Dậy thì sớm là một trong những bệnh lý ở trẻ em, có ảnh hưởng tới tâm lý và sự phát triển của cơ thể trẻ. Bác sĩ Bùi Phương Thảo – Phó Chủ nhiệm khoa Nội tiết – Chuyển hoá di truyền, BV Nhi Trung ương mới có những chia sẻ về bệnh lý này.
Bé gái 3, 4 tuổi đã dậy thì sớm
Đưa con gái 4 tuổi tới bệnh viện Nhi Trung ương khám khi thấy tuyến vú của con phát triển và con mọc lông mu, chị H (Nam Định) bất ngờ khi biết con gái mang bệnh lý dậy thì sớm. Bác sĩ cho hay, bé mắc bệnh lý dậy thì sớm trung ương khi có khối bất thường trong não dẫn đến có kinh nguyệt từ nhỏ.
Chị M (Hà Đông, Hà Nội) cũng lo lắng khi con gái 7 tuổi của mình bị dậy thì sớm. Bé C có vóc dáng nhỏ nhắn, cao 1,3m nhưng đã xuất hiện sưng đau vùng ngực, tuyến vú to lên trong mấy tháng gần đây.
Ngày 4/6, chị đưa con đến khám tại khoa Nội tiết – Chuyển hoá di truyền, BV Nhi Trung ương. Bác sĩ chẩn đoán bé bị dậy thì sớm trung ương, dù tử cung chưa to nhưng tuổi xương đã tương đương trẻ 11 tuổi 3 tháng.
Bác sĩ Bùi Phương Thảo – Phó Chủ nhiệm khoa Nội tiết – Chuyển hoá di truyền, BV Nhi Trung ương cho biết: Tỷ lệ trẻ dậy thì sớm đang có xu hướng tăng lên, độ tuổi dậy thì sớm cũng có chiều hướng giảm đi. Có những trường hợp bé vài tháng tuổi cũng đã mắc dậy thì sớm ngoại biên do yếu tố di truyền.
So với 10 năm trước, hiện số trẻ bị dậy thì sớm đến khám ở bệnh viện tang lên gấp 10 lần. Hiện bệnh viện đang quản lý hơn một nghìn trẻ dậy thì sớm và đang có hơn 500 cháu được điều trị ức chế dậy thì bằng tiêm thuốc.
Dấu hiệu nhận biết trẻ dậy thì sớm
Bác sĩ Thảo thông tin, dậy thì sớm có 2 loại: Dậy thì sớm ngoại biên và Dậy thì sớm trung ương.
Dậy thì sớm ngoại biên do có bất thường buồng trứng, u nang buồng trứng, có bệnh lý di truyền gây tiết hooc - môn sinh dục.
Dậy thì sớm trung ương do có sự bất thường trong não, có khối u trong não gây kích thích tuyến sinh dục.
Các bố mẹ lưu ý, dấu hiệu nhận biết trẻ đã mắc bệnh lý dậy thì sớm gồm:
Ở bé gái: Bố mẹ thấy đặc tính sinh dục phụ trước 8 tuổi: Tuyến vú phát triển, có lông mu, kinh nguyệt sớm trước 8 tuổi
Ở bé trai: đặc tính sinh dục phụ trước 9 tuổi: Cơ bắp phát triển, giọng ồm, ria mép, dương vật to, lông mu, tinh hoàn phát triển.
Cơ thể phát triển mạnh mẽ, chiều cao tăng trên 6cm/năm.
Theo TS Thảo, tuổi dậy thì ở cả nam và nữ ngày càng giảm. Cách đây 100 năm, tuổi có kinh nguyệt ở nữ từ 15-16 tuổi, đến giai đoạn năm 1990 giảm xuống còn 11-12 tuổi. Sau 30 năm, tuổi dậy thì của bé gái hiện tại là 8-13 tuổi, với bé trai là 9-14 tuổi.
Trẻ dậy thì sớm là do uống nhiều sữa tươi?
Trước thông tin trẻ uống nhiều sữa tươi gây dậy thì sớm do các loại động vật tiết ra sữa nuôi bằng chất tăng trọng, có chứa chất làm thay đổi hooc-môn, bác sĩ Thảo khẳng định: Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy trẻ uống nhiều sữa tươi dẫn tới dậy thì sớm, chỉ có chế độ ăn sẽ có ảnh hưởng tới trẻ dậy thì sớm.
Cụ thể: Nếu trẻ càng béo thì càng có nguy cơ dậy thì sớm. Chỉ số BMI (cân nặng/chiều cao) càng cao thì khả năng đứa trẻ bị dậy thì sớm cũng sẽ cao hơn. Nếu trẻ ăn nhiều thức ăn có các chất gây thay đổi hooc-mon thì sẽ có thể dẫn tới trẻ dậy thì sớm (Để biết chính xác các chất gây thay đổi hooc-môn trong thức ăn cần phải có những xét nghiệm cụ thể, chính xác).
Bác sĩ Thảo cho biết, về nguyên nhân dẫn tới trẻ dậy thì sớm thì với dậy thì sớm trung ương 90-95% ở nữ là vô căn, 5-10% có bất thường ở não, u não, dị tật não. Ở trẻ trai, khoảng 40-50% có u não, bất thường não, dị tật não.
Do đó, để chẩn đoán dậy thì sớm, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử, theo dõi cấp độ tăng trưởng, đánh giá mức độ dậy thì của trẻ qua tuổi xương chụp cổ tay trái, siêu âm tử cung buồng trứng, khối thượng thận… Một số trường hợp sẽ chụp cộng hưởng từ não để chẩn đoán.
Can thiệp sớm sẽ cải thiện chiều cao của trẻ
Bác sĩ Thảo cho hay, dậy thì sớm không chỉ gây ảnh hưởng tâm lý mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển cơ thể của trẻ. Bình thường, con người có tuổi xương và tuổi thực bằng nhau, nhưng với trẻ dậy thì sớm thì tuổi xương sẽ lớn hơn tuổi thực.
Vì thế, những trẻ này sẽ ngừng phát triển sớm hơn so với các bạn khác. Trung bình các bé dậy thì sớm trung ương có chiều cao khi trưởng thành thấp hơn các bạn khác, như ở nữ là 12cm và ở nam khoảng 20 cm. Nếu được tiêm thuốc, trẻ sẽ được cải thiện chiều cao rõ ràng từ 8-10 cm.
Dậy thì sớm trung ương được điều trị bằng thuốc GnRH đồng vận để ngăn chặn làm tuyến yên không tiết ra nhiều chất gonadotpopin. Thuốc có 40 năm nay, được sử dụng nhiều ở các nước trên thế giới, có nhiều loại: Loại có tác dụng 1 tháng/lần, 3 tháng/lần hoặc 6 tháng/lần. Có loại tiêm bắp và có loại đặt dưới da.
Bệnh viện Nhi cũng đã sử dụng điều trị gần 20 năm, có 2 loại tác dụng 28 ngày/lần và 3 tháng/lần.
“Với trẻ dậy thì sớm trung ương, với bé gái trước 6 tuổi điều trị bằng thuốc có tác dụng tốt, chúng tôi đều khuyên các gia đình nên điều trị. Lứa tuổi này nếu dùng thuốc sẽ cải thiện chiều cao của trẻ khi lớn lên từ 8 – 10cm.
Còn bé gái từ 6-8 tuổi bị dậy thì sớm trung ương, nếu dùng thuốc cũng không cải thiện được nhiều về chiều cao cho trẻ, có trẻ chỉ cải thiện được 2-3cm, có trẻ không tăng được cm nào nên bác sĩ sẽ trao đổi với gia đình giải thích lợi ích tác dụng của thuốc, mất mát về chi phí, tác dụng phụ… và việc quyết định có điều trị hay không phụ thuộc vào đứa trẻ. Với trẻ trai dưới 9 tuổi, nếu không có bệnh lý thì chúng tôi cũng cân nhắc việc điều trị”, BS Thảo nói.
Qua nghiên cứu và điều trị, cho thấy thuốc này làm chậm quá trình dậy thì ở trẻ: Nếu tuyến vú trẻ phát triển, thuốc sẽ làm chậm phát triển tuyến vú, nếu trẻ có kinh nguyệt sớm, dùng thuốc sẽ khiến ngừng có kinh nguyệt mà không ảnh hưởng tới vấn đề sinh sản sau này.
“Trẻ nữ dậy thì sớm không điều trị chỉ cao 1m50, nếu được điều trị liên tục đến 7 tuổi thì chiều cao khi trưởng thành sẽ lên tới 1m58-1,60cm. Nếu tuổi điều trị tăng hơn tuổi mốc 6-8 tuổi thì trẻ chỉ cải thiện 2-3 cm hoặc có trẻ không cải thiện cm nào”, BS Thảo nói.