Điều đáng nói là những loài cây này lại luôn hiện hữu xung quanh chúng ta và sở hữu vẻ ngoài vô hại và dễ nhìn. Do đó, việc nhận diện chúng là rất cần thiết.
Mao lương hoa vàng
Mao lương hoa vàng được tìm thấy nhiều ở vùng ôn đới của Bắc bán cầu, chúng thường mọc dại ở những vùng ẩm ướt hoặc đầm lầy. Tuy sở hữu vẻ ngoài bắt mắt nhưng mao lương hoa vàng lại là loại thực vật có độc tính cao.
Loài cây này có chứa chất độc khiến da bị phồng rộp, gây ra ho và co thắt thanh quản khi tiếp xúc phải chất nhầy của chúng. Ngoài ra, việc chất nhầy rơi vào mắt có thể khiến bạn bị mất thị lực trong thời gian ngắn.
Cây độc cần nước
Cây độc cần nước là loài cây hoa dại mọc nhiều ở châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ. Chúng phát triển tốt ở những nơi ẩm ướt như đầm lầy, bờ sông.
Độc cần nước có mùi giống như cà rốt nhưng đây lại là một trong những loài cây độc nhất trên thế giới. Nguyên nhân là do cây chứa chất độc cicutoxin trong thân cây, tập trung nhiều nhất ở rễ. Người bị trúng độc này thường có triệu chứng buồn nôn, co giật mạnh, thậm chí nó còn có thể gây ra tử vong. Chỉ cần khoảng 100-200g rễ độc cần nước cũng đủ để giết chết một con bò.
Cây trúc đào
Cây trúc đào được trồng nhiều ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Loại cây này có hoa màu trắng hoặc màu hồng và rất thơm. Nhiều người thường trồng trúc đào trong khuôn viên nhà mình để làm cảnh, tuy nhiên đây thực sự là một loại cây nguy hiểm.
Nguyên nhân là do trúc đào có chứa chất độc glicozit. Người nhiễm độc từ cây trúc đào thường có các triệu chứng như rối loạn nhịp tim, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi và thậm chí là tử vong.
Theo truyền thuyết, các binh sĩ của Napoleon sử dụng những nhánh cây trúc đào để nướng thịt ăn. Tuy nhiên vào sáng hôm sau có khá nhiều người trong số đó không bao giờ tỉnh lại nữa.
Cây ô đầu
Cây ô đầu có nhiều ở châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ. Do loài cây này có hoa màu tím, màu xanh dương hay màu vàng rất đẹp mắt nên được nhiều người trồng trong vườn nhà để trang trí. Tuy nhiên đây lại là một loài cây có độc nên người trồng cần phải lưu ý.
Ở các nước cổ đại, người ta thường lấy cây ô đầu giã nhuyễn rồi bôi lên các mũi tên để tạo ra các mũi tên độc. Ngay cả ong cũng có thể chết nếu lấy phấn hoa của cây ô đầu.
Khi bị nhiễm độc bởi cây ô đầu, người bệnh thường có triệu chứng rối loạn nhịp tim, tê liệt, mất thị giác và thậm chí có thể gây ra tử vong.
Cây đại kích
Cây đại kích thuộc chi Euphorbia, mọc ở mọi nơi, ngay cả trong vườn nhà và tồn tại dưới nhiều hình dáng khác nhau. Nhựa của lá cây đại kích có chất độc, chúng có thể khiến người chạm vào nó bị phồng rộp và sưng tấy da kèm theo hiện tượng sốt.
Cây đại hoàng
Cây đại hoàng có nhiều ở châu Âu. Ở nhiều quốc gia, người ta thường dùng cây đại hoàng để làm bánh, salad và nước sốt. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết lá và rễ của loại cây đại hoàng hoàn toàn không ăn được bởi chúng có chứa một lượng lớn axit oxalic, có thể gây bỏng rát cổ họng và mắt, buồn nôn, tiêu chảy.
Cây cà độc dược
Cây cà độc dược là một loại cây bụi, có quả đen mọng và hoa màu hồng. Loại cây này mọc tại Bắc Phi, châu Âu, miền nam nước Nga, một số nước ở châu Á và Bắc Mỹ.
Khi bị nhiễm độc nhẹ của cây cà độc dược có thể dẫn đến tức ngực, khô và nóng miệng. Nhiễm độc nặng có thể khiến người bệnh mất kiểm soát, chuột tút và thậm chí là tử vong.
Cây cà độc dược cũng chứa atropine, một loại chất chứa alkaloid gây giãn đồng tử. Bởi vậy ngày nay, chiết xuất từ loại cây này được dùng trong quá trình phẫu thuật mắt.
Hạt thầu dầu
Loại cây này thường mọc ở các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới. Do vẻ ngoài khá lạ nên nó thường được trồng để làm cảnh.
Tuy hạt thầu dầu có độc, nhưng độc tố của nó sẽ tan biến sau khi xử lý nhiệt, nên thường được dùng để ép lấy dầu. Nếu ăn hạt chưa qua chế biến hay xử lý chưa kỹ thì chỉ cần từ 4-7 hạt cũng có thể dẫn đến tử vong. Trong trường hợp nhẹ, có thể dẫn đến tổn thương mô trên cơ thể.
Vân AnhBạn đang xem bài viết 8 loài cây 'thần chết' nơi đâu cũng có tuyết đối không được chạm vào tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].