Vì sao nhóm học sinh Hưng Yên đứng xem, quay clip bạn mình bị đánh, lột đồ mà không ngăn?

Việc thường xuyên nhìn, xem những hình ảnh bạo lực cùng sự thiếu giáo dục lòng yêu thương khiến những học sinh trở nên vô cảm trước tiếng gào khóc, kêu cứu của bạn mình trong vụ việc ở Hưng Yên mới đây.

  Nữ sinh H.Y phải điều trị sau khi bị đánh.

Nữ sinh H.Y phải điều trị sau khi bị đánh.

Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng khi xem video một cô bé 15 tuổi ở Hưng Yên bị nhóm 5 bạn học cùng lớp lột đồ, đánh đập dã man đến mức phải nhập viện.

Bức xúc với 5 học sinh đánh bạn bao nhiêu, dư luận cũng kịch liệt lên án, phê phán sự vô cảm của những học sinh chứng kiến vụ việc nhưng làm ngơ trước tiếng khóc gào, kêu cứu vì sợ hãi, đau đớn của bạn mình. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao mới 15 tuổi, mà những đứa trẻ đó đã không còn sự thương cảm đối với đồng loại của mình khi tận mắt nhìn thấy một cô bé bị đánh dã man như thế?

Trao đổi với phóng viên Gia Đình Mới về vấn đề này, Chuyên gia tâm lý Vũ Việt Anh – Giám đốc Học viện Thành Công cho rằng: Sự vô cảm của những học sinh này trước rất nhiều vấn đề của xã hội nói chung và việc bạn học của mình bị đánh nói riêng, được hình thành từ nhiều yếu tố, trở thành điều rất đáng lo ngại cho gia đình, nhà trường và xã hội.

  Chuyên gia tâm lý Vũ Việt Anh - Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội).

Chuyên gia tâm lý Vũ Việt Anh - Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội).

Nguyên nhân dẫn tới sự vô cảm này, theo ông Vũ Việt Anh, là do 3 vấn đề sau:

Thứ nhất: Đó là yếu tố nhận thức, giáo dục. Những đứa trẻ này chưa được giáo dục về lòng yêu thương, về sự sẻ chia, về đồng cảm và cả lòng dũng cảm.

Các chương trình giáo dục về vấn đề này chưa rõ ràng, chưa sâu sắc khiến trẻ chưa biết được cái nào là đúng, cái nào là sai; vấn đề nào cần bảo vệ, vấn đề nào cần đấu tranh.

Thứ hai: Sự vô cảm hình thành ở những đứa trẻ khi chứng kiến nhiều bạo lực, thậm chí chứng kiến hàng ngày khiến chúng trở nên chai lỳ.

Ví dụ khi ở nhà, bố mẹ chúng dùng phương pháp bạo lực để dạy con. Con làm sai gì, bố mẹ đều đánh, mắng thay vì phân tích, định hướng.

Hoặc những gia đình, bố mẹ thường xuyên lục đục, mâu thuẫn dẫn tới dùng bạo lực để giải quyết vấn đề.

Chứng kiến nhiều vụ việc bạo lực nên dần dần những đứa trẻ trở nên chai lỳ. Chúng cảm thấy bình thường khi nhìn thấy ai đó bị đánh, bởi trong suy nghĩ, chúng cho rằng bạo lực là một cách để giải quyết vấn đề, và đó là sự bình thường, tất nhiên.

Thứ ba: Những đứa trẻ xem quá nhiều hình ảnh bạo lực qua phim ảnh, game online  nên chúng không cảm thấy sợ hãi, thậm chí còn hả hê, cổ vũ cho nhóm bạn đánh nữ sinh mà không có sự can ngăn để bảo vệ người bị ức hiếp.

“Do chúng ta không làm tốt các biện pháp tâm lý học đường nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc trên. Xét về mặt tâm lý, chắc chắn khi sự việc lên đến đỉnh điểm dẫn đến hành vi ấy trước đó đã có những vấn đề. Những vụ việc này nếu biết trước, nắm được mối quan hệ giữa các học sinh với nhau; giữa học sinh với giáo viên thì sẽ có tư vấn, phòng ngừa tốt hơn”.

Do đó, vấn đề ở đây, từ sự việc đau lòng ở Hưng Yên, các gia đình và nhà trường cần thiết phải đẩy mạnh việc giáo dục, khơi dậy trong trẻ đạo đức, lòng yêu thương con người. Bởi nếu không, những đứa trẻ này hôm nay chứng kiến bạo lực, ngày mai sẽ là người gây ra bạo lực và có thể cũng sẽ trở thành nạn nhân của bạo lực.

Trước đó, như Gia Đình Mới đưa tin, chiều 22/3, do không đồng ý trực nhật, em Nguyễn Thị H.Y - học sinh lớp 9A, Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) đã bị nhóm nữ sinh cùng lớp đánh hội đồng vô cùng dã man ngay tại lớp học. Vụ việc này đã khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Hiện, Ban Giám hiệu trường THPT Phù Ủng đang bị đề nghị xem xét cách chức vì để xảy ra sự việc và xử lý không nghiêm khắc.

Việt Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính