Gan có vai trò quan trọng trong hệ tiêu hóa, giúp tổng hợp protein huyết tương, dự trữ glycogen và thải độc. Đây được ví như nhà máy hóa chất của cơ thể, đảm trách và điều hòa các phản ứng hóa sinh.
Một trong những vấn đề phổ biến về gan là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD), nó có thể là kết quả của bệnh tiểu đường type 2 không được kiểm soát, rối loạn lipid máu, hội chứng chuyển hóa và béo phì.
Thói quen ăn uống của bạn có thể giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự khởi phát của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và các vấn đề về gan khác.
Một trong những cách bảo vệ gan là bổ sung đủ lượng chất béo lành mạnh trong chế độ ăn uống.
Chất béo trong chế độ ăn được chia thành 2 loại chính: bão hòa và không bão hòa. Chất béo không bão hòa gồm chất béo không bão hòa đa (như axit béo omega-3) và chất béo không bão hòa đơn.
Chất béo không bão hòa đa và không bão hòa đơn làm việc chăm chỉ để hấp thụ và vận chuyển vitamin, giảm viêm, giảm nguy cơ bệnh tim, điều hòa đông máu và hỗ trợ điều hòa hormone.
Mỗi người nên nạp vào từ 25 - 58 gram chất béo không bão hòa mỗi ngày và không quá 20 gram chất béo bão hòa mỗi ngày.
Dưới đây là một số thực phẩm giúp cung cấp chất béo lành mạnh cho lá gan.
1. Dầu ô liu
Mỗi thìa dầu ô liu chứa khoảng 14 gram chất béo (trong đó có khoảng 11 gram chất béo không bão hòa đơn).
Vì vậy đây là loại nguyên liệu tuyệt vời cho nấu ăn và chế biến xốt salad trong chế độ ăn lành mạnh.
2. Các loại hạt
Hạt lạc, hạt điều, hạt hạnh nhân, quả óc chó, hạt dẻ cười,... đều là nguồn cung cấp chất béo không bão hòa (chủ yếu là chất béo không bão hòa đơn) và có thể bảo vệ chống lại bệnh gan.
Một nghiên cứu của Hàn Quốc năm 2014 trên Tạp chí Tiêu hóa và Gan mật đã phát hiện ra rằng tiêu thụ ít hạt có liên quan đến tăng nguy cơ phát triển bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
3. Cá
Các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá trích,... chứa hàm lượng lớn axit béo omega-3.
Nếu không ăn cá, bạn có thể bổ sung omega-3 từ các thực phẩm chức năng tảo biển.
4. Hạt lanh
Hạt lanh thường có ở dạng hạt, bột, dầu,... Nếu mua hạt lanh nguyên hạt, bạn hãy xay nhỏ nó trước khi sử dụng để nhận được tối đa lợi ích từ hạt lanh.
Bạn có thể rắc bột hạt lanh vào ngũ cốc hoặc sữa chua.
5. Bơ
Không giống các loại trái cây khác, bơ là thực phẩm giàu chất béo. Bơ có khoảng 77% chất béo, tính theo calo, khiến chúng có chất béo thậm chí cao hơn hầu hết các loại thực phẩm động vật.
Một quả bơ chứa khoảng 240 calo, vì vậy bạn nên ăn khoảng 1/2 quả bơ mỗi ngày để kiểm soát cân nặng.
(Theo ETNT)