Tiêm chủng vắc-xin đã được chứng minh là có hiệu quả rõ rệt trong phòng ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đang hiểu chưa đúng, thậm chí còn có một số quan niệm sai lầm mà nhiều cha mẹ mắc phải khi nhắc đến tiêm vắc-xin.
Trong bài viết này, bác sĩ Nguyễn Phương Thanh (Bộ môn Dược lý, Trường Đại học Y Hà Nội) sẽ chia sẻ một số điều về vắc-xin để cha mẹ hiểu đúng và làm đúng hơn.
1. Điều đầu tiên chúng ta cần hiểu rằng chất lượng của vắc-xin được thẩm định bởi Cơ quan quản lý (Bộ Y tế, cụ thể là Cục Quản lý dược).
Do vắc-xin là một sản phẩm dạng sinh học (nguy cơ cao), sử dụng cho một lượng lớn người khỏe mạnh (hàng triệu), trong đó có trẻ em, nên việc quản lý vắc xin luôn luôn phải là thứ chặt chẽ nhất.
Một vắc-xin luôn luôn phải được nghiên cứu bài bản từ đầu tới cuối kể cả vắc-xin tương tự đã được lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, không phải lúc nào nhà quản lý cũng kiểm soát được hết các khâu từ chất lượng cho tới thử nghiệm vắc-xin.
Các công ty đã làm giả bộ hồ sơ này nhằm đánh lừa nhà quản lý. Trong trường hợp thế này, trình độ của chuyên gia thẩm định phải ở mức cao mới có thể xác định được "Hồ sơ giả".
2. Ngay cả khi hồ sơ vắc-xin là thật, được thẩm định chặt chẽ tức là vắc-xin được coi là an toàn, hiệu quả nhưng khi sử dụng ở quần thể thật thì có thể sẽ phát sinh nhiều vấn đề vì quần thể khi làm nghiên cứu được kiểm soát chặt chẽ, số lượng ít nên sẽ ít có khả năng nhìn thấy các tai biến hiếm gặp, ví dụ như tử vong.
Khi đó, kế hoạch giám sát vắc-xin sau cấp phép là cực kỳ quan trọng. Tôi tin và hy vọng Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện hơn trong lĩnh vực này.
3. Hai vắc-xin giống nhau cùng được cấp phép để dự phòng cùng một bệnh thì có thể không hoàn toàn giống nhau về an toàn về hiệu quả nhưng cả hai vắc-xin đó đều được coi là đạt các mức quy định về an toàn và hiệu quả trước khi cấp phép.
Ví dụ như vắc-xin A được 9,9 điểm (thường là đắt) và vắc-xin B được 8,5 điểm (rẻ hơn) và tiêu chuẩn được cấp phép trên thế giới là >8,0 điểm.
4. Các vắc-xin là thay đổi theo thời gian chứ không phải mãi là như vậy. Lý do là trong quá trình lưu hành nhà sản xuất sẽ phát hiện một số nhược điểm hoặc công nghệ sinh học cho phép chúng ta sẽ sản xuất được vắc-xin tốt hơn.
Ví dụ như ngày xưa chúng ta kinh hãi như thế nào khi phải tiêm vắc-xin dại thì nay câu chuyện đã nhẹ nhàng hơn đi rất nhiều rồi. Hầu hết các vắc-xin hiện nay (2018) ở Việt Nam đều tương đối an toàn.
5. Không có vắc-xin nào là tuyệt đối an toàn, mọi vắc-xin đều có thể gây ra tác dụng phụ từ nhẹ (sốt, đau thường rất hay gặp), một số biến chứng (teo cơ, liệt… thì rất hiếm gặp), thậm chí tử vong (vô cùng hiếm gặp).
Phản ứng dị ứng hoặc phản vệ của vắc-xin đôi khi phụ thuộc vào cơ địa của người được tiêm. Theo dõi và xử trí phản vệ là cực kỳ quan trọng đối với nhân viên y tế và thậm chí là với người nhà (thường là bà mẹ).
6. Không có vắc-xin nào là tuyệt đối hiệu quả. Thông thường vắc-xin sẽ làm cho cơ thể chúng ta sinh kháng thể đặc hiệu chống lại một sinh vật nào đó nhưng cần phải tới một ngưỡng đủ lớn mới có tác dụng.
Các vắc-xin chỉ được cấp phép khi nó có thể mang lại hiệu quả bảo vệ cho đa số quần thể, thông thường là trên 80%, nhiều khi là 99% hoặc 100%.
Kể cả khi nghiên cứu là 100% thì không có nghĩa là con số này sẽ đúng với quần thể thật ngoài đời. Ví dụ như vắc-xin viêm gan B tiêm 3 mũi sẽ có thể cho hiệu quả bảo vệ hơn 90%.
Do vậy, hãy nhớ, kể cả bạn có được tiêm vắc-xin thì vẫn cần có những biện pháp bảo vệ khác cho mình đối với bệnh đó.
7. Một số vắc-xin được tiêm 1 lần, có những vắc-xin phải nhắc lại 2, 3 lần. Tất cả là do mong muốn hiệu quả bảo vệ là cao nhất trên đối tượng được tiêm. Do vậy, khi tiêm vắc-xin cần phải tuân thủ số lần nhắc lại bạn mới có hiệu quả bảo vệ cao nhất.
8. Vắc-xin sẽ mất dần tác dụng bảo vệ theo thời gian. Do vậy bạn có thể phải tiêm nhắc lại khi thời gian tiêm vắc-xin trước đã xảy ra nhiều năm.
Ví dụ đối với viêm não Nhật Bản, tiêm 1 mũi không có hiệu quả bảo vệ, tiêm 2 mũi thì hiệu quả 80%, tiêm 3 mũi là trên 90% nhưng chỉ trong 3 - 4 năm.
Do vậy, trẻ nhỏ nên được tiêm nhắc lại vắc-xin sau vài năm. Thực tế bạn vẫn gặp những trẻ được tiêm viêm não Nhật Bản mà vẫn bị mắc viêm não Nhật Bản. Điều này là do vi phạm lịch tiêm, hoặc không được tiêm nhắc lại.
9. Quan điểm "Chống vắc-xin (anti vaccine)" hay nói cách khác là không tiêm vắc xin. Nếu con bạn không tiêm vắc xin thì có mấy trường hợp sau:
- Con bạn bị bệnh đó, ví dụ bệnh sởi, rồi tự khỏi, lần sau chẳng bao giờ bị nữa. Như vậy chúng ta được gọi là “thuận theo tự nhiên”. Chúc mừng bạn vì con bạn đã may mắn lần này, không rơi vào trường hợp bé bị biến chứng hoặc thậm chí tử vong. Tử vong vì sởi chủ yếu xảy ra ở trẻ không được tiêm vắc-xin.
- Con bạn không bao giờ bị bệnh đó. Đó là sự ăn may nữa và bạn nên cám ơn những người xung quanh bạn đã tiêm vắc-xin, mặc dù hiếm khi sự không bị bệnh là do cháu có sức đề kháng tốt. Chính những người tiêm vắc-xin làm giảm tỉ lệ bệnh xuống mức rất thấp, thấp đến mức cả cuộc đời con bạn cũng không có cơ hội tiếp xúc với một người khác bị bệnh đó xung quanh. Nếu ai cũng không tiêm vắc-xin thì điều này không bao giờ xảy ra và chúng ta sẽ có những bi kịch thực sự.
Anti vaccine thực sự quá lạc hậu và có thể coi là vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức trong thời đại này, khi mà các vắc-xin dựa trên các công nghệ sinh học và quy định khắt khe về an toàn và hiệu quả khi cấp phép.
10. Hãy tự hào và an tâm vì nhiều vắc-xin hiện nay do Việt Nam sản xuất như lao, sởi, rubella, rota, tả, thương hàn, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi-rubella. Mặc dù còn nhiều khó khăn và hạn chế liên quan tới trình độ công nghệ cũng như nghiên cứu lâm sàng, nhưng rất nhiều vắc-xin mà chúng ta sản xuất đã được dùng lâu đời và tương đối an toàn.