Cây dược liệu tạo sinh kế, giúp xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Giá trị từ các vườn cây dược liệu đã từng bước giúp đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Thoát nghèo nhờ trồng dược liệu

Ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) người dân khi nói về cây dược liệu đều nhận xét là cây 3 trong 1 (cây thoát nghèo, cây làm giàu và cây chủ lực). Thực tế là nhờ trồng dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh, nhiều người dân đã thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã phát triển được gần 3.000ha cây dược liệu, trong đó có hơn 1.710ha sâm Ngọc Linh. Trong 3 năm qua, trên địa bàn có gần 2.000 hộ thoát nghèo, trong đó phần lớn nhờ vào trồng, mua, bán dược liệu.

Điển hình là ở xã Ngọc Lây, trên địa bàn xã hiện đã có 267/514 hộ trồng sâm Ngọc Linh, nhiều nhất là tại thôn Lộc Bông gần như 100% hộ dân đều trồng sâm Ngọc Linh. Các hộ dân thành lập lại thành nhóm hộ cùng trồng, chăm sóc và bảo vệ cả ngày, lẫn đêm. Cùng với phát triển sâm Ngọc Linh, ở xã Ngọc Lây có khoảng 250 hộ tham gia trồng cây dược liệu. Các mô hình trồng và phát triển dược liệu đã mang lại giá trị cao hơn so với các loại cây truyền thống như cây mì, lúa nước.

Theo báo cáo của UBND xã Ngọc Lây, nhờ thu nhập từ cây dược liệu và sâm Ngọc Linh nên năm 2022, trên địa bàn xã giảm được 63 hộ nghèo, đạt tỷ lệ 13,54%.

Người dân Tu ma rông thoát nghèo nhờ trồng sâm Ngọc Linh.

Người dân Tu ma rông thoát nghèo nhờ trồng sâm Ngọc Linh.

Gia đình chị Sùng Thị Cúc, dân tộc Mông, ở bản Sảng Phìn, xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu từng là hộ nghèo nhất bản. Chỉ cách đây vài năm, cuộc sống của gần 10 nhân khẩu trong gia đình chị phụ thuộc hoàn toàn vào mấy mảnh nương lúa một vụ. Cuộc sống thiếu trước, hụt sau kéo dài nhiều năm, nên gia đình thường xuyên phải nhờ vào nguồn gạo cứu đói mùa giáp hạt của Nhà nước.

Chị Sùng Thị Cúc tâm sự, do không có thu nhập nên chồng chị phải đi làm công nhân công ty ở tận Bắc Ninh. Ở nhà, còn chị và đứa con gái đầu là lao động chính, nhưng đất ít quá nên trồng lúa, ngô cũng chỉ đủ ăn. Những năm gần đây, khi được nhà nước hỗ trợ giống, phân bón, chị đã trồng được hơn 1.000m2 cây đương quy và atiso trên mảnh nương gần nhà. Dược liệu cho thu hoạch, được tiểu thương đến tận đồi thu mua và hai mẹ con cũng đi làm thuê cho công ty dược liệu trên địa bàn, nên giờ đã thoát được nghèo.

Giờ gia đình tôi có 9 khẩu, trước kia, tôi ở nhà trồng ngô, trồng lúa mà không đủ ăn và không có thu nhập. Nay vườn cây dược liệu của gia đình cũng cho thu nhập, hai mẹ con đi làm cho công ty nữa nên cũng có lương hàng ngày. Từ khoản tiền tích cóp của chồng và thu nhập của hai mẹ con, vừa qua, gia đình tôi cũng sửa được nhà và mua một số vật dụng sinh hoạt trong gia đình”, chị Sùng Thị Cúc phấn khởi.

Thúc đẩy phát triển vùng trồng dược liệu quý vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tạo sinh kế cho đồng bào

Đây là một nội dung trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Theo chương trình, giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025 sẽ đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu quý được triển khai thí điểm theo hình thức dự án liên kết chuỗi giá trị tại 22 huyện của 21 tỉnh, với 18 dự án vùng trồng dược liệu quý và 4 dự án Trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao.

Thúc đẩy phát triển vùng trồng dược liệu quý vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tạo sinh kế cho đồng bào.

Thúc đẩy phát triển vùng trồng dược liệu quý vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tạo sinh kế cho đồng bào.

Theo PGS. TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Y dược cổ truyền, đây là lần đầu tiên phát triển dược liệu trong nước được Chính phủ quan tâm đầu tư để nhằm phát triển tiềm năng lợi thế gắn với phát triển kinh tế - xã hội thông qua Chương trình MTQG dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Dự án sẽ đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc tiểu dự án; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

“Đây là một quyết sách mang tính chiến lược trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn phát triển dược liệu với sinh kế của người dân. Hiện các ngành đang hoàn thành tất cả công tác chuẩn bị để kịp thời lựa chọn chuỗi giá trị dược liệu, chủ trì liên kết triển khai thực hiện nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu của dự án trong giai đoạn 2021 - 2025”, PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh nhấn mạnh.

Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành danh mục 100 loại dược liệu quý, xây dựng lộ trình hỗ trợ các tỉnh triển khai nội dung Tiểu dự án 2, dự án 3 đầu tư hỗ trợ cho phát triển vùng trồng dược liệu giai đoạn 2021-2030.

Mới đây, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 55/2023 quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, trong đó Nhà nước sẽ hỗ trợ tới 1 tỷ đồng/dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý ở miền núi.

V.Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính