10 cách đơn giản để xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh cho con

Một hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp con chống chọi được với bệnh tật trong thời điểm giao mùa, giúp hạn chế bị ho, cảm lạnh, cảm cúm và các bệnh lý nhiễm trùng khác.

Dưới đây là những cách đơn giản để cha mẹ xây dựng hệ thống miễn dịch khỏe mạnh cho con theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa nhi Phí Xuân Thi, BV Sản Nhi Quảng Ninh.

1. Cho trẻ bú sữa mẹ

Colostrum ở trong sữa mẹ là một tiêu chuẩn vàng cho xây dựng một hệ miễn dịch khỏe mạnh ở trẻ sơ sinh. Các nghiên cứu cho thấy rằng, trẻ bú mẹ ít nhất 6 tháng thì có hệ miễn dịch phát triển tốt hơn và giảm các nguy cơ bệnh lý nhiễm trùng và dị ứng.

Trẻ bú mẹ ít nhất 6 tháng thì có hệ miễn dịch phát triển tốt hơn và giảm các nguy cơ mắc bệnh. Ảnh minh họa

2. Tiêm phòng vaccin theo lịch tiêm chủng

Cha mẹ cần đảm bảo trẻ được tiêm chủng đầy đủ theo lịch do bác sĩ nhi khoa tư vấn, không bị gián đoạn. Điều này rất quan trọng với tất cả các trẻ, đặc biệt ở trẻ bị hen suyễn, có các vấn đề sức khỏe mạn tính khác.

3. Đồ ăn phong phú

Khuyến khích trẻ ăn đa dạng, với nhiều loại hoa quả và rau củ nhiều màu sắc khác nhau. Ăn các loại quả chín mọng, rau củ quả xanh sẽ giàu các chất chống oxy hóa. Cam và các loại trái cây họ cam quýt chứa nhiều vitamin C giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Các loại rau xanh rất giàu chất sắt và hỗ trợ cơ thể sản xuất bạch cầu và kháng thể.

Trẻ cần được ăn đa dạng thực phẩm, ăn nhiều rau xanh và hoa quả để tăng cường vitamin và khoáng chất. Ảnh minh họa

Các loại hạt, ngũ cốc, đậu, chứa nhiều acid béo omega quan trọng. Trứng là một nguồn cung cấp protein dồi dào và có thể được bổ sung trong chế độ ăn uống hàng ngày dưới nhiều loại hình thức khác nhau. Thực phẩm có lượng đường quá nhiều, và đồ ăn vặt nên hạn chế trong bữa ăn.

4. Duy trì đường ruột khỏe mạnh

Sức khỏe đường ruột là rất quan trọng đối với một hệ thống tiêu hóa tốt, nơi phần lớn các bệnh nhiễm trùng phát sinh. Thực phẩm giàu probiotics hỗ trợ đường ruột và hỗ trợ sự phát triển của vi khuẩn có lợi. Sữa chua là một lựa chọn tuyệt vời để đưa probiotics vào chế độ ăn hàng ngày của trẻ và gia đình.

Đối với trẻ nhũ nhi, có thể cho sữa chua vào trái cây xoay nhyễn. Trẻ lớn hơn có thể dùng thêm các loại hoa quả như cà rốt, dưa chuột nhúng với sữa chua giúp chúng thơm ngon hơn.

5. Giấc ngủ khỏe mạnh

Hầu hết trẻ cần ngủ 10 đến 14 giờ liên tục mỗi ngày. Giữ một thói quen định sẵn trước giờ đi ngủ cho trẻ như tắm nước ấm, mát xa nhẹ, hoặc cùng nhau đọc sách trong một khoảng thời gian. Một đứa trẻ tràn đầy năng lượng và được nghỉ ngơi đầy đủ sẽ có được hệ miễn dịch tốt để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Trẻ cần ngủ 10 đến 14 giờ liên tục mỗi ngày để có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Ảnh minh họa

6. Duy trì các hoạt động thể lực

Tập thể dịch đóng vai trò rất quan trọng trong các vấn đề sức khỏe. Một giờ hoạt động trong công viên hoặc sân chơi trong nhà có thể mang lại hiệu qua rất lớn cho sức khỏe và hệ thống miễn dịch của trẻ.

Gia đình tập thể dục cùng nhau hoặc cùng nhau chơi 1 môn thể thao vừa là niễm vui, vừa là cách tuyệt vời để duy trì sự gắn kết trong gia đình và duy trì sức khỏe.

7. Tạo thói quen giữ vệ sinh

Giữ vệ sinh tốt giúp tránh virus và vi khuẩn. Những thói quen đơn giản hàng ngày như rửa tay sau khi chơi, trước và sau bữa ăn và sau khi đi vệ sinh cần được chú trọng và trở thành thói quen cho trẻ.

8. Vui chơi ngoài trời

Bất cứ khi nào có thể, hãy cho trẻ ra ngoài hít thở không khí trong lành và bổ sung vitamin D. Khuyến khích trẻ chơi với các thú cưng, chạy chân trần trên nền cỏ và có thể để chúng bẩn một chút, vì việc tiếp xúc với vi khuẩn hàng ngày dạy cho cơ thể cách thích nghi và đa dạng hóa các loại vi khuẩn có lợi trong cơ thể. Hãy đảm bảo trẻ không cho tay lên mặt- mũi- miệng- mắt khi chơi. Rửa tay đúng cách trước khi trẻ vào nhà.

Khói thuốc lá có thể gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho trẻ. Ảnh minh họa

9. Tránh khói thuốc lá

Tác hại của khói thuốc lá đã được biết rất rõ, vì các độc chất trong khói thuốc có thể giết chết các tế bào khỏe mạnh. Trẻ em thở nhanh hơn người lớn, do đó có thể hít nhiều khói thuốc có trong không khí hơn. Một không gian không có khói thuốc mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ.

10. Tránh dùng thuốc kháng sinh khi không cần thiết

Mặc dù kháng sinh có tác dụng điều trị trong các bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, nhưng không phải lúc nào cũng là lựa chọn tốt nhất.

Thuốc kháng sinh tác động lên cả vi khuẩn có lợi và có hại, do đó làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể. Vì vậy, hãy nghe theo lời khuyên của bác sĩ nhi khoa và đừng gây áp lực để họ kê đơn thuốc kháng sinh cho mọi bệnh.

Cảm lạnh, ho, hay những vết bầm tím là điều không thể tránh khỏi ở trẻ nhỏ. Nhưng nếu cha mẹ hiểu biết, biết các chăm sóc, sử dụng các thực phẩm lành mạnh, giữ được thói quen tốt, môi trường sạch là cách để bảo vệ và bảo đảm rằng những bệnh này có thể chỉ bị trong thời gian ngắn và ít khi mắc phải.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan