Khi trẻ nóng sốt, nhiều cha mẹ chỉ chườm lạnh, dán miếng hạ sốt cho con mà không cho con uống thuốc hạ sốt, đây là cách làm hoàn toàn sai lầm.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, một cơn sốt nhẹ thường không cần điều trị. Nếu trẻ khó chịu và khó ngủ, cha mẹ hãy áp dụng một số biện pháp tại nhà để giảm sốt.
Thông thường, có 2 cách hạ sốt cho trẻ là sử dụng thuốc và phương pháp làm mát từ bên ngoài cơ thể. Thuốc được khuyến cáo chỉ sử dụng khi trẻ sốt trên 38,5 độ C, bằng đường uống hoặc đặt thuốc ở hậu môn.
Với trẻ sốt nhẹ nhiệt độ từ 37,5 - 38,5 độ C, cha mẹ không cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt ngay. Khi đó, cha mẹ nên tìm cách hạ sốt cho con bằng làm mát từ bên ngoài cơ thể, đặc biệt là chườm, để bé cảm thấy dễ chịu hơn.
Nhưng, thay vì dùng khăn ấm lau người cho trẻ, nhiều cha mẹ lại chườm lạnh để hạ nhiệt cho con, cách làm này là hoàn toàn sai lầm, có thể làm bệnh con thêm trầm trọng, gây hại cho trẻ.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ thêm, ông đã từng tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng khó thở, người tím tái trong cơn co giật do các mẹ chườm lạnh cho con hoặc chỉ dùng miếng hạ dán hạ sốt mà không cho trẻ uống thuốc, trong khi biện pháp này không đem lại tác dụng cho trẻ.
Thậm chí, có trẻ còn bị viêm da vùng trán do dán quá lâu khiến lỗ chân lông bị bít. Có trẻ còn bị dị ứng với các chất trong miếng dán, nếu không phát hiện kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng trẻ.
Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo cha mẹ, tuyệt đối không chườm cho trẻ bằng nước lạnh. Vì khi chườm lạnh sẽ làm các mạch máu co lại, lỗ chân lông cũng co lại làm cho nhiệt không thoát ra ngoài được và trẻ sẽ càng sốt cao hơn. Nếu muốn chườm thì nên chườm nước ấm con để giúp trẻ dễ chịu.
Đặc biệt, khi trẻ bị sốt cần cho trẻ uống nhiều nước để hạn chế tình trạng mất nước. Cha mẹ dự phòng sốt cao, co giật ở trẻ bằng cách theo dõi tình trạng sốt, để trẻ nằm ở phòng thoáng mát, mặc quần áo thoáng mát và cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đơn của bác sĩ.
Trong trường hợp trẻ đã có tiền sử sốt cao co giật thì cần sử dụng các thuốc dự phòng co giật theo chỉ định của bác sĩ đã hướng dẫn. Đưa trẻ đến các cơ sở y tế hoặc bác sĩ chuyên khoa nhi khám để tìm nguyên nhân sốt và điều trị bệnh.
Để xác định trẻ có bị sốt hay không, cha mẹ có thể dùng dụng cụ đo như: nhiệt kế thủy ngân, nhiệt kế điện tử. Đo nhiệt độ cho trẻ tại các vị trí: tai, trán, miệng, nách, hậu môn. Trẻ sốt là khi nhiệt độ cơ thể tăng trên mức bình thường (≥ 37.5 độ C). Sốt cao đến rất cao là từ trên 39 độ C trở lên.
Mức chênh lệch nhiệt độ giữa các vị trí: nhiệt độ đo được ở nách thấp hơn nhiệt độ ở miệng và hậu môn khoảng 0,3 và 0,5 độ C. Vì vậy, khi nhiệt độ ở nách > 37,20C thì coi đó là sốt.