Báo Điện tử Gia đình Mới

Trồng dược liệu, đồng bào Lào Cai đổi đời

Nhờ trồng các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như Thất diệp nhất chi hoa, Tam thất bắc, Cát cánh, Đương quy, Sâm bố..., nhiều nông dân tỉnh Lào Cai đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Đổi đời nhờ trồng Dược liệu

Nhà anh Sùng Seo Thìn (thôn Ngải Số, xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà tỉnh Lào Cai) vừa làm 2 việc lớn là xây nhà và mua một chiếc ô tô tải. Đó là kết quả khi anh mạnh dạn chuyển đổi trồng 2 ha ngô và lúa sang trồng Tam thất và Thất diệp nhất chi hoa từ năm 2019.

“Trước đây nhà mình chỉ trồng ngô và lúa, vụ nào được mùa thì đủ ăn còn mất mùa thì bữa đói bữa no. Từ khi được hướng dẫn trồng cây dược liệu, thu nhập cao hơn trước. 6 con nhỏ của mình đều được đến trường”.

Gia đình anh Sùng Seo Thìn phát triển kinh tế nhờ trồng dược liệu.

Gia đình anh Sùng Seo Thìn phát triển kinh tế nhờ trồng dược liệu.

Vườn tam thất của gia đình anh Sùng Seo Thìn cây nào cũng cứng cáp và xanh tốt. Bên cạnh được lựa chọn trồng ở vùng đất tơi xốp, được chăm sóc đầy đủ, việc sinh trưởng mạnh khỏe của vườn tam thất này còn xuất phát từ lợi thế là được trồng dưới tán rừng thông đã hơn chục năm tuổi nên luôn có độ ẩm cần thiết, không bị ảnh hưởng của nắng gắt hay trời mưa lớn.

Hiện nay, cây tam thất ngoài việc để thu hoa và củ thì anh Sùng Seo Thìn còn mạnh dạn liên kết với một số nhà đầu tư nghiên cứu và thành công trong việc sản xuất tam thất giống, đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân ở các tỉnh thành trong cả nước, qua đó, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình đồng thời tạo thêm việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Nhờ trồng cây tam thất dưới tán rừng, anh Thìn còn góp phần quan trọng trong việc cùng lực lượng chức năng bảo vệ để rừng khỏi bị chặt phá.

HTX Cồ Dề Chải (Thôn Cồ Dề Chải, xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà) đang có gần 200 hộ nông dân với gần 500 thành viên tham gia vào sản xuất dược liệu. Thành lập từ năm 2018, Hợp tác xã được hình thành từ các xã viên là người dân tộc H’Mông, Phù Lá và một số nhà nghiên cứu khoa học, có kinh nghiệm về các bài thuốc, vị thuốc quý vùng núi cao, có nhu cầu về nguồn dược liệu sạch đã tập hợp thành một tập thể có khát khao bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu tự nhiên quý hiếm, hướng tới lợi ích của người dùng.

Hợp tác xã Nông nghiệp Cồ Dề Chải sở hữu vùng nguyên liệu gần 100ha với nhiều mô hình bảo tồn gen giống và thuần hoá giống dược liệu quý cho phù hợp với khí hậu của từng vùng trong nhiều khu vực miền núi phía Bắc. như: Thất diệp nhất chi hoa, Tam thất bắc, Cát cánh, Đương quy, Sâm bố…

Nhiều gia đình đã tham gia Hợp tác xã Cồ Dề Chải để trồng dược liệu.

Nhiều gia đình đã tham gia Hợp tác xã Cồ Dề Chải để trồng dược liệu.

Ông Đặng Quang Trung (Ban chủ nhiêm Hợp tác xã cho biết), Hợp tác xã kết hợp với chính quyền địa phương, các hộ nông dân để thành lập các tổ nhóm liên kết sản xuất. Hợp tác xã ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho các tổ nhóm. Căn cứ vào bảng đăng ký chủng loại dược liệu và diện tích trồng của bà con đã đăng ký theo Hợp đồng để cấp giống, vật tư phân bón, phân công cán bộ hướng dẫn, giám sát kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc đến khâu thu hoạch. Sau khi thu hoạch, HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm các tổ nhóm sản xuất được.

“Trước đây, khi chưa tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, các hộ dân 100% trồng ngô và lúa, thu nhập thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn. Từ khi tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, thu nhập của các hộ dân tăng từ 50-60%, nhiều hộ gia đình đã xây được nhà mới, mua được xe máy, con cái được học hành đầy đủ. Đặc biệt người phụ nữ dân tộc thiểu số sau khi tham gia liên kế chuỗi, thu nhập ổn định đã dần dần tự tin chủ động hơn trong công việc, bước đầu đã được tham gia vào các quyết định quan trọng trong gia đình và được đàn ông gia đình tôn trọng.

Ngoài ra, tham gia liên kết chuỗi, các hộ dân thường xuyên được đi tập huấn, giao lưu học hỏi nâng cao kiến thức trồng dược liệu cũng như kiến thức xã hội. Một số cá nhân tiêu biểu được đưa về TP Lào Cai, TP Hà Nội tham dự các buổi lễ tuyên dương, tham gia các khoá đào tạo nâng cao…

Từ các hoạt động đó, trình độ của đại đa số thành viên được nâng cao, nhận thức về các hủ tục tại địa phương có phần thay đổi , thu nhập ổn định đã làm cho đời sống của họ thay đổi ngày một tốt đẹp hơn”.

Lào Cai chú trọng phát triển cây dược liệu, nâng cao đời sống nhân dân

Lào Cai có dân số trên 76 vạn người, có 25 dân tộc anh em cùng chung sống, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 64,1% tổng số dân. Tỉnh Lào Cai luôn được đánh giá là tỉnh tiên phong trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo và không ngừng nâng cao đời sống người dân, chú trọng đến đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Lào Cai, toàn tỉnh hiện có 3.750 ha cây dược liệu. Trong đó, trồng mới cây dược liệu hằng năm theo kế hoạch giao năm 2023 là 890 ha, đến nay thực hiện đạt 536,2 ha, bằng 60,2% kế hoạch, bao gồm: Atiso, đương quy, cát cánh, chùa dù, tía tô, cỏ ngọt…; cây dược liệu lâu năm 3.215 ha gồm: Sa nhân tím, chè dây, giảo cổ lam, hồi, đại bi, khôi nhung...

Từ đầu năm đến nay, người dân thu hoạch được khoảng trên 14.180 tấn sản phẩm dược liệu tươi (trong đó, sản lượng cây dược liệu hằng năm đạt 4.914 tấn, sản lượng cây dược liệu lâu năm đạt trên 9.266 tấn), giá trị ước trên 350 tỷ đồng.

Lào Cai chú trọng phát triển cây dược liệu, nâng cao đời sống nhân dân.

Lào Cai chú trọng phát triển cây dược liệu, nâng cao đời sống nhân dân.

Lào Cai được quy hoạch là 1 trong 8 vùng trọng điểm về sản xuất cây dược liệu trên cả nước. Lào Cai hiện có khoảng 70 loại cây dược liệu quý cần được bảo tồn và hơn 850 loại cây dược liệu làm thuốc. Ngoài thu hái, khai thác dược liệu làm thuốc, việc trồng các loại cây này còn hỗ trợ phát triển du lịch trải nghiệm.

Trong số 3.550ha trồng cây dược liệu, có 210ha với 13 loại cây được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên GACP. Đặc biệt, toàn tỉnh có 25 sản phẩm đạt OCOP.

Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2030, đưa cây dược liệu trở thành cây chủ lực trong phát triển nông nghiệp; đưa diện tích và chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế trên địa bàn tỉnh lên 22 chủng loại chính; 100% diện tích và sản lượng cây dược liệu của vùng quy hoạch đảm bảo tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO) và được tổ chức theo chuỗi khép kín từ quản lý sản xuất đến tiêu thụ và chế biến sản phẩm để mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững.

 Để đạt được mục tiêu, trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai chú trọng phát triển sản xuất dược liệu gắn với hoạt động du lịch sinh thái, phát huy các thế mạnh của địa phương, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững; xây dựng thương hiệu và cấp mã cho các vùng trồng cây dược liệu gắn với thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm, tạo ra sản phẩm làm quà cho du khách mang nét đặc trưng riêng của Lào Cai. Đồng thời, xây dựng mới các mô hình theo hướng bảo tồn và phát triển cây dược liệu bền vững; đồng thời, địa phương tiếp tục chuyển giao công nghệ, khuyến nông đào tạo tập huấn cho nông dân về sản xuất dược liệu an toàn, chất lượng để đáp ứng yêu caầu thu mua của doanh nghiệp

Việt Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO