Tuy nhiên, cả hai cách này của cha mẹ càng khiến trẻ bị rơi vào tình trạng khó kiểm soát cân nặng. Chưa kể, nó có thể kéo theo hàng loạt các nguy cơ khiến trẻ mắc bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh ung thư về đường tiêu hóa.
Ngay cả khi cha mẹ hãm con ăn uống, nếu không đúng cách có thể khiến trẻ mắc chứng chán ăn tâm lý - một bệnh khó chữa và vô cùng nguy hiểm.
Béo phì mầm mống của nhiều loại bệnh
Bé N.M.A (8 tuổi, 38 kg, Nam Từ Liêm, Hà Nội), có thân hình mập mạp hơn hẳn các bạn đồng trang. Thế nhưng, trong một năm, bé A. 2 lần bị gẫy tay dù chỉ ngã rất nhẹ, chưa kể, bé bị sún cụt răng.
Nghi ngờ con thiếu canxi, bố mẹ bé A. đưa con đi khám và được bác sĩ cho biết bé bị còi xương thể bụ. Tại đây, các bác sĩ giải thích, những biểu hiện xương dễ gẫy, răng sún… là biến chứng dễ thấy ở trẻ béo phì thiếu hụt canxi, vitamin D.
Cũng có thân hình tròn trịa, bé P.T.K (10 tuổi, Yên Hòa, Cầu Giấy) gần đây liên tục sút cân hay kêu mệt mỏi. Nhập viện, bé K. được bác sĩ chẩn đoán bị tiểu đường tuýp 2 ở thể nhẹ.
Theo các bác sĩ, với cân nặng hơn 40 kg, K. chớm béo phì và bị rối loạn chuyển quá từ việc thừa cân. Cùng với chế độ ăn, vận động thiếu khoa học, vô tình, năng lượng nạp vào biến thành chất “độc”.
Tuy nhiên, ngoài dễ mắc các bệnh không lây nhiễm kể trên, theo TS BS Nguyễn Trọng Hưng - Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, trẻ thừa cân có nhiều nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, cao huyết áp…
Đáng nói, trẻ có thể mắc những căn bệnh ung thư trực tràng, dạ dày, ung thư gan… nếu vẫn duy trì thói quen ăn uống quá nhiều đồ xào nướng hay đồ dầu mỡ.
Theo bác sĩ chia sẻ, mặc dù ở nước ta chưa tiến hành nghiên cứu chi tiết về vấn đề này nhưng tại các quốc gia khác, điển hình như Mỹ đã chỉ ra 40% trẻ béo phì có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư. Hay như với nghiên cứu tại Đan Mạch, trẻ béo phì khi lớn lên dễ mắc ung thư gan hơn trẻ có cân nặng chuẩn.
Với chế độ ăn uống bất hợp lý, ăn quá nhiều dầu mỡ, đồ xào rán, ăn ít chất xơ có thể khiến cơ quan tiêu hóa của trẻ bị quá sức cũng chính từ đó, kéo theo các nguy cơ về bệnh ung thư.
Ngoài ra, như kết quả nghiên cứu của Đan Mạch chỉ ra, số khối cơ thể ở độ tuổi còn nhỏ dẫn tới tăng nguy cơ ung thư biểu mô tế bào gan khi trưởng thành.
Cần tránh bẫy chán ăn tâm lý
Ngoài vấn đề liên quan đến hocmon, u mô bất thường, phần lớn, trẻ béo phì là hệ quả của lối sống thiếu khoa học, ăn quá nhiều nhưng ít vận động. Chưa kể, nhiều bậc phụ huynh có quan niệm sai lệch về béo – gầy ở trẻ.
“Nhiều cha mẹ nuôi con theo kiểu dự phòng, tức là nuôi con mập mạp với suy nghĩ con đi học sẽ ốm và gầy bớt. Tuy nhiên, khi đi học, trẻ không ốm mà vẫn duy trì một thói ăn nhiều chất dinh dưỡng, ít tập thể lực khiến cân nặng tăng một cách khó kiểm soát”, bác sĩ Hưng cho biết.
TS Nguyễn Trọng Hưng khuyến cáo, khi trẻ tăng cân quá nhanh trong thời gian ngắn, phải thay đổi kích cỡ quần áo liên tục thì cha mẹ nên cho trẻ đi khám, tư vấn bác sĩ để được chẩn đoán rõ ràng nhất. Với trẻ có cân nặng vượt chuẩn, cha mẹ nên thay đổi chế độ ăn hợp lý, cho trẻ ăn rau nhiều hơn, giảm lượng bột đường và giảm tối đa thói quen xấu, tăng cường hoạt động thể lực.
Tuy nhiên, bác sĩ nhấn mạnh, cha mẹ không nên thay đổi một cách quá đột ngột tránh trẻ “phản đối ngầm” bằng việc ăn sau lưng. Cùng với đó, gia đình cần chủ động thay đổi cùng con vì theo bác sĩ, cha mẹ có thói quen xấu, trẻ rất dễ bị ảnh hưởng.
Cùng với đó, TS BS Nguyễn Trọng Hưng cho biết, bên cạnh việc cho ăn, chuyện “cấm” ăn ở nhiều gia đình cũng vô cùng sai lầm. Nhiều người bắt trẻ kiêng ăn quá mức, giễu cợt, “chọc quê” trẻ để trẻ bớt ăn, quá nhấn mạnh đến hình dáng trẻ, quá nhấn mạnh đến chuyện giảm cân.
Nhiều nhà bắt trẻ nhịn ăn sáng, nhịn uống nước, không uống sữa, ăn thịt, không ăn đồ ngọt. Thật ra tất cả điều này gây hại hơn là giúp trẻ.
Ngay như chuyện đồ ngọt, thường trẻ béo phì được khuyến cáo không nên ăn vì nó cung cấp nhiều năng lượng và dễ hấp thu. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, để làm được điều đó là vô cùng khó, dễ khiến trẻ nảy sinh tâm lý tiêu cực.
Với trường hợp này, cha mẹ nên chọn các đồ ăn, thức uống hay thậm chí là thuốc uống có dùng hoặc bổ sung loại đường ăn kiêng, đường không năng lượng cho trẻ sử dụng như: đường sucralose, đường alcohol, aspartam…
Theo bác sĩ, cha mẹ không nên cho trẻ kiêng khem quá mức. Khi dùng đồ ngọt cần có liều lượng nhất định để trẻ bớt cơn thèm ăn, đặc biệt tránh nguy cơ mắc bệnh chán ăn tâm lý – căn bệnh khó chữa trị và tỉ lệ tử vong cao.
Những người mắc chứng chán ăn tâm lý thường ăn ít, nhịn ăn, tập thể dục quá nặng hoặc sử dụng bất kì biện pháp nào giúp họ nôn các thức ăn đã ăn ra. Ngoài ra, trẻ luôn luôn bị ám ảnh sợ hãi tăng cân., tránh kiểm tra cân nặng, hạn chế hoặc không ăn dù đang rất đói để tránh tăng cân.
Cùng với đó, trẻ luôn có cảm nhận bất thường về ngoại hình của bản thân như việc luôn nghĩ mình béo. Vì vậy, trẻ có thể bỏ bữa và không ăn uống với mọi người. Đây là chứng bệnh khó nhận biết và chữa trị, vì vậy, nếu trong trường hợp bị nặng, có thể dẫn đến cái chết.
Hồng Ngọc
Bạn đang xem bài viết Hãm ăn có thể gây rối loạn tâm lý tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].