Uống rượu bia có làm ấm người?
Lương y Nguyễn Thanh Thúy, phòng khám Đông y Ích Thọ Đường cho biết: “Sau khi uống rượu mọi người thường cảm thấy nóng người là do chất ethanol có trong rượu làm cho cơ thể bị kích thích, trở nên nhạy cảm hơn.
Rượu cũng khiến cho các tế bào trong cơ thể bị mất nước, tạo cảm giác khô nóng. Ngoài ra, rượu còn hoạt động như một loại hóa chất làm giãn mạch máu, khiến máu chảy nhiều hơn vào da, bàn tay và bàn chân.
Vì thế mà sau khi uống rượu nhiều người sẽ cảm thấy ấm nóng dần lên, nhưng thực chất nhiệt độ cơ thể không tăng lên.
Vậy nên, quan niệm uống rượu trong những ngày lạnh để làm ấm nóng cơ thể là quan niệm sai lầm và có thể gây hại cho sức khỏe, thậm chí dẫn đến tử vong.
Tôi đã từng gặp trường hợp bệnh nhân gần phòng khám, tối hôm trước còn nhậu nhẹt, uống rượu cùng bạn bè, sáng hôm sau đã tử vong, mà theo người nhà kể lại thì bệnh nhân này bị đột quỵ sau khi uống rượu”.
Theo PGS.TS Tạ Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai, quan niệm uống rượu làm ấm người trong những ngày lạnh là quan điểm hoàn toàn sai lầm và phản khoa học.
Đặc biệt, uống rượu trong thời tiết giá lạnh mà còn mặc quần áo không đủ ấm sẽ cực kỳ nguy hiểm, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Bởi khi uống rượu, các mạch máu giãn ra, gặp trời lạnh, mạch đột ngột co lại gây tăng huyết áp, dẫn đến tai biến, đột quỵ và dễ dẫn đến từ vong.
Nhất là khi chẳng may mua phải rượu trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì rất dễ bị ngộ độc rượu, nguy cơ tử vong cao.
Phòng ngừa đột quỵ trong mùa lạnh như thế nào?
Để phòng ngừa đột quỵ trong những ngày lạnh, tốt nhất không nên sử dụng rượu, bia và cần phải giữ ấm cơ thể.
Với người mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu… cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây tai biến, đột quỵ não bằng cách theo dõi và điều trị bệnh theo chỉ định của bác sĩ.
Khi trời lạnh đột ngột, tốt nhất những người đang mắc các bệnh lý về tim mạch, huyết áp, người có sức khỏe yếu nên hạn chế ra ngoài, nếu bắt buộc phải ra ngoài đường, tiếp xúc với trời lạnh, tốt nhất nên mặc đủ ấm.
Về chế độ dinh dưỡng phòng tránh đột quỵ, người bệnh nên ăn nhạt, tuân thủ chế độ dinh dưỡng của bác sĩ khuyến cáo với căn bệnh của mình, hạn chế muối, đồ ăn nhiều mỡ, phủ tạng động vật.
Đồng thời cần bổ sung thêm nhiều rau xanh, quả chín, uống đủ nước (khoảng 2 lít nước/ngày).
Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ
Khi có 4 dấu hiệu dưới đây (FAST) cảnh báo người thân có thể bị đột quỵ não, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
F (Face): Đầu tiên là biến đổi ở mặt, bệnh nhân có thể liệt mặt, méo miệng, nhân trung lệch đi, biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng.
A (Arm): Yếu liệt tay chân. Đánh giá bệnh nhân có bị yếu hoặc liệt một bên hay không bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao. Bệnh nhân không nâng tay lên được, nếu nâng được cũng rất khó.
S (Speech): Ngôn ngữ bất thường, nói khó.
T (Time): Khi xuất hiện bất kỳ các triệu chứng trên một cách đột ngột hãy nhanh chóng gọi cấp cứu 115, đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.