Đột quỵ là gì?
Theo TS.BS Trương Lê Tuấn Anh, Phó trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não, Bệnh viện Nhân Dân 115: Bệnh đột quỵ não thường khởi phát đột ngột với những triệu chứng như: Méo miệng, nói khó hay không nói được, yếu liệt tay chân cùng bên, dị cảm nửa người, mất thị lực (đặc biệt ở 1 mắt), chóng mặt, mất thăng bằng…
Có 2 dạng đột quỵ não, một là đột quỵ vỡ mạch máu não (chiếm tỷ lệ khoảng 20% ca đột quỵ) làm máu chảy vào nhu mô não, khoang dưới nhện hay não thất.
Máu tụ lại thành huyết khối. Sự chèn ép, tăng áp lực nội sọ đồng thời thiếu máu nuôi làm một hay vài khu mô não bị hoại tử. Tăng huyết áp là nguyên nhân thường gặp nhất.
Loại thứ hai là đột quỵ nhồi máu não (chiếm tỷ lệ khoảng 80% ca đột quỵ). Loại đột quỵ này do cục máu đông tại chỗ của động mạch não hay cục máu đông từ xa chuyển đến gây tắc động mạch não, vùng mô não do động mạch đó cấp nuôi dưỡng bị thiếu máu và hậu quả là bị hoại tử.
Làm gì khi người thân bị đột quỵ não?
Với người bị đột quỵ não thời gian là vàng. Bởi, 1 phút não không được nuôi dưỡng thì sẽ có khoảng 2 triệu neuron (tế bào thần kinh) chết.
Và việc được cấp cứu, tái thông kịp thời thì khả năng phục hồi chức năng tốt sau 3 tháng gấp 4,4 lần so với không tái thông.
Vậy nên khi người thân bị đột quỵ não hoặc phát hiện người bị đột quỵ não cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế có điều kiện chữa trị để cấp cứu kịp thời.
Tuyệt đối không để bệnh nhân té ngã, chấn thương. Trong lúc chờ gọi xe đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế thì cần để bệnh nhân nằm nghiêng qua 1 bên nếu có nôn ói, móc hết đàm nhớt cho bệnh nhân dễ thở.
Bác sĩ Tuấn Anh cũng khuyến cáo, tuyệt đối không tự ý cho người bệnh uống, nhỏ thuốc hạ áp hay bất kỳ một thuốc nào khác; không để nằm chờ xem bệnh nhân có khỏe lại hay không; không cạo gió, cắt lể, chích máu đầu ngón tay...
Vì làm như vậy có thể làm cho bệnh tình của người bệnh thêm nặng nề, dễ xảy ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Thay đổi 6 yếu tố giúp phòng ngừa đột quỵ não
Mặc dù bệnh đột quỵ não gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng bệnh có thể phòng ngừa được nếu kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ.
Theo bác sĩ Lê Tuấn Anh, có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ não, trong đó có những yếu tố không thay đổi được như:
- Tuổi tác: đột quỵ xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nhưng tuổi càng tăng thì nguy cơ đột quỵ càng lớn
- Giới tính: nguy cơ đột quỵ ở nữ giới cao hơn nam giới, nguyên nhân là do nữ sử dụng thuốc ngừa thai và mang thai)
- Di truyền và chủng tộc
- Tiền sử đột quỵ: Có nguy cơ đột quỵ tái phát cao hơn người chưa đột quỵ
Bên cạnh đó là những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được để phòng ngừa đột quỵ não. Đó là 6 yếu tố nguy cơ sau:
- Tăng huyết áp
- Rối loạn lipid (mỡ) máu
- Hút thuốc lá
- Thừa cân/ Béo phì
- Giảm dung nạp đường/ Đái tháo đường
- Lười vận động
Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể là yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ não như: Căng thẳng, estrogen, tăng đông máu, rối loạn các thành phần Apo Protein máu, uống rượu quá mức (giới hạn trong việc uống rượu bia điều độ là < 2 ly/ ngày/ nam và 1 ly/ ngày/ nữ), hói sớm và nhiều đỉnh đầu ở nam, mãn kinh sớm ở nữ…
Để phòng ngừa đột quỵ não hiệu quả cần kiểm soát và điều trị các yếu tố nguy cơ đột quỵ có thể thay đổi gồm: Tăng huyết áp, phát hiện sớm và điều trị bệnh tim, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu, hẹp động mạch chủ có triệu chứng.
Đồng thời nên khám sức khỏe định kỳ 3 - 6 tháng để tầm soát bệnh, uống đúng theo đơn của bác sĩ, chỉ ngưng thuốc khi có ý kiến của bác sĩ.
Hình thành một chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau xanh và trái cây, uống nhiều nước, giảm lượng muối, tránh ăn chất béo bão hòa, duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp cũng giúp phòng ngừa đột quỵ hiệu quả.
Thêm vào đó là việc thay đổi lối sống: Cai thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, giảm stress bằng cách giải tỏa bớt áp lực công việc, tạo cuộc sống lành mạnh bên người thân, tập thể dục đều đặn ngày 30 - 60 phút/ 5 ngày/ tuần.
K.QuyBạn đang xem bài viết Thay đổi ngay 6 nguy cơ hàng ngày để ngăn ngừa đột quỵ hiệu quả tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].