Anh Steven Nelms và vợ, chị Glory đã sống với nhau được 3 năm. Khi con trai Esra của họ chào đời, cặp đôi quyết định Glory sẽ nghỉ việc để ở nhà chăm con.
Đây quả là một sự hy sinh lớn vì Glory đã bắt đầu làm việc từ năm 14 tuổi để kiếm tiền nuôi gia đình - cô đã quen với việc độc lập tài chính.
Mới đây, Steven đã viết một bài đăng cảm động về vợ mình, nhận được rất nhiều sự chú ý của cư dân mạng.
Anh tâm sự:
‘Tôi đã suy nghĩ về điều này một thời gian. Tôi đã suy tính rất nhiều về việc mình không đủ tiền ‘thuê’ vợ tôi ở nhà làm nội trợ.
Vợ tôi ở nhà, chăm sóc con trai tôi hàng ngày, thay tã, cho con ăn, chơi với con, cho con ngủ và dỗ con khi con khóc. Đó mới là những việc cơ bản thôi nhé.
Dĩ nhiên, là cha mẹ thì phải có trách nhiệm yêu thương và chăm sóc con mình, nhưng nếu thuê người giúp việc thì chúng tôi cũng sẽ phải chi trả kha khá’.
Steven nhẩm tính ‘lương nội trợ’ của vợ trong vòng một năm:
- Lương tháng cho một bảo mẫu toàn thời gian ở Mỹ là 2.820 đô la (tương đương 70 triệu VNĐ).
- Chi phí lau dọn nhà cửa: 433 đô la/tháng (khoảng 9 triệu VNĐ).
- Thuê người đi siêu thị giúp tiêu tốn khoảng 65 đô la/giờ, mỗi tuần 4 giờ, như vậy là 1.040 đô la/tháng (25,5 triệu VNĐ)
- Thuê người nấu ăn có thể tốn 240 đô la/tuần, khoảng 1.040 đô la/tháng (23,5 triệu VNĐ)
- Lương cho người quản lý tài chính là khoảng 15 đô la/giờ, làm 5 giờ/tuần, tức 325 đô la/tuần (tương đương khoảng 7,4 triệu VNĐ)
- Dịch vụ giặt là tốn khoảng 25 đô/tuần, tương đương 100 đô la/tháng (khoảng 2,5 triệu VNĐ)
‘Tổng cộng, lương hàng tháng của vợ tôi là 6.163 đô la Mỹ, 73.956 đô la/năm (khoảng 1,6 tỉ VNĐ). Khách quan mà nói, với số tiền khổng lồ này, tôi không đủ tiền ‘thuê’ vợ.
Và chúng ta cũng phải nhớ rằng, chăm sóc trẻ con không hề có ngày nghỉ phép hay nghỉ ốm. Những người có thu nhập trên 70.000 đô la sẽ nhận được những phúc lợi mà vợ tôi chẳng hề được hưởng.’
Bức ‘tâm thư’ của anh đã nhận được nhiều lời khen ngợi nhưng cũng vấp phải không ít sự chế nhạo và phản đối của cư dân mạng.
Nhiều người cho rằng đó là những thiên chức của người mẹ mà Glory phải có trách nhiệm thực hiện; người khác lại nói anh quá tính toán khi quy ra tiền những việc vợ làm để chăm sóc gia đình.
Tuy nhiên, Steven giải thích, bức ‘tâm thư’ này không phải để hạ thấp những bà nội trợ hoặc ‘định giá’ những gì họ làm mà chỉ là một sự trân trọng anh dành cho người vợ tận tụy.
‘Đi làm và nhận lương khiến bạn cảm thấy mình có giá trị, tự hào vì có thể hỗ trợ được cho gia đình, hạnh phúc khi thành quả lao động của mình được công nhận – thế nhưng Glory đã từ bỏ những điều đó.
Sự thật là, tôi cảm thấy xấu hổ về những lần vợ tôi cảm thấy tội lỗi khi mua gì đó cho bản thân. Tôi thấy hổ thẹn mỗi khi cô ấy cho rằng mình không có quyền tiêu tiền vì không làm ra tiền.
Cô ấy yêu tôi, yêu con và yêu gia đình, vì thế cô ấy làm mọi thứ không phải để nhận lương hay được công nhận.
Nhưng tôi tự hào vì những gì cô ấy làm được với vai trò một bà nội trợ - nếu đi làm, lương cô ấy sẽ gần gấp đôi lương của tôi.
Vì thế, dù có hơi kỳ quặc nhưng đây là cách tôi thể hiện lòng trân trọng với người mẹ của đứa con tôi, người luôn đứng sau cổ vũ tôi dù có chuyện gì xảy ra.
Với anh, em còn quý giá hơn cả kim cương. Và anh không đủ tiền thuê em’.
Quỳnh AnhBạn đang xem bài viết ‘Tôi không đủ tiền thuê vợ mình’ - chia sẻ của người chồng sau khi 'cộng sổ' chi phí nội trợ tại chuyên mục Tâm sự của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].