Tại buổi tọa đàm về Dự án Luật phòng, chống tác hại bia rượu tổ chức sáng ngày 18/4 do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Bia – Rượu- Nước giải khát Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Tiến Vỵ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu- Nước giải khát Việt Nam cho rằng: “Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) 2014, sử dụng chất có cồn ở Việt Nam nằm trong ngưỡng 5 – 7,4 lít cồn nguyên chất/người/năm và thuộc vào mức trung bình thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới”.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước Giải khát Việt Nam cũng cho rằng, nếu sử dụng rượu, bia điều độ, phù hợp với khuyến cáo của bác sĩ thì bản thân rượu, bia không có hại cho sức khỏe mà ngược lại, còn có tác dụng tốt.
“Chỉ có lạm dụng rượu, bia mới gây ra các tác hại với sức khỏe. Nguyên nhân chính gây ra tác hại hay các vụ ngộ độc là do người sử dụng dùng các loại rượu không có nguồn gốc xuất xứ, nhẫn mác, không đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm” – ông Nguyễn Tiến Vỵ nhấn mạnh.
Trong dự thảo lần 2 của Luật phòng chống tác hại của rượu bia đã đưa ra 3 phương án cụ thể về quy định thời gian được bán và không bán rượu bia. Cụ thể:
Phương án 1: các đơn vị kinh doanh được bán rượu, bia trong các khoảng thời gian: từ 11 giờ - 14 giờ; và từ 17 giờ - 22 giờ hằng ngày; trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực sân bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí du lịch.
Phương án 2 : chỉ được bán rượu, bia trong khoảng thời gian từ 6 giờ - 22 giờ.
Phương án 3: thời gian không được bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang: "Theo thống kê, hiện có gần 20 quốc gia cấm người điểu khiển phương tiện giao thông uống rượu bia và khoảng 20 nước quy định nồng nộ cồn trong máu không được vượt quá 20 miligam/100 ml.
Thông thường, chỉ cần uống 65ml rượu 40 độ, tương đương 1 chén rượu trung bình hoặc nửa lít bia, sau 30 phút, nồng độ cồn trong máu có thể đạt tới 50 miligam/100ml máu.
Ngay tại Thái Lan, quy định bán rượu bia theo giờ đã được áp dụng rất tốt, cấm bán rượu bia ngoài giờ ăn”.
Cũng theo ông Quang, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia sẽ có tác động sâu rộng tới nhiều người dân. Tuy nhiên, cũng giống như Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, sẽ cần phải có một quá trình thực hiện mới phát huy hiệu quả.
Trước đây vỏ bao thuốc lá chỉ có một mẩu rất nhỏ cho phần cảnh báo nhưng hiện nay phần cảnh báo đã chiến diện tích tới một nửa vỏ bao thuốc; điều này có tác dụng răn đe, tuyên truyền rất lớn về tác hại thuốc lá.
Cũng như vậy, với Luật phòng chống tác hại của rượu, bia; việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi của người dân, các chương trình tổ chức thường xuyên để tuyên truyền lâu dài về các tác hại thì việc sử dụng sẽ giảm đi".
Tuy nhiên, phía đại diện Hiệp hội Bia – Rượu – Nước Giải khát VN lại cho rằng, hiện nay chưa có quốc gia nào trên thế giới ban hành Luật phòng, chống tác hại của rượu bia. Có một số ít nước ban hành Luật Kiểm soát rượu, bia (Thái Lan) hoặc Luật về kiểm soát chất có cồn (Lithuania)…
Vì vậy, Việt Nam cần tăng cường tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật tới các nhà sản xuất và truyền thông nâng cao nhận thức hành vi sử dụng đồ uống có cồn, có văn hóa, không lạm dụng đồ uống có cồn. Chứ không nhất thiết phải ban hành thêm một luật nữa gây tốn kém nguồn lực và chưa tính toán được hiệu quả của nó mang lại?
“Ngoài ra, việc đánh đồng rượu, bia với thuốc lá là không phù hợp trong khi chính sách chủ trương cho 2 ngành này là hoàn toàn khác nhau. Trong khi thuốc lá là chủ trương giảm tiêu thụ do không có bất cứ phương thức nào để sử dụng thuốc lá an toàn còn rượu, bia là chủ trương để phát triển ngành một cách trách nhiệm.
Bên cạnh với mục tiêu giảm tình trạng lạm dụng, nghiện rượu bia còn sử dụng có chừng mực là hoàn toàn an toàn đến sức khỏe”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước Giải khát khẳng định.
Về đề xuất thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe trong Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, đại diện Hiệp hội Hiệp hội Bia – Rượu – Nước Giải khát VN cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bia, rượu đang chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 65%.
Việc quy định doanh nghiệp phải đóng góp thêm 1-2% trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt vào Quỹ nâng cao sức khỏe là không phù hợp với Nghị quyết của Chính phủ và sẽ làm cho doanh nghiệp đã khó khăn càng khó khăn hơn.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Tranh cãi giữa Bộ Y tế và doanh nghiệp bia rượu về việc đóng khung giờ bán tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].