Cộng đồng mạng đang kêu gọi chung tay góp 100.000 chữ A để ủng hộ trẻ tự kỷ. Vậy chương trình này được tiến hành ra sao? Số tiền sẽ được trao như thế nào và sử dụng ra sao?
Mấy ngày nay cộng đồng mạng đang kêu gọi người dùng mạng xã hội chung tay góp 100.000 chữ A, đăng bài viết kèm hashtag bắt đầu bằng 3 chữ A là #autism, #awareness, #a365 để nhà tài trợ tặng 200 triệu đồng tổ chức các khoá tập huấn cho phụ huynh có con chẳng may bị tự kỷ.
Chương trình này do Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (VAN) phát động kéo dài đến 15/4. Dưới đây là một số giải đáp thắc mắc của cộng đồng mạng:
Autism: Chứng tự kỷ chưa thể chữa khỏi nhưng có thể can thiệp tiến bộ;
Awareness: Nhận thức là điều quan trọng, phát hiện sớm và can thiệp đúng sẽ làm thay đổi cuộc đời người tự kỷ.
A365: Đây là chương trình hướng dẫn cha mẹ hoàn toàn miễn phí trong việc phát hiện sớm, can thiệp sớm tự kỷ tại nhà và tại cộng đồng.
Đó là: Tổ chức Grand Challenges Canada tài trợ. Nguồn kinh phí 200 triệu đồng để hỗ trợ cho hoạt động của Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam thông qua Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP), tức A365.
VAN cho biết: Gói tài trợ 200 triệu đồng để mở các khóa tập huấn phụ huynh, được đưa ra như điều kiện của chương trình, cũng không có nghĩa là nó sẽ bị từ chối khi không đủ 100.000 chữ A.
Chương trình kỳ vọng và kêu gọi giúp sức, để lan tỏa sự quan tâm về tự kỷ, nhưng không đặt rõ thời hạn thực hiện, vì tính đến yếu tố dịch bệnh, nên có thể kéo dài hết tháng 4 hoặc lâu hơn.
"Tuy nhiên thời điểm này chúng tôi nhận thấy chắc chắn đã đạt được mốc kỳ vọng, nên sẽ kết thúc chương trình vào ngày 15/4.
Xin cảm ơn nỗ lực của cộng đồng đã giúp đỡ và lan tỏa mạnh mẽ, và chúng tôi rất tiếc nếu như có sự hiểu lầm rằng, có một sự ép buộc phải đạt được định mức 100.000 chữ A trong thời gian ngắn", đại diện VAN cho hay.
Mục đích chính của chương trình là thức dậy mối quan tâm và nhận thức về tự kỷ. Tự kỷ cần được nhận thức đúng, phát hiện sớm, và can thiệp kịp thời, đúng cách.
Điều đó sẽ làm thay đổi cuộc đời của những người tự kỷ một cách tích cực. Chương trình được phát động trong dịp này, là để hưởng ứng Ngày Thế giới Nhận thức về Tự kỷ 2/4 do Liên Hợp Quốc phát động.
A365.vn là một website do chính VAN cùng tham gia xây dựng với các nhà khoa học thuộc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số CCIHP, và là website về tự kỷ hoàn toàn miễn phí.
Dự án được Grand Challenges Canada tài trợ từ năm 2014, cho toàn bộ các hoạt động phổ biến kiến thức khoa học về tự kỷ đến cộng đồng (mà việc tổ chức các khóa tập huấn phụ huynh trực tiếp tại các tỉnh chỉ là một trong các hoạt động).
"Chúng tôi không nhằm tới việc quảng bá cho một nhãn hiệu, mà chỉ mong muốn hệ thống này được mọi người biết đến, chia sẻ, để giúp được nhiều gia đình có con tự kỷ. Đây không đơn thuần là dịch vụ tư vấn, mà là sự kết hợp chính tâm huyết và chia sẻ của các phụ huynh có con tự kỷ, cùng với các nhà nghiên cứu.
Hệ thống giải pháp A365 có thể chưa phải là tốt nhất trên thế giới nhưng đây là sản phẩm VAN liên kết xây dựng, mong muốn nó sẽ phù hợp bối cảnh và điều kiện Việt Nam, thực hiện mục tiêu chia sẻ kiến thức mà VAN đã định vị từ khi thành lập" - đại diện VAN cho biết.
Chương trình tập huấn này nằm trong kế hoạch hoạt động của A365. VAN đã làm 15 tập huấn ở các địa phương trong năm 2019, và mới chỉ dừng bước vì COVID-19.
Số tiền 200 triệu ước tính sẽ tổ chức được từ 10 đến 15 cuộc tập huấn tiếp theo, với cách thức tổ chức như năm 2019: Kinh phí sẽ chi trả cho chuyên gia (1 ngày), phương tiện đi lại (vé máy bay nếu đến tỉnh xa), chi phí lưu trú của đội tổ chức, không thu phí từ người tham gia tập huấn, không trả lương cho tình nguyện viên của VAN và A365 đi tham gia tổ chức tập huấn.
Kế hoạch, thông tin, hình ảnh các cuộc tập huấn luôn được thông báo trên trang facebook Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam - VAN.