7 sai lầm mà nhiều người mắc phải khi sử dụng điều hòa khiến điện tăng vù vù

Rất nhiều người đang sử dụng điều hòa sai cách dẫn đến điện tăng vù vù mà lại gây hại cho sức khỏe.

Với hơn 8 năm kinh nghiệm sửa chữa điều hòa, anh Chu Ngọc Vũ, một kỹ sư điện lạnh ở Hà Nội cho biết, cứ mùa hè đến là nhiều người lại than phiền tiền điện tăng vùn vụt do sử dụng điều hòa.

Nhưng thực tế, điện tăng cao còn do nhiều người đang mắc phải sai lầm khi sử dụng điều hòa. Dưới đây là 7 sai lầm phổ biến mà rất nhiều người mắc phải khi dùng điều hòa khiến đồng hồ điện quay tít.

1. Không thường xuyên vệ sinh điều hoà định kỳ

Vệ sinh, bảo dưỡng điều hòa là việc rất quan trọng, nhất là sau quá trình sử dụng, một số vị trí của điều hòa như lưới lọc bụi, dàn lạnh, dàn nóng… bị phủ bụi, sợi bông. Những bụi bẩn bị tích trữ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu suất làm lạnh của điều hòa.

Đây là lí do khiến nhiều điều hòa sau một thời gian sử dụng, dù không hỏng hóc nhưng khả năng làm lạnh bị kém đi, do phần bụi bẩn ở lưới lọc bụi cản trở sự lưu thông, trao đổi nhiệt của điều hòa.

Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, chúng ta nên vệ sinh lưới lọc bụi khoảng 1 tháng/lần và vệ sinh tổng thể điều hòa (gồm cả lưới lọc bụi, dàn lạnh, dàn nóng) khoảng 3 tháng/lần.

Đồng thời, việc vệ sinh, bảo dưỡng điều hòa thường xuyên góp phần đảm bảo an toàn điện cho mọi người. Cụ thể, hệ thống dây diện, đường ống dẫn, mối nối… của điều hòa có thể bị oxi hóa do môi trường bên ngoài, điều này tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ điện và gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Để lưới lọc điều hòa bẩn, chọn chế độ làm mát sai... là những sai lầm khiến vừa tốn điện vừa gây hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa

2. Để sai chế độ làm mát

Điều hoà không khí thường có nhiều chế độ khác nhau, trong đó, chế độ làm lạnh thường được quy định là chế độ Cool (hình bông tuyết), chế độ khô Dry (hình giọt nước). Trên thực tế, không ít người sử dụng chưa hiểu rõ 2 chế độ làm lạnh này.

- Chế độ Cool: Là chế độ cho điều hoà hoạt động phù hợp với thời tiết nắng nóng, hanh khô, trời hè oi bức. Chế độ này giảm nhiệt độ phòng, duy trì nhiệt độ đã được cài đặt sẵn và ổn định độ ẩm để người dùng cảm thấy dễ chịu.

- Chế độ Dry: Là chế độ cho điều hoà hoạt động phù hợp với thời tiết nóng ẩm, trời mưa, phòng có độ ẩm cao trên 60%. Ở chế độ này giúp cho căn phòng vừa mát vừa có tính năng làm giảm độ ẩm trong phòng.

Vì vậy, mọi người nên hiểu rõ 2 chế độ này để lựa chọn phù hợp với thời tiết, giúp điều hòa đảm bảo hiệu suất, hạn chế hao tổn điện.

3. Mở cửa phòng khi đang sử dụng điều hoà

Nhiều người thường lo lắng khi bật điều hòa phòng kín cửa sẽ dẫn tới thiếu hụt oxy và lựa chọn mở cửa phòng khi sử dụng điều hòa. Về vấn đề này, mọi người cần lưu ý 2 điểm sau:

Thứ nhất là việc mở cửa khi sử dụng điều hoà sẽ làm thất thoát nhiệt trong phòng khiến cho điều hoà phải luôn hoạt động với công suất tối đa để bù nhiệt, từ đó dẫn đến tiêu hao điện năng nhiều hơn.

Thứ hai là việc thiếu hụt oxy chỉ xảy ra nếu chúng ta ở lâu trong một không gian nhỏ. Để hạn chế xảy ra tình trạng trên, mọi người có thể đặt thêm quạt thông gió trong phòng nhằm lưu thông luồng không khí hoặc có thể lựa chọn các dòng điều hòa có chức năng cung cấp oxy cho căn phòng.

Bật tắt điều hòa liên tục sẽ gây tốn điện. Ảnh minh họa

4. Bật - tắt điều hoà liên lục khi sử dụng

Nhiều người có thói quen sử dụng điều hòa giống như sử dụng quạt điện thông thường, tức là tắt – bật liên tục. Tuy nhiên, việc này ảnh hưởng trực tiếp đến mức tiêu thụ điện trong gia đình, có thể khiến tiền điện tăng hơn.

Bởi mỗi khi bật lại điều hòa, thiết bị sẽ cần hoạt động với công suất lớn nhất để khởi động máy nén và động cơ quạt gió đủ đảm bảo làm lạnh toàn bộ căn phòng đến mức nhiệt độ mà người sử dụng đã cài đặt. Ngoài ra, thói quen này cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ điều hòa.

5. Cài đặt nhiệt độ quá thấp

Khi mới bật điều hoà, mọi người thường hay để nhiệt độ ở mức thấp nhất thay vì điều chỉnh ở mức trung bình rồi tăng hoặc giảm dần. Thói quen này khiến cho điều hoà phải hoạt động công suất tối đa và dẫn đến việc hao hụt điện năng nhiều hơn.

Thay vào đó, chúng ta nên điều chỉnh mức nhiệt độ phù hợp với nhiệt độ môi trường bên ngoài vừa tránh tình trạng sốc nhiệt (nếu từ bên ngoài đi vào), nhiễm lạnh (nếu ngủ ban đêm) và tiêu hao điện năng.

6. Lựa chọn công suất lạnh cho điều hoà không phù hợp với phòng sử dụng

Hiện nay có 2 thói quen sai lầm điển hình khi lựa chọn công suất lạnh của điều hòa, phòng lớn nhưng chọn công suất lạnh điều hòa nhỏ và phòng nhỏ nhưng chọn công suất điều hòa lớn.

Về mặt chuyên môn, trên mỗi máy điều hòa có kí hiệu BTU (viết tắt của tiếng Anh British Thermal Unit - đơn vị thể hiện công suất làm lạnh của điều hòa) với các chỉ số phổ biến như 9.000 BTU, 12.000 BTU, 18.000 BTU…

Những chỉ số này có giá trị tham chiếu để hỗ trợ chúng ta lựa chọn máy điều hòa phù hợp với diện tích không gian. Nếu căn phòng diện tích lớn mà lựa chọn điều hòa có chỉ số BTU thấp thì điều hòa không đủ đáp ứng khả năng làm mát, còn ngược lại, diện tích nhỏ nhưng lại lựa chọn điều hòa có chỉ số BTU cao sẽ gây lãng phí điện khi vận hành, mất chi phí mua sắm giá cao không cần thiết.

Công thức để chúng ta tính công suất lạnh điều hòa phù hợp rất đơn giản. Trong đó: Công suất BTU = Thể tích phòng x 200 (quy ước trong ngành nhiệt lạnh là 1m3 = 200BTU). Ví dụ, một căn phòng ngủ rộng 4m, dài 5m, cao 3m thì người tiêu dùng nên mua điều hòa có công suất là 12.000 BTU (tương đương 4x5x3x200).

Sử dụng điều hòa Inverter sẽ giúp tiết kiệm điện năng. Ảnh minh họa

7. Sử dụng điều hoà 24/24 nhưng không lựa chọn dòng Inverter

Có một lời khuyên dành cho những gia đình phải sử dụng điều hòa thường xuyên, liên tục, đó là hãy lựa chọn dòng điều hòa Inverter.

Theo cơ chết, dòng điều hòa Inverter khi bắt đầu hoạt động, máy nén sẽ khởi động từ từ và dần tăng tốc công suất để đạt nhiệt độ mà người dùng cài đặt. Khi đạt được nhiệt độ mong muốn, máy nén này sẽ hoạt động chậm lại nhưng không ngừng hẳn để duy trì mức nhiệt độ đã cài đặt trong suốt quá trình hoạt động.

Chính cơ chế đó giúp điều hòa Inverter ít hao phí điện năng cho việc khởi động, bù nhiệt khi nhiệt độ trong phòng cao hơn với nhiệt độ cài đặt.

Trong khi đó, với những dòng điều hòa thường, nếu đạt nhiệt độ mong muốn, máy nén sẽ ngắt hẳn, do đó, khi nhiệt độ phòng có sự thay đổi, bộ phận này phải khởi động lại và hao tốn điện năng hơn so với cơ chế hoạt động của dòng điều hòa Inverter.

 

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan