Tận dụng 'lợi thế' lớn vùng đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển dược liệu: Hướng đi đúng đắn

Minh Phương - Lý Lĩnh
Phát triển dược liệu trong nước được Chính phủ quan tâm đầu tư nhằm phát triển tiềm năng, lợi thế gắn với phát triển kinh tế - xã hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đánh thức tiềm năng dược liệu vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Phong Thổ (Lai Châu) là huyện biên giới có diện tích rừng lớn (trên 46.000ha), độ che phủ rừng đạt 44,25%. Nhiều nơi trong huyện có độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển cây Sâm Lai Châu bởi loại cây này phân bố nhiều ở độ cao 1.400 - 2.200m so với mực nước biển.

Với mục tiêu phát triển bền vững Sâm Lai Châu trên cơ sở tận dụng mọi tiềm năng, lợi thế của huyện, thời gian qua, huyện Phong Thổ đã rà soát, đánh giá diện tích các khu vực có điều kiện phù hợp để gây trồng, phát triển Sâm Lai Châu thu hút các nhà đầu tư theo quy định.

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hiện trên địa bàn huyện Phong Thổ có 179,240m2 Sâm Lai Châu. Trong đó, có 8 HTX, doanh nghiệp đã trồng được 96,090 m2, còn lại là diện tích trồng rải rác của các hộ gia đình ở các xã: Mồ Sì San, Sì Lở Lầu, Tung Qua Lìn, Dào San, Bản Lang. Hầu hết diện tích Sâm đã trồng đều phát triển tốt.

Ông Trần Bảo Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: Tiềm năng phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện rất lớn. Hiện nay huyện đang từng bước triển khai trồng và đánh giá hiệu quả qua từng năm. Nếu hiệu quả kinh tế được khẳng định sẽ tiến hành mở rộng thêm diện tích và vận động nhiều hộ dân tham gia hơn nữa. Đồng thời, việc phát triển cây dược liệu phải đảm bảo phù hợp với từng vùng sinh thái, trên cơ sở sử dụng hiệu quả mọi tiềm năng về điều kiện tự nhiên, xã hội gắn với bảo tồn, khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu.

Đánh thức tiềm năng dược liệu vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đánh thức tiềm năng dược liệu vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Hay tại huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). Đây là một huyện miền núi cao, nằm ở phía Tây của tỉnh Quảng Nam, tổng diện tích đất tự nhiên là 82.253ha; trên 97% dân số của huyện là người dân tộc thiểu số. Rừng tự nhiên còn nhiều chiếm trên 65%, độ che phủ rừng cao đạt gần 60%; đặc biệt có đỉnh Ngọc Linh cao 2.598 mét quanh năm mây phủ, khí hậu ôn hòa, tầng đất mặt của rừng ít bị bào mòn, lượng mưa nhiều rải đều trong năm độ ẩm cao, đất đai rất thích hợp cho cây trồng sinh trưởng, nhất là đối với cây dược liệu quí hiếm bản địa như: Sâm Ngọc Linh, Thất diệp nhất chi hoa, Lan kim tuyến, Đảng sâm, Đương quy, Quế Trà My và rất nhiều loại cây dược liệu khác.

Tính từ năm 2016 đến nay, tốc độ phát triển trồng sâm Ngọc linh (sâm Việt Nam) tăng khoảng 900% với diện tích đã trồng trên 2.000ha, tại 53 chốt hơn 1.200 hộ tham gia. Hằng năm từ các vườn trồng sâm đã cho ra hạt giống đạt khoảng 1 triệu hạt. Đã thành lập Trung tâm Sâm Ngọc Linh, Trại giống Sâm Ngọc Linh với diện tích 100ha nhằm bảo tồn nguồn gen gốc, công tác đảm bảo an ninh sâm và việc phòng, ngừa dịch bệnh trên cây Sâm Ngọc Linh được chỉ đạo thực hiện quyết liệt.

Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị dược liệu

Nhằm góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập cho bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Trong đó có nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu quý được triển khai thí điểm theo hình thức dự án liên kết chuỗi giá trị tại 22 huyện của 21 tỉnh, với 18 dự án vùng trồng dược liệu quý và 4 dự án Trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao.

Ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cho biết tiềm năng phát triển ngành dược liệu ở Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên hầu hết các loài cây dược liệu đều sinh trưởng bên trong rừng phòng hộ, dưới tán rừng, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Việc trồng dược liệu diễn ra ở quy mô nhỏ lẻ, rải rác ở cấp hộ gia đình. Do đó, tận dụng 'lợi thế' lớn vùng đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển dược liệu cũng như tạo sinh kế để người dân nơi đây thay đổi cuộc sống tốt hơn từ dược liệu là quyết sách mang tính chiến lược.

Đây cũng là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với việc phát triển vùng trồng dược liệu quý tại vùng đồng bào sinh sống tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn phát triển dược liệu với sinh kế của người dân.

Theo Cục trưởng, mục tiêu đặt ra về phát triển vùng dược liệu quý là bước đầu hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý; hình thành ý thức nuôi trồng dược liệu theo chuỗi giá trị và bảo tồn nguồn gen dược liệu, đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Liên kết “4 nhà” để phát triển dược liệu

PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi muốn thành công cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa 4 nhà (nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp và người dân). Mối quan hệ của 4 nhà sẽ thúc đẩy phát triển dược liệu bền vững.

Liên kết “4 nhà” để phát triển dược liệu.

Liên kết “4 nhà” để phát triển dược liệu.

Trong mối quan liên kết "4 nhà" thì vai trò của nhà quản lý là cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trồng dược liệu ở miền núi; chính sách khuyến khích mạnh hơn nữa để người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; chính sách khuyến khích người dân sử dụng các bài thuốc Đông y; cần truyền thông tốt hơn nữa về vấn đề việc sử dụng các thuốc Đông y trong việc chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, nâng cao sức khỏe…

Vai trò của các nhà khoa học là nghiên cứu để cho ra những bài thuốc, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp tốt nhất từ các loại dược liệu được nuôi trồng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. 

Vai trò của các doanh nghiệp là kết hợp với các nhà khoa học để tạo ra các sản phẩm tốt. Đồng thời, doanh nghiệp cần tìm đầu vào, đầu ra cho các loại dược liệu để duy trì phát triển bền vững vùng dược liệu. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần phải tiến hành tập huấn, hướng dẫn người dân nuôi trồng chăm sóc dược liệu đúng cách.

Còn vai trò của người dân tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi là tham gia trồng dược liệu, các sản phẩm đồng bào làm ra được doanh nghiệp thu mua. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên chính mảnh đất của họ.

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính