Dưới đây là một số mẹo sơ chế và khử mùi hôi vịt cực kỳ hiệu quả, bạn nên tham khảo!
Sơ chế vịt
Bước một: Làm sạch lông
Đổ nước sôi ra chậu, cho vào một ít vôi hoặc lá khế sau đó nhúng con vịt ngập vào nước, nhanh tay nhổ lông. Lưu ý, miết tay sát da để lông măng, lông tơ sạch dễ hơn.
Bước hai: Cắt bỏ phao câu
Phao câu vịt rất hôi lại nhiều chất độc tích tụ, vì thế khi sơ chế bạn nên cắt bỏ hẳn phần này.
Mẹo khử mùi hôi của vịt
Khử mùi hôi của vịt bằng muối, gừng
Để thịt vịt không hôi, sau khi làm sạch lông vịt, bạn hãy xát một chút muối lên toàn bộ da, chà xát kỹ càng. Bằng cách này, lông măng còn sót lại hay lớp da "cáy" bẩn phía ngoài cũng sạch sẽ, đồng thời mùi hôi của vịt cũng giảm đi đáng kể.
Sau khi xát kỹ vịt bằng muối, bạn tiếp tục lấy gừng giã nhỏ chà lần nữa lên vịt, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Đảm bảo vịt sẽ hết hẳn mùi hôi đặc trưng.
Ngoài ra, khi luộc vịt, bạn nên đập một hai nhánh gừng vào nồi nước luộc, vừa khiến vịt hết mùi hôi, đồng thời giúp thịt vịt thơm hơn nhiều đó.
Khử mùi hôi của vịt bằng giấm
Bạn hãy hòa muối và giấm với nhau thành hỗn hợp. Sau khi đã sơ chế vịt sạch sẽ, xát sạch sẽ cả bên trong và bên ngoài con vịt nhiều lần, mùi hôi sẽ hết ngay.
Khử mùi hôi của vịt bằng chanh
Nếu không sẵn có những nguyên liệu trên, bạn cũng có thể sử dụng chanh để xử lý mùi hôi của vịt. Chỉ cần cắt đôi và chà xát kỹ lên vịt là được, rất đơn giản và nhanh chóng.
Ngoài ra, bạn nên tham khảo một số mẹo nhỏ để chọn được vịt ngon dưới đây
Nên chọn những con vịt trưởng thành, đẫy đà, chắc thịt, vì vịt non hôi và thịt nhũn, ăn sẽ không ngon, khi làm lông cũng mất thời gian hơn nhiều.
Với những người thích ăn vịt hơi dai, nên chọn vịt đã đẻ qua vài lứa, những con vịt này thường có bụng dưới xệ xuống.
Nên chọn vịt đực sẽ ngon hơn vịt cái. Để biết vịt có bị bệnh không thì khi mua bạn vạch lông đuôi xem hậu môn có bị dính phân chảy không. Nếu không có là vịt khỏe mạnh.
Nếu là vịt mua sẵn, dùng tay ấn nếu thấy thịt rắn tức là thịt tươi, mới mổ.
Nếu thấy lườn vịt và đùi vịt căng bóng thì đừng nên mua, hay khi dốc ngược con vịt, thấy nó bị biến dạng thì đó là vịt bơm nước. Bạn ấn vào đùi và lườn mà thấy bập bùng, nhão là vịt đã bị bơm.
Nếu vịt quá già lâu mềm thì bạn hãy cho một ít tủy heo vào nước luộc vịt, thịt sẽ mau nhừ hơn.
Lưu ý: Nếu bạn để ý thì khi làm vịt xong, thịt vịt rất dễ bị đen nếu bảo quản không tốt. Vì thế, bạn hãy cho cả con vịt vào nước lã khoảng 20 phút khi làm vịt để thịt trắng tươi, khi chế biến trông cũng hấp dẫn hơn.
Thịt vịt rất ngon và giàu dinh dưỡng, chỉ với một vài mẹo nhỏ dưới đây, bạn đã có thể chọn và chế biến được nhiều món ngon rồi, hãy thực hành ngay nhé!
Thạch ThảoBạn đang xem bài viết Trước khi nấu vịt, hãy 'tắm vịt' trong hỗn hợp này đảm bảo hết mùi hôi, thịt thơm ngon hết sảy tại chuyên mục Cẩm nang của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].