Rào cản của các nhà khoa học nữ
Điều hành phiên thảo luận thứ hai với chủ đề “Hành trình của nhà khoa học nữ: Thách thức và thành công”, GS Nguyễn Thục Quyên - Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture - đã đặt ra vấn đề về định kiến giới trong nghiên cứu khoa học - điều được xem là cản trở lớn với các nhà khoa học nữ.
Trước đó, một khảo sát trực tiếp được thực hiện ngay tại hội trường với câu hỏi: Điều gì mà mọi người nghĩ là thách thức lớn nhất với các nhà khoa học nữ? Kết quả, có 30,1% người tham gia cho rằng đó rào cản từ truyền thống - văn hóa - xã hội; 25,3% cho rằng đó là vấn đề cân bằng trong cuộc sống và 12% cho rằng đó là trách nhiệm sinh nở và nuôi dưỡng con cái.
GS Quyên tổng kết lại bằng khái niệm định kiến giới. Với các nhà khoa học nữ, để thành công, họ phải vượt qua định kiến giới nặng nề, dù ở phương Đông hay phương Tây, ở quốc gia đang phát triển hay quốc gia phát triển.
Dẫn chứng về thực trạng này, GS Monica Alonso Cotta - Phó Giám đốc Viện Vật lý “Gleb Wataghin” tại Đại học Campinas, Brazil - đã chia sẻ câu chuyện của chính mình. Môi trường làm việc trong lĩnh vực Vật lý của bà có tới 90% là nam giới, chỉ có 10% là nữ. Việc không có những tấm gương là nữ giới để học hỏi, hướng đến và lấy làm động lực khiến cho nữ giới ngại ngần theo đuổi khoa học Vật lý.
“Một bé gái hiếu động, làm bẩn quần áo thì người lớn sẽ khuyên không nên làm thế vì trông không đẹp chút nào. Nhưng nếu là bé trai thì chúng không bị khuyên như vậy. Những phân biệt này vô tình làm mất đi một lực lượng nhà khoa học nữ trong lĩnh vực Vật lý từ trứng nước”, GS Cotta nêu ví dụ.
Chia sẻ với góc nhìn của GS Cotta, GS Jennifer Tour Chayes - Phó trưởng Khoa Máy tính, Khoa học Dữ liệu và Xã hội, Trưởng khoa Thông tin của trường Đại học California, Berkeley, Hoa Kỳ - cho biết, vào thập niên 70, bà cũng là một nữ tiến sĩ Vật lý hiếm hoi. Thậm chí, tại đất nước của bà, không có mấy đơn vị tiếp nhận nữ giới vào làm việc trong lĩnh vực này. Chính định kiến đó cũng khiến phụ nữ tự giới hạn mình lại.
VinFuture tạo ra cầu nối cho các nhà khoa học thế giới
Điều gì khiến nhiều nhà khoa học nữ vượt lên trên định kiến giới để thành công và đóng góp cho nhân loại? Các diễn giả của VinFuture khẳng định: đó là niềm tin vào bản thân, dám mơ lớn và sẵn sàng tìm kiếm sự hỗ trợ bên ngoài.
GS Chayes đưa ra lời khuyên:
“Đừng phản lại nội lực của chính mình. Đừng để tiếng nói vô hình “bạn sẽ không thành công đâu vì bạn là phụ nữ” điều khiển bạn. Hãy tin rằng bạn rất giỏi và bạn xứng đáng.
Chỉ cần bạn làm việc chăm chỉ, nỗ lực tối đa và hành động như thể không có sự phân biệt nào đang diễn ra. Và hãy cứ đặt ra mục tiêu lớn. Người đặt ra mục tiêu lớn có khả năng thành công hơn so với những người không dám đặt ra mục tiêu lớn.”
Trong khi đó, GS Cotta khuyến khích nữ giới làm khoa học hãy tích cực tìm kiếm sự giúp đỡ từ xung quanh, bao gồm cả người thân, bạn bè và cả đồng nghiệp nam. Bà cũng khuyên rằng bản thân mỗi nhà khoa học nữ cần định nghĩa lại khái niệm thành công. Nội hàm của thành công rất đa dạng. Thành công với mỗi người là khác nhau. Trả lời được các câu hỏi mình là ai, mình đang làm gì, điều mình làm có giá trị gì là họ có thể đi đến thành công của riêng mình.
GS Nguyễn Thục Quyên - tấm gương nữ khoa học gia tiêu biểu và truyền cảm hứng với cộng đồng phụ nữ làm khoa học trên toàn cầu - cũng đưa ra tư vấn tương tự. Xuất thân từ vùng đất Tây Nguyên nghèo khó của Việt Nam, sang Mỹ năm 16 tuổi, không biết tiếng Anh, GS Quyên trở thành một trong những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới như hiện nay là nhờ dám ước mơ.
“Hãy cứ mơ lớn. Hãy biến những cản trở thành động lực để bạn bứt phá và vươn lên một tầm cao mới”, GS Quyên nói, “Và đừng quên rằng không có quy định nào yêu cầu bạn phải thành công một mình. Hãy luôn tìm kiếm sự hỗ trợ.
Giải thưởng VinFuture với hạng mục dành riêng cho các nhà khoa học nữ là một ví dụ. Sẽ luôn có những tổ chức như thế để thúc đẩy sự bình đẳng trong khoa học và Quỹ VinFuture đang tạo ra sự thay đổi tích cực cho thế giới.”
Cũng trong khuôn khổ sự kiện Giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo VinFuture, các diễn giả còn thảo luận hai phiên khác gồm: “Toàn cầu hóa trong khoa học và công nghệ” và “Thách thức và cơ hội của các nhà khoa học ở các nước đang phát triển.”
GS Gérard Albert Mourou - Chủ nhân Giải Nobel Vật lý 2018 - cho biết, thế giới ngày càng khao khát tìm kiếm những trí thức tuyệt vời trong lĩnh vực khoa học. Nhưng để huy động và sử dụng được tài nguyên trí tuệ ở khắp thế giới, các tài năng cần môi trường nuôi dưỡng và tiếp nhận sự đầu tư lâu dài, cũng như cần một cầu nối cho các nhà khoa học được gặp gỡ, giao lưu học thuật và học hỏi lẫn nhau. Theo GS Mourou, Giải thưởng VinFuture đang làm rất tốt vai trò quan trọng này.
Ở góc độ khác, GS Jennifer Tour Chayes nêu quan điểm, tài năng khoa học đang ở khắp thế giới, không phân biệt là nước phát triển hay nước đang phát triển. “Điều quan trọng là có một Quỹ đầu tư cho khoa học như Quỹ VinFuture của ông Phạm Nhật Vượng và phu nhân, cũng là lý do mà chúng ta đang ở đây”, GS Chayes khẳng định.
“Giao lưu với thành viên Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo VinFuture” là sự kiện hướng tới Lễ trao giải VinFuture lần 2 – một trong những giải thưởng Khoa học Công nghệ lớn nhất hành tinh, (tổ chức ngày 20/12 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, được phát trực tiếp vào lúc 20h10 trên VTV1 và website CNN, Discovery, Euronews, Technode Global).
Yến AnhBạn đang xem bài viết VinFuture giúp thúc đẩy sự bình đẳng trong khoa học tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].