Bếp gas là vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình ngày nay. Tuy nhiên, thực tế đã có rất nhiều vụ nổ bếp gas vô cùng thương tâm, mà nguyên nhân đều xuất phát từ những biểu hiện tưởng nhỏ, không mấy ai để ý.
Bởi vậy, để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình, nếu thấy có 4 dấu hiệu sau, hãy lập tức gọi thợ sửa ngay.
1. Gas bốc mùi
Nếu bạn ngửi thấy mùi gas dù bạn chưa bật bếp, rất có thể đường dây dẫn gas đã bị xì, khoá van bị hỏng hoặc ống gas nối sai khớp.
Trong trường hợp bạn ngửi thấy mùi ga nồng nặc, có tuyết bám xung quanh bình, nhiệt độ trong phòng tăng, cần nhanh chóng mở toang cửa để khí thoát ra ngoài.
Tuyệt đối không bật lửa hay bật tắt các thiết bị điện, tốt nhất là ngắt được nguồn điện từ xa, sau đó nhanh chóng thoát ra ngoài, gọi ngay thợ sửa chữa đến kiểm tra và xử lý.
2. Lửa bị đỏ
Lủa bếp ga đúng tiêu chuẩn phải là màu xanh, ngọn lửa bếp gas màu đỏ có thể làm đen đáy nồi, ảnh hưởng đến việc nấu nướng của bạn.
Nguyên nhân thường do gas đốt không hết, dụng cụ nấu không sạch có dính thứ bám lửa, đầu đốt bị bẩn, van bình gas mở quá ít, bình gas sắp hết hay bị lẫn tạp chất.
Trong trường hợp này, bạn nên kiểm tra và vệ sinh lại toàn bộ bếp và bình gas, hiện tượng này sẽ được cải thiện, trường hợp không cải thiện, hãy gọi thợ xem gas có đảm bảo hay không.
3. Lửa phát tiếng kêu
Trong trường hợp, bạn nghe thấy tiếng lửa bếp gas có tiếng phựt phựt liên tục trong khi bật bếp nấu nướng, rất có thể bình ga nhà bạn đã bị rò hoặc bộ phận không khí, họng lửa lắp chưa đúng khớp, khe thoát lửa bị nghẹt.
Sau khi chỉnh vị trí họng lửa và làm sạch lại khe thoát lửa mà vẫn còn tiếng động này, bạn nên gọi người đến kiểm tra và sửa chữa ngay, kẻo nguy hiểm tới tính mạng.
4. Nguồn lửa bất thường
Nếu bếp ga nhà bạn không bắt lửa, ngọn lửa cháy bất thường. không đồng đều, thấy có mùi gas thoát ra ngoài, bạn cần lập tức tắt bếp, khoá van bình đồng thời kiểm tra lại mâm chia lửa có bị đặt lệch hay không, lau khô sứ đánh điện của bếp.
Nếu không thể tự xử lý, hoặc thấy bất ổn, tốt hơn hết, hãy gọi thợ sữa chữa đến kiểm tra là an toàn nhất.
Để tránh những sự cố về gas, nên chú ý những điều sau:
- Khi chọn bình gas, nên chọn đại lý chính hãng, có tên tuổi, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng.
- Chọn bình còn nguyên vẹn, không móp méo, nước sơn còn tốt, không bị tróc, rỉ.
- Khi đang thay bình gas, tuyệt đối không được sử dụng hoặc vận hành các thiết bị có thể phát sinh tia lửa điện gần đó như nổ xe máy, đánh bật lửa.
- Kiểm tra độ kín của bếp và ống dẫn gas bằng nước bọt xà phòng, cả trong trạng thái mở và khóa van.
- Tủ bếp không nên làm kín, mà phải để hở để có thể ngửi được khí gas rò.
- Hạn chế để lọt khí gas xuống đường ống hoặc các ống cống liên thông với bên ngoài. Nếu trong nhà có cống ở bếp nối với bên ngoài, khi trong nhà có hiện tượng rò gas, khí có thể lan ra đến ngoài đường, gặp tia lửa điện tình cờ có thể cháy ngược vào trong.
- Khi sử dụng xong nên khóa van bình, không chỉ là tắt bếp, bởi có trường hợp chủ nhà đi vắng cả ngày, chuột cắn đứt dây gas mà không biết.
- Nếu bình gas nhà bạn dùng van vặn thì khi mở chỉ vặn 1-2 vòng (hơi lỏng tay) là đủ, không cần mở hết.
- Sau 3 – 5 năm sử dụng, nên thay ống dẫn gas.
Thạch ThảoBạn đang xem bài viết 4 dấu hiệu cảnh báo bếp gas giống 'quả bom hẹn giờ', gọi thợ ngay kẻo cả nhà gánh họa tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].