Thực tế, cuộc sống vẫn có thể vui và tự do một khi bạn biết sắp xếp lịch sinh hoạt thông minh và hợp lý. Ngoài ra, còn có vô số lợi ích mà lịch sinh hoạt ổn định mang lại.
Hãy thử một vài ngày ‘tự do’ không có lịch trình nào cả, khởi đầu có thể rất hào hứng nhưng cuối ngày bạn sẽ kiệt sức và đầu óc rối tung với cả đống công việc còn nợ nần.
Chỉ cần tưởng tượng theo kiểu cực đoan: một ngày làm việc của bạn sẽ như thế nào nếu không có lịch trình nào cả, không kỷ luật, không ai cần đến sự hợp tác của bạn, không deadline…
Chắc hẳn sẽ chẳng có việc nào được hoàn thành, tất cả dở dang và bạn sẽ cảm thấy vô cùng phân vân, băn khoăn và buồn nản vào cuối ngày.
Nếu bạn chưa có sẵn cho mình một lịch sinh hoạt ổn định, ít nhất là trong các ngày làm việc, thì hãy tham khảo 7 lợi ích sau đây để quyết tâm hơn nhé:
1. Dễ dàng kiểm tra ‘Danh sách việc cần làm’
Bạn đã bao giờ tỉnh dậy với rất nhiều việc phải làm và thực sự cảm thấy không thể nào hoàn thành hết được.
Giải pháp dành cho bạn: lịch sinh hoạt cố định.
Khi đã có một lịch trình hàng ngày, đặc biệt là khi điều này trở thành thói quen, bạn sẽ dễ dàng để kiểm tra tiến độ các việc cần làm hơn. Bạn có thể ‘chia’ thời gian biểu từ giờ này đến giờ này dành cho tập thể dục buổi sáng, làm việc vặt, di chuyển đến công ty, làm việc ở công ty…
Sau khi có một thời gian biểu CỤ THỂ cho tới từng việc nhỏ, hiếm khi xảy ra chuyện bạn trì hoãn việc này việc kia đến khi đã quá muộn để thực hiện.
Chắc chắn, đôi khi sẽ có việc đột xuất xảy ra, bạn không đủ thời gian dành cho một số việc cụ thể. Bạn vẫn cần điều chỉnh linh hoạt nhưng có một lịch trình sẽ khiến bạn hoạt động hiệu quả hơn đáng kể.
2. Lịch trình rất tốt cho sức khỏe tâm thần
Bạn có cảm thấy mình ở đỉnh điểm tâm trạng lo lắng và căng thẳng trong những ngày có việc đột xuất xảy ra không? Mọi việc sẽ ra sao khi bạn cứ ‘chạy quanh’ và chẳng làm được việc nào ra hồn.
Một lịch trình hàng ngày sẽ giúp thổi bay những rắc rối này bằng cách xóa bỏ những ‘vị khách không mời’ trong công việc, và cùng theo đó là stress.
Ngay cả trong những ngày bận rộn nhất, bạn vẫn biết thời điểm nào bạn nên có mặt ở đâu, làm việc gì. Chắc chắn tâm trí bạn sẽ bình ổn, tĩnh tại hơn và không bị kiệt sức vào cuối ngày.
Thực tế, một lịch trình ổn định còn được dùng làm phương pháp điều trị cho những bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực (loại bệnh lý tâm thần mà người bệnh nhanh chóng bị biến đổi từ cảm giác vui vẻ, hưng phấn sang buồn bã, trầm cảm).
Theo một nghiên cứu tạo Đại học Y khoa Pittsburgh (Hoa Kỳ), các bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực cảm thấy tốt hơn nhiều khi các nhà trị liệu giúp họ chú tâm đến việc thiết lập một lịch trình ổn định, cho những việc như ăn, ngủ.
Để tránh khỏi bệnh lý tâm thần này, việc gắn bó với một lịch trình ổn định cũng là giải pháp hữu ích.
3. Bạn có nhiều thời gian hơn để thư giãn
Đối lập với ý tưởng rằng theo một lịch trình cố định sẽ gây ra cảm giác gò bó, thực ra, lịch trình giúp bạn có thêm nhiều thời gian thư giãn thực sự.
Lịch trình giúp bạn làm việc năng suất hơn như đã đề cập ở trên, đồng nghĩa với việc sau khi đã hoàn thành việc, bạn sẽ có thời gian để nghỉ ngơi.
Bí quyết để có một lịch trình khả thi đó là thiết lập những ‘block’ thời gian rõ ràng cho những điều bạn hứng thú để làm.
Thú vui của bạn có thể là ngồi ở nhà đọc sách, lang thang với bạn bè, đi bơi vào hai ngày cuối tuần. Hãy lên lịch cho những việc làm yêu thích đó trước tiên, sau đó sắp xếp ‘phần còn lại của cuộc sống’ xoay xung quanh những ‘block’ này.
Đây là cách giúp bạn có động lực để làm các việc quan trọng khác thật tốt để có thời gian dành cho sở thích.
4. Giúp từ bỏ những thói quen xấu
Hãy nghĩ xem, nếu bạn đã có rất nhiều thói quen tốt hình thành do nghiêm túc thực hiện một lịch trình hợp lý trong thời gian dài, sẽ chẳng còn chỗ cho thói quen xấu nữa.
Chắc chắn là không dễ dàng để thoát khỏi các thói quen xấu. Đầu tiên, hãy xác định những việc quan trọng với bạn, thiết lập một lịch trình xoay quanh các việc đó.
Sau khi đã ổn định một lịch trình sau vài tuần, bạn sẽ hình thành thói quen tốt, và rồi thói quen xấu chỉ còn là quá khứ.
5. Bạn chắc chắn sẽ chủ động hơn trong mọi việc
Nếu bạn không có lịch trình, cuộc sống sẽ giống như một loạt các chuyện ‘tình cờ’ xảy đến. Hoặc là bạn sẽ lãng phí cả ngày để xem nên làm gì, hoặc là bạn sẽ ‘đẽo cày giữa đường’, ai khuyên việc gì cũng làm theo.
Có một lịch trình ổn định, bạn sẽ kiểm soát được cả ngày, kể từ lúc bạn thức giấc cho đến khi đi ngủ vào buổi tối.
Bạn có thể làm chính xác điều mình muốn, tập trung và bản thân mình và đạt được những kết quả đã kỳ vọng.
6. Không còn chỗ cho sự trì hoãn
Sự trì hoãn có thể xảy ra khi bạn không có ý tưởng gì rõ ràng trong đầu về việc gì tiếp theo.
Bạn có thể cứ nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính trong hàng giờ liền, lang thang từ trang web này sang tài liệu nọ, không có định hướng gì rõ ràng, và sau cùng là thất vọng não nề vì ‘chẳng làm được việc nào ra việc nào’.
Nếu đã có lịch trình sẵn, bạn sẽ chỉ cần gạch đầu dòng vài việc cần làm trong khoảng thời gian cố định… Sau đó, tất cả việc phải làm là thực hiện theo những gạch đầu dòng đó.
7. Phần thưởng cuối ngày: giấc ngủ ngon!
Về mặt tâm lý, sau khi đã có một ngày êm ả với một lịch trình được thực hiện trọn vẹn, đêm chắc chắn bạn sẽ ngủ ngon hơn, nạp năng lượng cho một ngày mới tốt đẹp hơn.
Về mặt sinh học, nếu theo một lịch trình ổn định, cơ thể bạn sẽ nhận biết ‘đến giờ đi ngủ’ vào đúng giờ nào đó buổi tối và cũng tự động thức dậy vào một khoảng thời gian nhất định buổi sáng. Điều này cũng vẫn nên duy trì vào cuối tuần.
Có thể bạn cảm thấy thật dễ dàng khi ‘mặc kệ’ một ngày diễn ra theo kiểu được chăng hay chớ. Nhưng chắc chắn bạn muốn một cuộc sống dễ dàng hơn, muốn mọi việc hoàn thành, vậy hãy chọn một ngày có lịch trình.
Một chút thời gian, công sức để xây dựng ‘kỷ luật tự thân’ trong cuộc sống, bạn sẽ đạt được vô số thành quả trong cuộc sống. Việc này không dễ nhưng cũng không quá khó như bạn lầm tưởng.