Hội nghị nhằm nhìn lại 9 năm đổi mới tuyển sinh từ 2015; tổng kết, đánh giá công tác tuyển sinh trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2023 và triển khai công tác tuyển sinh năm 2024, định hướng 2025.
8 điểm mới trong tuyển sinh đại học từ năm 2015 đến nay
Năm 2015 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia với mục tiêu “hai trong một” khi kết quả thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa để xét tuyển vào các trường đại học. Tuyển sinh đại học chính thức bước sang một trang mới khi không còn các kỳ thi quy mô toàn quốc theo từng khối với ba đợt thi như giai đoạn trước đó.
Nhìn lại 9 năm đổi mới tuyển sinh từ năm 2015, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thuỷ đề cập tới 8 vấn đề đổi mới.
Đó là, đổi mới tổ chức thi để xét tuyển, phương thức xét tuyển; đổi mới đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển; đổi mới ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng; đổi mới trong quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng; đổi mới trong quy trình xét tuyển và lọc ảo; đổi mới về cơ sở dữ liệu; đổi mới về chỉ tiêu tuyển sinh và một số điểm đổi mới khác như đề án tuyển sinh, xác nhận nhập học, nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến, xác nhận nhập học trực tuyến…
Tất cả những đổi mới trong công tác tuyển sinh 9 năm qua đều hướng tới mục tiêu là công tác tuyển sinh ngày càng thuận lợi, minh bạch, công bằng, tạo cơ hội cao nhất người học; các cơ sở đào tạo vừa đảm bảo tinh thần tự chủ nhưng cũng nâng cao chất lượng.
Nếu như năm 2015, số thí sinh nhập học đại học chính quy là 400.163 thí sinh thì năm 2023, con số này là 546.686. Có 3 năm 2016, 2017, 2018 số thí sinh nhập học chính quy dưới 400 nghìn; có 3 năm trên 500 nghìn là các năm 2021, 2022, 2023.
Năm 2024, công tác tuyển sinh cơ bản ổn định như những năm trước. Một số lưu ý với công tác tuyển sinh năm 2024 là tăng cường truyền thông và tăng cường hỗ trợ thí sinh; tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác tuyển sinh, thực hiện đợn giản hoá việc đăng ký xét tuyển; tiếp tục hoàn thiện quy trình và rút ngắn thời gian tuyển đợt 1…
Còn nhiều hạn chế, bất cập
Thảo luận tại hội nghị, đại diện các trường đại học đánh giá cao những đổi mới tuyển sinh trong 9 năm qua, không chỉ mang lại lợi ích cho người học mà còn tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo.
Góp ý về công tác tuyển sinh trong thời gian tới, nhiều ý kiến tập trung về quy trình xét tuyển và lọc ảo; thời gian đăng ký xét tuyển, xét tuyển sớm…
Ông Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, cho rằng những năm qua, việc lọc ảo còn mất nhiều thời gian, nên rút còn 5 ngày. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện phần mềm lọc ảo, cho các trường dùng thử.
Ông Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên, đề nghị xét tuyển sớm chỉ nên dành cho khối năng khiếu. Còn ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT, khối ngành kinh doanh vẫn chiếm tỉ lệ tuyển sinh quá cao (24% - 25%), do đó cần có điều chỉnh để thí sinh vào học những ngành cần thiết hơn.
Trong khi đó, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định đặt ra nhiều băn khoăn về tỉ lệ lựa chọn xét tuyển khối khoa học xã hội cao hơn khoa học tự nhiên. Vì thế, sở này kiến nghị Bộ GD-ĐT có giải pháp phân bổ chỉ tiêu cân đối giữa 2 khối.
Công tác tuyển sinh ngày càng đi vào ổn định, tăng trưởng bền vững
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định 9 năm qua những đổi mới này mang lại lợi ích tốt hơn cho các trường đại học và cho thí sinh. Đến nay, công tác tuyển sinh đã từng bước đi vào quy củ.
Theo Thứ trưởng, nhìn về thuận lợi và hiệu quả, mỗi năm công tác tuyển sinh có điều chỉnh lớn và nhỏ nhưng đều theo hướng ngày càng thuận lợi cho thí sinh, cơ sở đào tạo, công tác quản lý nhà nước. Việc thí sinh ở bất cứ nơi đâu, chỗ nào cũng có thể tiến hành đăng ký xét tuyển tạo sự thuận tiện, hiệu quả với các trường. Tuyển sinh ngày càng công khai và minh bạch. Mọi dữ liệu tuyển sinh, từ đề án, phương thức của nhà trường đều phải công khai, minh bạch với xã hội, người học qua các hệ thống, phần mềm…
Công tác tuyển sinh cũng cho thấy tinh thần hợp tác. Đó là sự hợp tác của các trường trong các khâu tuyển sinh như lọc ảo, xét tuyển chung… Ngoài sự hợp tác còn là sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo. Các trường tuyển sinh mạnh, thu hút được nhiều người học. Trong khi đó, các trường tuyển sinh kém sẽ phải điều chỉnh, cải tiến để tốt hơn.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cũng nhìn nhận công tác tuyển sinh giai đoạn từ năm 2015 đến nay còn nhiều hạn chế phải khắc phục. Theo đó, dù ngày càng có nhiều cơ hội xét tuyển vào đại học nhưng thí sinh cũng đối diện với những khó khăn trong việc chọn ngành, chọn trường, ghi nhớ các phương thức tuyển sinh, thời hạn đăng ký xét tuyển. Trong xét tuyển cũng phát sinh những bất cập như có tình trạng trường gọi vượt quá chỉ tiêu khiến thí sinh xét tuyển bằng các phương thức sau không có cơ hội trúng tuyển.
Ông Hoàng Minh Sơn đề nghị trong năm 2024 cần khắc phục những hạn chế, bất cập, tiếp tục duy trì ổn định, phát huy kết quả đạt được để làm đúng hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn.
Trên tinh thần đó, Bộ GD&ĐT giao Vụ Giáo dục đại học hoàn thiện kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn thiện phần mềm, cơ sở dữ liệu tuyển sinh, nhất là kết quả từ các kỳ thi đánh giá năng lực, kết quả học tập THPT hoặc kết quả thi những năm trước.
Về định hướng tuyển sinh từ năm 2025, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết cơ bản sẽ giữ ổn định những nguyên tắc chung công tác tuyển sinh trong thời gian tới, còn những bất cập về phương thức tuyển sinh, xét tuyển sớm, quy trình đăng ký và lọc ảo… cần sớm điều chỉnh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đề nghị các cơ sở đào tạo công bố phương án tuyển sinh năm 2025 trước thời điểm bắt đầu năm học mới 2024 - 2025.
V.LinhBạn đang xem bài viết Tổng kết 9 năm đổi mới tuyển sinh: Minh bạch, công bằng, tạo cạnh tranh lành mạnh tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].