Bác sĩ nhãn khoa cho biết, vì sao tiêm chất Filler nâng mũi lại bị biến chứng mù mắt?

Phương pháp làm đẹp bằng cách tiêm chất làm đầy - Filler diễn ra khá phổ biến. Nhiều người coi đó như một thủ thuật nhỏ nên vô tư sử dụng… Tuy nhiên, hàng loạt các ca biến chứng hoại tử gần đây khiến các tín đồ làm đẹp cũng e dè.

Chị D. bị biến chứng nguy hiểm, có thể mù loà chỉ vì tiêm Filler nâng mũi

Tiền mất, tật mang

Để có sống mũi cao, cân đối với mặt, chị N.T.C.D. (30 tuổi, ngụ quận 2, TP.HCM) tìm đến một cơ sở làm đẹp trên địa bàn TP.HCM để đặt vấn đề. Tại đây, nhân viên thẩm mỹ tiêm Filler (loại hyaluronic acid) cho người phụ nữ. 

Tuy nhiên chỉ ít phút sau khi tiêm, mi mắt trái chị sụp xuống, da vùng mũi và trán thâm đen và ngày càng lan rộng. Mắt trái chị D. dần yếu và mờ hẳn sau khi về nhà. Sau đó, chị đến Bệnh viện Trưng Vương cầu cứu, tại đây, các bác sĩ Khoa Mắt của Bệnh viện chẩn đoán, mi, mắt, mũi của chị đang có dấu hiệu hoại tử. Riêng đôi mắt bị giảm thị lực nghiêm trong, thâm chí mù loà. 

Cũng như chị D., với mong muốn có một chiếc mũi đẹp, chị N.T.T (30 tuổi, Hà Nội) tìm đến một nhân viên spa để tiêm Filler vào vùng mũi (sử dụng loại Meline volume lidocain). Thế nhưng, đẹp đâu chưa thấy, sau tiêm vài giờ, vùng mũi của chị T. tím đen lại kèm đau tức nhẹ. Ngày hôm sau, vết bầm tím lan ra, lên tận hai cung mày. 

Khi chị tìm đến Bệnh viện Da liễu Trung Ương, các bác sĩ chẩn đoán chị bị tắc mạch do chất làm đầy gây tổn thương xuất huyết ở vùng.

Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều các trường hợp bệnh nhân gặp tai nạn sau quá trình phẫu thuật thẩm mỹ bằng phương pháp tiêm chất làm đầy. Trên thực tế, không chỉ mù mắt, thâm mũi, nhiều trường hợp bệnh nhân bị hoại tử mũi hoàn toàn có khi biến chứng tử vong chỉ vì áp dụng cách làm đẹp này. 

Điều đáng nói, hiện nay các tín đồ làm đẹp tìm đến phương pháp làm đẹp này một cách thiếu hiểu biết. Điều này thể hiện ở chỗ, họ chỉ quan tâm tới giá dịch vụ đắt - rẻ chứ không tìm hiểu nhiều về cơ sở y tế, người thực hiện phẫu thuật cho mình là ai. Như trường hơp chị T., bản thân chị cũng biết người thực hiện tiêm nâng mũi cho chị không phải là một bác sĩ chuyên khoa, thế nhưng, chị vẫn đồng ý cho họ thực hiện.

Chưa kể, nhiều người hồn nhiên tự mua các loại Filler có bán trên thị trường với giá rất rẻ về tự tiêm hoặc thuê người tiêm. 

Vì đâu nên nỗi?

Hình ảnh một nạn nhân hoại tử mũi vì tiêm Filler

Nói riêng về ca nâng mũi gây mù mắt mới đây tại TP.HCM đang được dư luận quan tâm, bác sĩ Nguyễn Tiến Phúc - Phòng khám mắt EyeZone Hải Phòng chia sẻ, những năm gần đây nhu cầu làm đẹp khá cao và cũng đã xảy ra vài sự cố tai biến do tiêm chất làm đầy Filler dùng để làm đầy đặn khuôn mặt hay xóa nhăn. 

Với các tai biến như hỏng mắt, bầm tím mũi…, theo bác sĩ này, những chất filler là những chất tan chậm hoặc không tan trong mỡ và nước tiêm vào để nhằm thay đổi hình dáng của mô, tổ chức. Và đây cũng là lý do gây tai biến nếu tiêm nhầm vào mạch máu sẽ gây tắc mạch dẫn tới rất nhiều biến chứng không chỉ tại chỗ mà có thể đe dọa tính mạng. 

“Riêng với bệnh nhân 30 tuổi bị hỏng mắt, chị này được tiêm hyaluronic acid - một chất có thể tồn tại từ 4 - 6 tháng trong cơ thể.

Trên ca lâm sàng này, với những biểu hiện như trên thì khả năng bệnh nhân đã bị tiêm vào động mạch nuôi dưỡng khu vực tổ chức vùng mắt trái và như vậy sẽ dẫn tới nhãn cầu và mô tổ chức không được nuôi dưỡng gây ra hoại tử. Thậm chí là có thể tắc cả tĩnh mạch mắt trên và mắt dưới dẫn tới tăng áp lực nhãn cầu rất cao”, bác sĩ Nguyễn Tiến Phúc chia sẻ.

Ngoài ra, cũng theo bác sĩ Phúc, khi tiêm chất làm đầy - Filler, có một vấn đề cần phải nhìn nhận trên một mô tổ chức hoại tử rất dễ sinh ra các nối thông giữa động tĩnh mạch và huyết khối. Hyaluronic acid có thể theo đó đi vào xoang tĩnh mạch hang, rồi tới tĩnh mạch màng cứng, sau đó đổ về tĩnh mạch cảnh trên, tiếp theo đổ về tĩnh mạch chủ trên vào tim rồi từ đó sẽ đi vào động mạch phổi. 

Hệ quả là có thể dẫn tới tắc động mạch phổi - một tình huống cấp cứu phức tạp. Một vấn đề nữa đó là hyaluronic acid hoặc huyết khối (nếu có) có thể gây tắc cả xoang tĩnh mạch não gây ra các bệnh cảnh nguy hiểm tại não.

Cùng quan điểm trên, bác sĩ Nguyễn Quang Đức (Khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết: “Tiêm chất làm đầy làm đẹp là một biện pháp can thiệp y tế có xâm lấn nên đòi hỏi phải có quy định nghiêm ngặt về nơi thực hiện, người thực hiện, quy định về sử dụng và bảo quản thuốc của Bộ y tế. Những người làm dịch vụ phải là bác sỹ các chuyên ngành như phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, da liễu…

Cơ sở thực hiện phải là các phòng khám, bệnh viện, cơ sở y tế được cấp pháp mới đảm bảo đủ điều kiện vô trùng, trang thiết bị cấp cứu, chống sốc… Thuốc phải được Cục dược Bộ y tế cho phép lưu hành, được bảo quản đúng quy định và còn hạn sử dụng.

Việc một số Spa, trung tâm thẩm mỹ thực hiện tiêm chất làm đầy sẽ dẫn đến những nguy cơ tai biến, biến chứng cho khách hàng do không đạt được những tiêu chí trên:.

Bác sĩ Quang chia sẻ, việc hàng loạt các tai biến, biến chứng khi tiêm Filler đều do quá trình tiêm không đảm bảo vô trùng từ đó gây nhiễm khuẩn tại vùng tiêm, áp xe, hóa mủ, nặng có thể gây nên nhiễm trùng huyết.

Việc nhân lực không đảm bảo điều kiện đào tạo, tay nghề yếu, khi thực hiện dễ tiêm vào mạch máu gây tắc mạch tại chỗ hoặc tắc các mạch ở xa. Tiêm quá nhiều chèn ép gây thiểu dưỡng hoại tử vùng được tiêm.

“Mỗi một loại Filler có chỉ định tiêm vào một vùng khác nhau, nếu tiêm không đúng chỉ định, tiêm sai khuyến cáo sẽ không đạt kết quả. Filler không rõ nguồn gốc, Filler quá hạn hoặc bảo quản đúng cách, Filler giả có thể gây nên phảu ứng dị ứng, sốc, nhiễm khuẩn…

Vì vậy, để tránh những hậu quả mong muốn, bác sĩ khuyên mọi người tránh tiêm ở những nơi không phải cơ sở y tế, người tiêm không phải bác sỹ, thuốc tiêm không rõ nguồn gốc. Đừng coi rẻ là tiêu chí lựa chọn mà hãy coi an toàn là tiêu chí hàng đầu trong làm đẹp”, bác sĩ Quang nhấn mạnh.

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan