngồi ở một góc tối và khóc 1 mình vì không thể tìm được công việc tử tế do mọi người kì thị do nhiễm HIV.
Con nhớ ngày con vào lớp 1, đến trường bạn bè xa lánh, bố mẹ của các bạn trong lớp cũng cấm con mình chơi cùng con. Thậm chí, bạn cùng bàn còn gọi con là con nhà Ết. Tuy ở tuổi đó con chưa hiểu Ết là gì nhưng con ghét cay ghét đắng mẹ ạ. Con không nói cho mẹ biết nhưng con đã đem chuyện đó kể lại cho bà ngoại nghe.
Sau này, mẹ đi làm tại một tổ chức tuyên truyền phòng chống HIV ở Hải Phòng. Từ đó hai mẹ con mình phải xa nhau. Con còn nhớ mỗi lần về thăm mẹ đều mang cho con đồ ăn ngon, quần áo đẹp và luôn động viên con phải cố gắng hơn trong cuộc sống.
Để tiện chăm sóc và có điều kiện học tập tốt hơn, mẹ đã đưa con ra thành phố để ở cùng. Mẹ đi khắp nơi tuyên truyền và chia sẻ với những người đang mắc phải căn bệnh HIV giống như mình. Con nhớ có lần mẹ vừa về tới nhà đã ôm chặt lấy con và khóc khi hôm đó mẹ cùng các cô chú trong hội lúc đi vận động bị đuổi đánh thậm tệ. Nhìn chân tay mẹ bầm tím con rất xót xa, lúc ấy mẹ nói dù có khó khăn thế nào nhưng nghĩ đến con, vì con nên mẹ đã cố gắng vượt qua tất cả.
Khi con lớn hơn, mẹ bắt đầu kể nhiều cho con về bố, cả căn bệnh mà cả hai người đều mắc phải. Mẹ nói với con bệnh không đáng sợ và con đừng ngại khi bị mọi người xa lánh. Hãy tự lập và phải vươn lên để chiến thắng bản thân, chiến thắng cuộc sống khắc nghiệt này.
Con vẫn còn nhớ như in hồi con vì đánh nhau với bạn mà mẹ phải chịu thay đòn roi từ mẹ của bạn kia. Con cũng mãi nhớ những đêm mẹ phải làm thêm tới 2 - 3 giờ sáng để có thu nhập lo cho cuộc sống của cả nhà, khi thì gấp phong bì, lúc thì đính hạt cườm hay thêu tay.
Cuộc sống của mẹ vất vả, mẹ phải làm hết mọi việc như người đàn ông. Khi ấy con bỗng ước mình có thể giúp đỡ mẹ và ước gì bố còn sống. Dù mang căn bệnh thế kỷ nhưng chí ít còn có ông ở bên đỡ đần và cùng mẹ trải qua quãng thời gian khó khăn. Đôi khi con cũng thầm nghĩ nếu mình mang căn bệnh giống mẹ thì cả hai mẹ con sẽ cùng nhau đi trên con đường dài hơn.
Năm ngoái, mẹ bị suy giảm miễn dịch rồi qua đời. Sau 18 năm mắc HIV mẹ đã rời xa con, rời xa bà ngoại để đến một thế giới mà con nghĩ sẽ yên bình và hết thị phi. Bà ngoại khóc nhiều lắm mẹ ạ, bà nói mẹ sống 18 năm với HIV là một điều may mắn, ngày bà biết mẹ mắc căn bệnh này bà tưởng đã mất con. Nhiều khi bà đã mua chai thuốc sâu về bảo mẹ cùng chết nhưng nhờ nghị lực và sự kiên cường mẹ đã xin bà mạnh mẽ lên để chống lại xa lánh, dị nghị của xã hội.
Mẹ con là thế từ khi mang bệnh, đẻ ra con rồi đến khi qua đời bà luôn là người anh hùng. Chưa một lần mẹ bỏ cuộc, bỏ qua dư luận mẹ vẫn nuôi con và chăm sóc bà. Khi mẹ đi xa, cuộc sống của con chỉ còn bà ngoại nhưng hai bà cháu vẫn kể về những câu chuyện mà mẹ đã làm đó là tuyên truyền về phòng chống HIV cho cộng đồng. Hai bà cháu tự hào về mẹ lắm. Người anh hùng trong con là mẹ.
Còn các bạn, những người hùng trong các bạn là ai và con chắc chắc không ít người tự viết về cha, mẹ, ông, bà mình.
Thân mến!
Tham khảo thêm các bài mẫu viết thư UPU lần thứ 49 năm 2019 tại đây.