Chiều cuối năm năm ngoái tôi gọi điện về quê cho ông bác ruột, thấy bác bảo: ‘Cả 2 anh con trai nhà bác cho gia đình đi Đà Lạt hết rồi, thế là Tết này nhà bác ế cỗ. Chẳng đứa nào nó ở nhà, lấy ai mà ăn’.
Tâm trạng tôi vừa buồn vừa vui vì câu chuyện ‘ế cỗ’ của bác – một người luôn luôn khẳng định ‘Tết là phải sum vầy’.
Đến cả người già cũng đang nghĩ khác về Tết
Tôi chắc ông bác cũng hơi buồn một chút, vì bác cứ nói đi nói lại từ trước đến nay: ‘Sống vì mồ vì mả, không vì cả bát cơm’.
Chính quan niệm Tết là dịp để nhớ ơn ông bà tổ tiên, nên Tết năm nào nhà bác cũng chuẩn bị rất nhiều đồ ăn thức uống. Tất cả các con trai, con dâu của bác đều phải răm rắp theo nếp, cặm cụi chuẩn bị mua sắm rất nhiều, nấu nướng rất nhiều trong dịp cuối năm.
Cái Tết là dịp lẽ ra ông bà, con cháu nghỉ ngơi, duỗi tay duỗi chân một chút sau một năm bận rộn, cuối cùng lại thành những ngày mệt mỏi bơ phờ. Đặc biệt là các chị con dâu bác, 3 ngày Tết ngày nào cũng lóp ngóp làm đủ 3 mâm cỗ đặt lên 3 bàn thờ, không có thời gian ngẩng mặt lên.
Thế là năm ngoái cả 2 ông anh họ tôi đã ‘ngấm ngầm’ bàn với nhau mua vé máy bay vào Đà Lạt để 2 gia đình du lịch trốn Tết.
Chiều 29, sau khi cúng tất niên xong xuôi, 2 gia đình mới thông báo cho ông bác tôi biết, sau đó lên taxi ra sân bay và tận hưởng trọn vẹn 3 ngày Tết ở ‘thành phố sương mù’.
Rõ ràng là Tết này bác không tránh khỏi hẫng một chút, nhưng tôi nghĩ sau lần đầu tiên này, ông cụ có thể sẽ nghĩ lại: Tết có nhất thiết cứ phải cỗ bàn ngập nhà, nấu nướng suốt ngày mới vui hay không?
Gần bằng tuổi ông bác tôi, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, một người nghiên cứu về văn hóa, đã chia sẻ với báo chí: ‘Không phải ngẫu nhiên mà GS Võ Tòng Xuân cương quyết giữ quan điểm mà tôi rất muốn ủng hộ. Đó là chúng ta chỉ nên ăn Tết cổ truyền theo lịch dương, gộp 2 Tết làm một.
Nếu chúng ta ăn 2 cái Tết thì sẽ gây ra phiền nhiễu thế nào, nhất là Tết Âm lịch. Và thẳng thắn nhìn rằng, sự phiền nhiễu đó sẽ cản trở sự phát triển của đất nước’.
Bà biết rằng quan điểm gộp 2 Tết làm một sẽ có nhiều người không đồng tình, nhưng bà vẫn hi vọng, theo thời gian, điều gì cũng có thể thay đổi.
Chỉ nên ăn Tết cổ truyền theo lịch dương, gộp 2 Tết làm một
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái
Theo bà, đón Tết các gia đình nên giản tiện để tránh mệt mỏi, phiền hà; nghỉ Tết nên là dịp để cả gia đình nghỉ ngơi, đi du lịch hay thư giãn cùng nhau.
Tết là để... đi trốn cùng nhau
Đó là suy nghĩ của nhiều cặp vợ chồng trẻ bạn tôi.
Một cô bạn tôi, tự nhận là người ‘hay lo’. Gần Tết thế nào cũng nghe bạn nhắc nhỏm: ‘Tết thì mua gì biếu nhà nội?’ ‘Nhà mày ăn tết nhà nội hay nhà ngoại, tao đang cãi nhau với lão chồng. Tết nhất đến nơi rồi mà vẫn chưa biết thế nào...’
Năm nay, đột nhiên nàng thông báo: ‘Nhà tao sẽ về thăm ngoại từ 29, nhà nội thì ở cùng quanh năm rồi, không phải thăm nom gì nữa. Chiều 30 là lên đường đi Thái Lan. Tour tao đã book từ hồi tháng 10’.
Thế đấy, hóa ra giải pháp đơn giản để thoát khỏi câu chuyện Tết ở nhà nội hay nhà ngoại, Tết sắm sửa những gì... chỉ là: xách ba lô lên và đi.
Với nhà báo Trương Anh Ngọc, một chia sẻ trên trang Facebook của anh về thói quen tận hưởng Tết cùng gia đình đã nhận được hàng ngàn lượt like.
Anh viết:
Đã đặt xong vé máy bay, để Tết âm lịch này lại đi, lần này sớm hơn, vào đúng 30 Tết.
Đối với nhà mình, từ bao nhiêu năm nay, Tết là trên đường, sau khi đã đi chúc Tết bố mẹ và một số người thân trong gia đình xong. Tết trở thành một đợt nghỉ dài trong lịch công tác dày đặc và đầy căng thẳng của mình.
Tết bây giờ không như ngày xưa nữa, ở nhà và rồi từ sáng đến tối đi hết nhà này đến nhà nọ, không ăn không được, mà không uống một ly gọi là mừng xuân cũng khó xử, mà Tết là một dịp nghỉ dài cho những chuyến đi.
Những thứ lệ bộ và hình thức không còn níu kéo mình ở lại được nữa.
(...) Tết trước, cả nhà mình chơi ở Lào, và Tết này, bọn mình đi Malaysia, nơi mình đã từng tới cách đây 20 năm.
Giờ là một chuyến đi dài hơn, cùng gia đình nhỏ của mình.
2018 do đó sẽ lại là một năm của những chuyến đi, như bao năm khác, chủ yếu là những chuyến bay xa.
Thực ra thì chúng ta sinh ra đâu phải chỉ để bó hẹp cuộc sống và những ước mơ của mình chỉ ở một nơi?’
Đoạn status của nhà báo Trương Anh Ngọc nằm trong hashtag: #dikhitacontre - một hashtag của Facebook tập hợp nhiều bài viết của những người ưa xê dịch, cùng chia sẻ với nhau triết lý, truyền cho nhau cảm hứng về sở thích này.
Đối với nhà mình, từ bao nhiêu năm nay, Tết là trên đường...
Những thứ lệ bộ và hình thức không còn níu kéo mình ở lại được nữa...
Trương Anh Ngọc
Chị Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) hiện đang dạy Tiếng Việt trong một trường quốc tế tại Hà Nội, chia sẻ: ‘Bố mẹ nên tranh thủ dịp Tết âm lịch – thời gian được nghỉ dài nhất trong năm của cả gia đình, để cho con đi du lịch.
Nếu con và cả bố mẹ thích về quê nội, hay quê ngoại thì cho con về quê. Nếu cả gia đình thích đi du lịch ‘đổi gió’ ở nơi nào khác thì cũng nên đi, đừng câu nệ.
Đi đâu thì đi, quan trọng là có cảm giác Tết đúng nghĩa là một kỳ nghỉ, thong thả, nhẹ nhàng, cả gia đình có thời gian nghỉ ngơi, quan tâm đến nhau’.
Những giá trị tinh thần, sự hòa thuận trong gia đình quan trọng hơn là những lệ bộ, hình thức, cảm giác 'trách nhiệm' nặng nề.
Những câu chuyện lãng phí và hình thức dịp Tết như: bày biện rất nhiều thức ăn để rồi không ăn hết, mua nhiều bánh kẹo để biếu nội, biếu ngoại nhưng rồi lại để mốc vì giờ ai cũng ngại đồ ngọt, mua vàng mã tốn kém,... đúng là càng ngày càng mất ‘sức hấp dẫn’ đối với các gia đình trẻ.
Có thể một số gia đình vẫn muốn về quê đón Tết theo đúng cách cổ truyền, nhưng cũng nên nghĩ việc về quê nhẹ nhàng hơn, chỉ đơn giản là một kỳ nghỉ thăm thân, cho con nhỏ cơ hội trải nghiệm cuộc sống làng quê...
Những giá trị tinh thần cần được trân trọng, thay vì cảm giác ‘trách nhiệm’ nặng nề, hoặc tệ hơn là ‘cuộc chiến’ nhà nội – nhà ngoại, dẫn đến tranh cãi và giận dỗi trong gia đình.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết Vứt bỏ hình thức, hãy tận hưởng Tết đi! tại chuyên mục Cẩm nang của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].