Thống kê của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho thấy, uống rượu bia quá mức là nguyên nhân của 31% vụ đánh giết nhau, 33% vụ hiếp dâm, 18% tai nạn giao thông và gây ra 60 loại bệnh khác nhau.
Hơn nữa, theo PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng – TSM, Trưởng khoa Khám bệnh tổng hợp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, “những người sử dụng rượu bia bị tai nạn, khi cấp cứu sẽ gây khó khăn cho các thầy thuốc trong chẩn đoán và trong quá trình điều trị bệnh.
Ví như trong chẩn đoán, nếu người uống rượu bia bị chấn thương sọ não hoặc có những thương tích khác như chấn thương ngực, bụng… thì việc khai thác các thông tin người bệnh sẽ không chính xác.
Hoặc cũng có thể, những người khi đã có hơi men trong người sẽ không phối hợp trong quá trình khám chữa bệnh.
Hay khi người ta say rượu thì trả lời những triệu chứng của bệnh không rõ ràng, chính xác, như vậy sẽ rất khó cho các bác sĩ khi đưa ra kết luận.
Bên cạnh đó, việc dùng thuốc khi đã sử dụng rượu bia cũng gây ra nhiều hạn chế. Đánh giá tiên lượng người bệnh cũng sai sót do người bệnh không tỉnh táo.
Đó là còn chưa kể đến việc người say thường có những lời nói không hay, hành động không đẹp và cách ứng xử không đúng với nhân viên y tế.
Chính vì vậy, với những trường hợp bệnh nhân thương tích có sử dụng chất kích thích khi vào viện, chúng tôi phải sử dụng nhiều biện pháp thăm khám, làm xét nghiệm để có thể đưa ra kết quả chấn đoán chính xác nhất”.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cũng chia sẻ: “Vào dịp lễ tết, chúng tôi chủ yếu cấp cứu bệnh lý nội khoa, tác hại do rượu như xuất huyết tiêu hóa, sản rượu… Có những dịp lễ tết bệnh nhân cấp cứu vì rượu đông đến mức tôi đã phải ví bệnh phòng cấp cứu trông như vườn hoa nhiều màu sắc.
Bởi, có bệnh nhân tôi khám người vàng rộm như bông hoa mai do suy gan cấp bilirubin tăng cao vút, được người nhà bê đến sau 1 tuần nốc 20 chai rượu mà chẳng thèm ăn uống gì.
Tiếp đó là một bệnh nhân vào viện trong tình trạng từ đầu đến chân đỏ rực do dị ứng rượu pha tiết ba ba. Chúng tôi phải cấp cứu ngay lập tức không bệnh nhân tụt huyết áp và sốc phản vệ thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Có bệnh nhân vào viện bụng căng như quả bóng bay, tay bắt chuồn chuồn nằm cười khạch khạch. Khai thác tiền sử bệnh thì vợ con bệnh nhân thở dài cho biết: “Thời gian này ông ấy không uống nổi rượu nữa bác sĩ ạ, uống vào là nôn nhưng nhất quyết không bỏ”.
Còn có cả những bệnh nhân trẻ măng, người xanh như tàu lá do thiếu máu xuất huyết tiêu hóa hàng mấy ngày không thèm đến viện. Và chúng tôi lại vội vàng cho truyền máu cấp”.
Rượu được xác định là chất gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể. Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung rất dễ trở nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu ở cùng mặt bệnh.
Chính vì vậy, PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng khuyến cáo người dân hãy sử dụng rượu bia ở mức độ vừa phải, nên hạn chế ở mức thấp nhất có thể, kể cả những ngày thường hay ngày lễ hội.
Đặc biệt, khi tham gia giao thông không nên sử dụng rượu bia vì sẽ không làm chủ được mình, dễ gây tai nạn cho mình và cho những người dân vô tội khác.
Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo:
- Không lạm dụng rượu, bia và các đồ uống có cồn khác. Nếu uống rượu bia chỉ nên uống dưới 02 đơn vị cồn/ngày với nam giới, dưới 01 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới. Trẻ em dươi 18 tuổi không uống rượu bia.
- Đặc biệt không uống rượu bia khi tham gia điều khiển các phương tiện giao thông, khi vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn hoặc có các tình trạng bệnh lý phải tránh đồ uống có cồn.
- Lựa chọn rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh nguy cơ uống phải rượu giả pha cồn công nghiệp gây những vấn đề nghiêm trọng, ngộ độc khi uống phải, thậm chí tử vong.
- Trong trường hợp có uống rượu, để phòng ngừa ngộ độc rượu, cần thực hiện các nguyên tắc sau:
1. Tuyệt đối không uống rượu pha bằng cồn công nghiệp hoặc rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt hoặc tử vong.
2. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hoặc ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
3. Không uống rượu khi: Không biết rõ đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Vì sao người sử dụng rượu bia khi bị thương tích sẽ gặp khó khăn trong điều trị? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].